30/05/2019 - 09:07

Nở rộ phim thanh xuân – Chất có đi đôi với lượng? 

Khoảng vài năm gần đây, điện ảnh Việt có rất nhiều bộ phim khai thác đề tài về tuổi thanh xuân, mang đến làn gió mới và lan tỏa sự trong trẻo, ngọt ngào tới người xem. Tuy nhiên, “trăm hoa đua nở” không phải hoa nào cũng đẹp. Số lượng phim tuy nhiều nhưng để gây dấu ấn với người xem thì không có bao nhiêu.

Phim “Tháng 5 để dành” đang chiếu tại các cụm rạp.

Hiện nay, các cụm rạp đang chiếu phim “Tháng 5 để dành” của đạo diễn sinh năm 1992 Lê Hà Nguyên. Đây tác phẩm đầu tay, được thực hiện trong gần 3 năm với nguồn kinh phí hạn hẹp của một bộ phim độc lập. Nội dung phim xoay quanh mối tình tuổi học trò giữa Hiếu và Mai Ngọc vào những năm 2000. Với tiết tấu chậm, ít kịch tính, “Tháng 5 để dành” chỉ mới dừng lại ở mức tái hiện được cái chất nhẹ nhàng của tình yêu tuổi mới lớn, đem lại sự hoài niệm, chứ khó có thể đẩy cảm xúc người xem đi xa hơn.

Trước đó không lâu, vào đầu tháng 5, bộ phim “Ước hẹn mùa thu” của đạo diễn nổi tiếng Nguyễn Quang Dũng khi ra mắt đã không được như kỳ vọng của khán giả. Dù có ý tưởng hay nhưng kịch bản có nhiều sạn, cách dẫn dắt thiếu thuyết phục đã khiến phim chỉ dừng lại ở mức xem được, chứ không thể tạo nên đột phá phòng vé như bộ phim “Tháng năm rực rỡ” (năm 2018) dù có cùng một đạo diễn.

Có thể thấy, điện ảnh Việt đã bắt kịp với xu thế chung của các nước châu Á và tâm lý của khán giả về dòng phim thanh xuân nên những năm gần đây đã ra đời  hàng chục tác phẩm như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Chàng trai năm ấy”, “12 Chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”, “4 năm 2 chàng và 1 tình yêu”, “Tình đầu thơ ngây”, “Chờ em đến ngày mai”, “Em chưa 18”, “Tháng năm rực rỡ”, “Yêu em bất chấp”, “Em gái mưa”, “Hạ cuối tình đầu”, “Thạch Thảo”, “Nhắm mắt thấy mùa hè”, “Cà chớn, anh đừng đi”, “Ước hẹn mùa thu”, “Tháng 5 để dành”…       

Một trong những lý do khiến dòng phim thanh xuân “nở rộ” là bởi khán giả xem phim ở Việt Nam hầu hết là thanh thiếu niên, với độ tuổi trung bình từ 16 đến ngoài 30. Chỉ cần phim được làm chỉn chu, dễ thương, khơi được cảm xúc và đánh trúng tâm lý người xem là có thể thu hút khán giả đến rạp. Mặt khác, những khán giả đã qua độ tuổi thanh xuân cũng thích xem thể loại này để hoài niệm một thời tuổi trẻ hồn nhiên.

Tuy khán giả không đòi hỏi cao nhưng không có nghĩa là phim nào ra rạp cũng thành công. Ngoại trừ một số phim đạt doanh thu cao và để lại ấn tượng mạnh với khán giả như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua” (chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh); “Em là bà nội của anh” và “Tháng năm rực rỡ” (làm lại từ kịch bản của Hàn Quốc); “12 Chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”, “Em chưa 18” thì các phim còn lại đều chưa thật sự nổi bật, thậm chí một số phim nhạt nhẽo.

Chất không đi đôi với lượng khiến nhiều người lo ngại về sức hút khán giả lâu dài của các phim thanh xuân. Bởi điều tuyệt vời nhất khán giả tìm kiếm ở dòng phim này là sự ngọt ngào, lôi cuốn, một năng lượng tuổi trẻ nhiệt huyết, thái độ yêu và sống tích cực. Thế nhưng, yếu tố quyết định làm nên một bộ phim hay còn phụ thuộc nhiều vào kịch bản cùng cách khai thác và định nghĩa “thanh xuân” của mỗi đạo diễn. Điều này, các bộ phim Việt còn nhiều hạn chế. Phần lớn các phim đều na ná nhau khi chỉ tập trung khai thác về mối tình đầu, kỷ niệm thời học sinh, những va vấp đầu đời… mà quên mất sức nặng của thông điệp, của chất riêng cần phải có để không bị lẫn với các phim khác cùng thể loại.

Vì thế, nếu không muốn đi vào ngõ cụt và sự nhàm chán, dòng phim thanh xuân cần sự bứt phá và đổi mới trong tương lai.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết