27/07/2016 - 20:27

Nỗi đau “Đứa con thời hậu chiến”

Kỷ niệm 40 năm ngày Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh (2/7/1976 - 2/7/2016), NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ra mắt tiểu thuyết "Đứa con thời hậu chiến" của nhà văn, nhà báo Lại Văn Long. Đây là câu chuyện đậm tính nhân văn kể về số phận của một cô gái thời hậu chiến. Đồng thời, tác phẩm đề cao sự hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hận, hướng tới phát triển.

Sau ngày 30-4-1975. Lê- cô gái 17 tuổi xinh đẹp- theo mẹ từ miền Bắc vào Sài Gòn đoàn tụ với cha- cán bộ cách mạng vừa được bổ nhiệm làm Bí thư liên quận. Trong một lần đi lạc, Lê bị 3 tên yêu râu xanh vây hãm, được một người đàn ông ra tay cứu thoát và anh ta bị thương. Trong quá trình chăm sóc ân nhân, Lê đem lòng yêu người cứu cô. Nhưng người đó là Đỗ Sơn, đại úy lính biệt hải của Việt Nam Cộng hòa. Họ sớm bị chia cắt khi Sơn phải đào thoát. Kết quả của mối tình ngang trái là một bé gái, bị cha Lê đưa vào cô nhi viện và nói dối rằng nó đã chết vì bị viêm phổi.

 

18 năm sau, Lê đã có một gia đình êm ấm với chồng và 2 con trai. Cô bàng hoàng khi trước lúc mất, cha cô tiết lộ về đứa con gái của mình. Được sự giúp đỡ của người bạn thân Trọng Hội, phóng viên báo Công an TP Hồ Chí Minh, Lê tìm được Hoài, đứa con thất lạc đang sống ở vùng núi cao với người dân tộc Stiêng. Thế nhưng, chỉ sau 11 ngày đoàn tụ, sóng gió gia đình nổi lên khi Hoài gây ra lỗi lầm nghiêm trọng. Một lần nữa, tình mẫu tử bị chia cắt. Chuỗi ngày bất hạnh của Hoài lại tiếp diễn...

Ngay từ đầu tác phẩm, sự khác biệt về ý thức hệ và mâu thuẫn xung đột về tư tưởng được tác giả thể hiện rõ qua từng suy nghĩ, hành động của các nhân vật, trong bối cảnh đất nước những ngày đầu giải phóng. Chính sự khác biệt ấy cùng với định kiến xã hội đã đẩy Hoài- đứa con của hai con người ở hai chiến tuyến- vào bất hạnh.

Diễn biến tâm lý nhân vật được tác giả phát triển hợp lý. Cha của Lê muốn bù đắp lỗi lầm nên dặn Lê khi tìm được con hãy nói dối chồng đó là con rơi của ông, là em cùng cha khác mẹ của cô, để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Lê luôn mong muốn tìm lại đứa con thất lạc nhưng khi tìm được, cô có phần thất vọng bởi cô gái 18 tuổi chỉ như đứa bé 10 tuổi, gầy gò, đen đúa, xấu xí. Sự thất vọng ấy được đẩy lên đến đỉnh điểm khi Hoài tiết lộ bí mật về thân phận của mình, phá tan hạnh phúc gia đình cô. Do đó, trong lúc giận mất khôn, Lê đã thẳng tay đuổi Hoài ra khỏi nhà. Hoài, một cô gái bất hạnh, lưu lạc khắp nơi và không lớn nổi bởi cuộc sống đói khát, kham khổ. Khi được đoàn tụ với mẹ mà phải giả làm chị em, nhận thấy sự hời hợt của mẹ đối với mình, đã uất ức gây nên sóng gió cho gia đình mẹ và cả cuộc đời của mình. Trọng Hội, một nhà báo có tâm, có tình, suốt cuộc đời lặng lẽ yêu đơn phương Lê, là cầu nối giúp mẹ con Lê đoàn tụ sau hai lần chia cắt.

Những con người ấy đã quyện lại với nhau thành một vòng tròn số phận đầy éo le, phức tạp, kéo dài đến 39 năm mới kết thúc. Mỗi nhân vật sau những sai lầm, vấp ngã đã biết đứng lên làm lại từ đầu để có một tương lai tươi sáng hơn. Tiêu biểu là Hoài đã chọn cho mình một con đường riêng để đi mà không phụ thuộc vào ai. Khi tất cả các nhân vật hội tụ ở cuối truyện, tháo gỡ những ân oán tình cảm thì cũng là lúc mọi thù hận xưa cũ được rũ bỏ. Bởi trong lúc các bên đều chọn quên đi đau đớn do chiến tranh để cùng hướng đến tương lai, thì cớ gì Lê, Hoài và các thành viên trong gia đình cứ ôm mãi thù cũ hận xưa.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết