14/07/2009 - 20:40

Thị trường khoai lang xuất khẩu

Nỗi lo đầu ra... !

Thu hoạch khoai lang xuất khẩu của nông dân Ba Hạo, Hòn Đất (Kiên Giang).

Sau mấy mùa ăn nên làm ra, mùa khoai lang năm nay nhiều nông dân trồng khoai trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp thử thách, khó khăn. Cũng như một số mặt hàng nông sản khác, khoai lang khi vào mùa thuận hay mở rộng vùng sản xuất sản lượng nâng lên cao thì thường dễ gặp cảnh dội chợ rớt giá...

Ông Ba Hạo (Đỗ Quí Hạo), nông dân trồng khoai nổi tiếng ở Mỹ Hiệp Sơn, Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang), không chỉ lo trồng khoai mà là người từng lăn lộn vào thương trường khoai bao năm qua, thừa nhận: “Khâu sau cùng, tức thị trường mới là điều tiên quyết. Hồi trước, khoai lang miền Tây trồng tập trung quanh vùng Sóc Xoài, Hòn Đất (Kiên Giang), Tân Quới, Bình Minh (Vĩnh Long) hay Cầu Kè (Trà Vinh)... ghe chở khoai bán lên Sài Gòn và nội tiêu trong vùng. Mấy năm gần đây,khi có thêm các giống khoai mới như khoai tím Nhật, bí đường xanh... rồi thâm canh, khoai trồng được mùa nghịch, năng suất tăng vọt lên từ 15-20 tấn/ha lên 30-40, thậm chí 50 tấn/ha, sản lượng khoai cả vùng nâng lên thấy rõ và bắt đầu tìm được thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật...”

Tuy nhiên, cho đến nay phần lớn số lượng hàng xuất dạng thô theo đường tiểu ngạch sang các nước lân cận. Đường đi của khoai lang xuất khẩu thế nào, đa số nông dân trồng khoai chỉ nghe qua thương lái. Ông Ba Hạo nói: “Năm nay, thương lái Quảng Châu (Trung Quốc) dò thông tin trên Internet, đến tận ruộng mua hàng khoai lang vỏ tím, ruột tím. Nhưng năm nay khoai lang Hòn Đất còn đi sang Campuchia, Thái Lan. Song buôn bán vẫn qua tay thương lái ở Long Xuyên (An Giang). Cung cách mua bán này nông dân thường bị động nên cũng là nguyên do dẫn tới khoai hiện thời rớt giá”.

Hiện nay, khoai lang miền Tây đang vào mùa thuận, kéo dài từ nay đến tháng 8 âm lịch. Trong mấy ngày qua, đang mùa dỡ khoai lại gặp mất giá. Khoai bí đường xanh hiện giảm còn 1.800 đồng/kg, giảm gần nửa giá so hồi cách đây 2 tháng và thấp hơn 700 đồng/kg so mức giá thấp nhất hồi cuối năm 2008. Trong khi đó, duy có giống khoai lang Nhật vỏ tím, ruột tím giá tương đối ổn định ở mức 4.200 đồng/kg, nhưng năng suất thấp và giá vẫn thấp hơn so lúc giá cao đỉnh điểm hồi đầu năm 800 đồng/kg.

Ông Tư Sang, đại diện Công ty Hoàng Gia ở Bình Minh (Vĩnh Long), cho biết, sau những tháng đầu năm xuất khoai lang sang thị trường các nước, bình quân mười mấy container/tháng. Nhưng hiện đang chậm lại. Yêu cầu khách hàng đang cần là hàng đa dạng các loại như khoai lang vàng, trắng, tím. Như khoai lang vàng đang cần nhiều thì không đủ số lượng cung ứng.

Mấy năm qua, sau khi làm nhập nội thêm một số giống mới, phẩm chất và năng suất khoai lang ở ĐBSCL tăng lên rõ rệt. Trồng thêm mùa khoai gặp trúng giá lợi nhuận hơn hẳn trồng lúa, bởi năng suất cao và cơ cấu mùa vụ lúa-khoai, mùa nào cũng trúng. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu mở ra, nông dân mở đất trồng khoai ngày càng mở rộng. Nhưng nếu chỉ trông vào thị trường nội địa hay xuất hàng thô như hiện thời vẫn chưa thể tránh được điệp khúc vào mùa rớt giá.

Ngoài vùng Sóc Xoài, Mỹ Hiệp Sơn có hơn 400 ha trồng khoai lang, vùng Bình Tân (Vĩnh Long) có diện tích trồng khoai lang lớn nhất miền Tây, có gần 4.000ha. Ước tính sản lượng khoai ĐBSCL đạt hơn 1,3 triệu tấn. Khoai lang Việt Nam có phẩm chất ngon ngọt, tương lai sẽ là một mặt hàng xuất khẩu mạnh không chỉ theo đường tiểu ngạch mà đang hướng tới sản phẩm tinh chế cao cấp, một doanh nhân trong ngành chế biến thực phẩm nông sản nhận định như vậy!

Nông dân trồng khoai cũng đang tìm đường bán khoai lang cho nhà máy chế biến xuất khẩu để mở đường mới. Theo ông Ba Hạo, trồng khoai lang theo yêu cầu đặt hàng nhà máy bước đầu thu hút sự chú ý những vùng đất trồng khoai lớn. Như nông trại Ba Hạo canh tác một năm hai vụ có khả năng cung ứng sản lượng hơn 3.000 tấn khoai lang/năm. Ông Ba Hạo nói, hiện nay đã bắt nhịp cung ứng 15-20 tấn khoai nguyên liệu (2 ngày/chuyến) cho các nhà máy chế biến của Công ty Antesco (An Giang), Công ty Vinamit. Riêng sản phẩm khoai lang sấy của hai doanh nghiệp trên đã xuất khẩu trên 40 nước trên thế giới.

Trong khi đó, một số nông dân ở Sóc Trăng bắt đầu làm quen việc trồng khoai lang Nhật để xuất sang Nhật. Từ cuối năm 2008, Công ty Sao Ta (Fimex-Sóc Trăng) đã đầu tư 2,5 triệu USD xây dựng đưa vào hoạt động nhà máy An San công suất 5.000 tấn/năm, chuyên chế biến hàng nông sản như khoai lang, ớt, đậu bắp... xuất khẩu sang thị trường Nhật và các nước EU... Trong giai đoạn đầu, nhà máy An San xây dựng vùng nguyên liệu tại 2 huyện Cù Lao Dung và Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và hợp đồng đầu tư bao tiêu sản phẩm với nông dân trồng hơn 80 ha với giống khoai lang Nhật và 40 ha đậu bắp với mức vốn ứng trước cho nông dân 5 triệu đồng/ha, giá bao tiêu 4.000đồng/kg. Trên nền đất đai màu mỡ Sóc Trăng, nhà máy An San dự tính mở rộng vùng nguyên liệu lên 600 ha trồng khoai lang và 100 ha đậu bắp.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết