24/08/2024 - 21:18

Nỗi đau của những đứa trẻ mồ côi ở Gaza 

Kể từ khi cuộc xung đột giữa Hamas và Israel nổ ra, nhiều trẻ em tại Dải Gaza rơi vào cảnh mồ côi, khi người thân đều thiệt mạng trong các cuộc không kích. Nhiều em còn bị thương tật, chấn thương tâm lý và ám ảnh bởi những ký ức đau thương về cha mẹ.

Trẻ em mồ côi Palestine tham dự một trại hè ở phía Bắc Dải Gaza hồi tháng 7-2024. Ảnh: NYT

Trong số đó có 4 anh em Mohammed, Mahmoud, Ahmed và Abdullah Akeila. Các cậu bé luôn mong được gặp lại cha mẹ ngay khi có thể trở về Gaza. “Baba và mama sẽ đợi chúng con ở đó” - đám trẻ nói với Samar al-Jaja, người dì 31 tuổi đang chăm sóc họ tại một trại tị nạn ở thành phố Khan Younis của Gaza. Mặc dù nói như vậy, nhưng sự thực là cha mẹ các bé đã qua đời được nhiều tháng, kể từ xảy ra cuộc không kích gần nơi gia đình trú ẩn. Ngoại trừ cậu bé 13 tuổi Ahmed, những đứa trẻ còn lại chưa tận mắt chứng kiến thi thể cha mẹ. Mỗi ngày của 4 anh em trôi qua đầy khó khăn và chúng gần như không thể nói gì vào những dịp đặc biệt, như ngày của Mẹ hay ngày lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo.

Thực tế, cuộc xung đột ở Dải Gaza đang cướp nhiều trẻ em ra khỏi vòng tay cha mẹ và khiến nhiều người phải xa rời con họ. Nó phá vỡ trật tự tự nhiên của cuộc sống ở Gaza và khiến rất nhiều trẻ mồ côi rơi vào cảnh hỗn loạn đến mức không một cơ quan hay tổ chức nào có thể đong đếm được.

Các nhân viên y tế cho biết trẻ em bị bỏ lại buộc phải lang thang trong hành lang bệnh viện và tự lo liệu khi được đưa đến trong tình trạng thân thể đầy máu và đơn độc. Các đơn vị sơ sinh trở thành nơi ở của những em bé mà không có ai đến nhận. Tại thành phố Khan Younis, một trại tị nạn do các tình nguyện viên điều hành đã mọc lên để che chở cho hơn 1.000 trẻ em mất cha hoặc mẹ hoặc cả hai. Tại đây, một khu vực được dành riêng cho “những người sống sót duy nhất”, tức những đứa trẻ đã mất toàn bộ gia đình. Ðáng buồn là danh sách chờ vào khu vực này rất dài.

Theo Cơ quan Y tế Gaza, kể từ ngày 7-10-2023, chiến dịch quân sự của Israel đã khiến ít nhất 40.265 người Palestine ở Gaza thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, và gần 2 triệu người dân phải đi sơ tán. Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho biết, 6 tháng sau khi xung đột nổ ra, gần 10.000 phụ nữ Palestine ở Gaza đã thiệt mạng, trong đó có khoảng 6.000 bà mẹ, khiến khoảng 19.000 trẻ em mồ côi. UN Women ước tính cứ 10 phút lại có 1 trẻ em chết hoặc bị thương.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định con số thực tế có thể còn cao hơn. Bởi giữa lúc những trận ném bom, những cuộc di tản diễn ra liên tục, khó ai có thể nói chính xác có bao nhiêu trẻ em đã mất dấu cha mẹ và bao nhiêu trẻ đã vĩnh viễn mất đi cha mẹ. Ông Jonathan Crickx, Giám đốc Truyền thông Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), nhận định những cuộc xung đột khác không dẫn đến nhiều vụ ném bom và nhiều cuộc di dời như vậy tại một nơi nhỏ bé và đông đúc, có trẻ em chiếm tỷ lệ cao trong dân số như ở Dải Gaza.

Tiến sĩ Deborah Harrington, một bác sĩ sản khoa người Anh có thời gian làm tình nguyện ở Dải Gaza, từng chứng kiến một vài trường hợp trẻ sinh ra đã là trẻ mồ côi, do người mẹ bị thương đã qua đời trong quá trình chuyển dạ. Nhưng phổ biến hơn là những trẻ em và cha mẹ bị chia cắt khi lực lượng Israel bắt giữ cha mẹ, hoặc trẻ em được đưa đến bệnh viện một mình sau cuộc không kích.

Các bác sĩ đã điều trị cho nhiều trẻ em mới chịu cảnh mồ côi, nhiều em trong số đó phải phẫu thuật đoạn chi. “Không có ai ở đó để nắm tay tụi nhỏ, không có ai ở đó để an ủi các bé trong suốt những ca phẫu thuật đau đớn”, Tiến sĩ Irfan Galaria, một bác sĩ người Mỹ từng làm việc tại một bệnh viện ở Gaza, kể lại. Theo Làng trẻ em SOS - một nhóm cứu trợ điều hành trại trẻ mồ côi ở Gaza, một số trẻ nhỏ bị chấn thương tâm lý nặng đến mức các bé trở nên câm lặng và không thể nói tên mình, khiến việc tìm kiếm thông tin gần như bất khả thi.

Ông Crickx cho biết mặc dù các trại tị nạn hỗ trợ các bữa ăn và tiền mặt, nhưng trong bối cảnh mọi người đều đấu tranh để sinh tồn, một số gia đình ở Gaza ưu tiên con cái của họ hơn là những người thân mồ côi. Và trẻ mồ côi rất dễ bị bóc lột, bạo lực và lạm dụng. Mahmoud Kalakh, một nhân viên từ thiện đã thành lập trại trẻ mồ côi, cho biết ngay cả đối với những đứa trẻ vẫn còn cha mẹ, tình trạng tại Dải Gaza sau chiến sự cũng sẽ là một nơi khó khăn để các em có thể lớn lên.

NGUYỆT CÁT (Theo NYT)

Chia sẻ bài viết