08/06/2019 - 09:47

“Cha con tôi”

Nỗi đau da cam không chỉ ở Việt Nam 

“Cha con tôi” là hồi ký Đô đốc Hải quân Mỹ Elmo Zumwalt, Jr. kể về những di hại của chất độc da cam lên chính những người Mỹ tham chiến tại Việt Nam và thế hệ sau của họ.

Sách do NXB MacMillan, New York ấn hành, được NXB Chính trị quốc gia - Sự thật phát hành tại Việt Nam.

Gần 400 trang sách được chia thành 12 chương, tường thuật lại cuộc sống gia đình Zumwalt qua 4 thế hệ. Trong đó, tập trung vào 2 cha con: Đô đốc Hải quân Mỹ Elmo Zumwalt, Jr. và con trai ông là Đại úy Hải quân Elmo Zumwalt III giai đoạn cùng tham gia chiến tranh ở Việt Nam và thời kỳ hậu chiến, trở về đời thường.

Vì muốn giảm thương vong cho lực lượng hải quân Mỹ trước sự phục kích của bộ đội Việt Nam từ những cánh rừng, Đô đốc Hải quân Mỹ Elmo Zumwalt đã ra lệnh rải chất độc da cam hủy diệt các cánh rừng ở Đà Nẵng và Cà Mau, nơi con trai ông làm nhiệm vụ. Điều ông không ngờ là chất dioxin mà quân đội Mỹ được thông báo là không gây hại cho con người thật sự là chất độc đáng sợ, không những hủy hoại môi trường mà còn tàn phá các thế hệ con người một cách khủng khiếp nhất. Con trai và cháu nội của ông là một minh chứng rõ ràng cho điều ấy.

Trở về sau cuộc chiến, Elmo Zumwalt III lấy vợ, sinh 1 con gái và 1 con trai. Tuy đứa con trai út phát triển bình thường về mặt thể chất nhưng não và nhận thức của bé có vấn đề. Bản thân Elmo sau đó cũng phát hiện mang trong mình một lúc 2 căn bệnh ung thư. Sau nhiều xét nghiệm, chẩn đoán, bệnh tình của 2 cha con Elmo được khẳng định là hậu quả của việc anh bị nhiễm chất độc da cam. Không những thế, những cựu binh Mỹ khác từng tham chiến trong vùng bị rải chất hóa học này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe và con cái. Điều đó khiến Elmo Zumwalt, Jr bị dằn vặt, đau khổ: “Cuối cùng bằng cách gián tiếp, tôi đã phải chịu trách nhiệm trước việc Elmo bị nhiễm nặng chất da cam và điều đó đã biến tôi thành một công cụ trong tấn thảm kịch của con mình” (trang 278). Vượt trên những khó khăn, gia đình nhà Zumwalt đã dốc hết sức chạy chữa bệnh tình cho Elmo, sát cánh bên anh trong những ngày đau đớn nhất. Tình cha con, vợ chồng, anh em… là điểm sáng của tác phẩm này.

Cuốn hồi ký cũng cung cấp cho độc giả thêm nhiều thông tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam dưới góc nhìn của những cựu binh Mỹ, kể lại những cuộc đụng độ căng thẳng của hai bên… Và cảm giác vui sướng, nhẹ nhõm của Elmo (con) khi bước lên máy bay rời khỏi Việt Nam có lẽ cũng là cảm giác chung của những binh sĩ Mỹ sau những tháng ngày tham gia cuộc chiến vô nghĩa ở Việt Nam. Bởi theo lời Elmo: “Tôi đã quá chán ghét chiến tranh. Chiến tranh không còn gì hấp dẫn tôi nữa. Tôi muốn kết thúc vĩnh viễn nỗi lo sợ, điều kiện sinh hoạt khủng khiếp, sự giết chóc. Hơn bao giờ hết, tôi không còn muốn lấy hải quân hoặc quân đội nói chung làm sự nghiệp của cuộc đời mình. Tôi muốn thoát ra ngoài” (trang 187-189).

Cuốn sách cảnh tỉnh rằng chiến tranh là vô cùng tàn khốc và chỉ mang lại đau khổ cho con người. Những chất độc hóa học dùng trong chiến tranh đáng lên án, cần phải loại bỏ, bởi nó gây nên nỗi đau và hậu họa khôn lường không chỉ ở Việt Nam mà còn cho cả chính lực lượng đã sử dụng nó…

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cha con tôi