15/08/2024 - 09:17

Nỗ lực tạo đầu ra thuận lợi cho thanh nhãn 

Những năm gần đây, diện tích trồng cây thanh nhãn trên địa bàn TP Cần Thơ ngày càng tăng và cây thanh nhãn đã giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện nâng cao thu nhập. Ðể phát triển bền vững loại cây ăn trái ngon này, các cơ quan chức năng ở Cần Thơ đã tích cực tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đồng thời hỗ trợ nông dân kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ðến nay, trái thanh nhãn của Cần Thơ không chỉ ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến mà còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Thu hoạch thanh nhãn tại một hộ dân ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

Khẳng định chất lượng

Bên cạnh nhiều loại cây ăn trái ngon, đặc sản vốn đã nổi tiếng như dâu Hạ Châu Phong Ðiền, xoài Cát Hòa Lộc Sông Hậu hay các loại vú sữa, sầu riêng, những năm gần đây trái thanh nhãn được trồng ở Cần Thơ cũng ngày càng được nhiều người biết đến. Huyện Cờ Ðỏ hiện là địa phương có diện tích trồng thanh nhãn lớn nhất ở Cần Thơ, với khoảng 330ha, tập trung tại xã Thới Hưng và một số vùng lân cận thuộc xã Ðông Hiệp và Ðông Thắng. Trái thanh nhãn trồng ở Cờ Ðỏ đã được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu ra các thị trường quốc tế, được khách hàng và người tiêu dùng quốc tế đánh giá cao về chất lượng. Bởi thanh nhãn có trái lớn, hạt nhỏ, cơm dày, ráo nước và vị ngọt thanh.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Ðỏ, cây thanh nhãn trồng tại huyện cho chất lượng trái rất ngon và giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng nhờ bán được giá cao so với nhiều loại nhãn khác. Với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng, nông dân trồng thanh nhãn tại huyện Cờ Ðỏ cũng đã liên kết thành lập các tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) để hình thành các vùng trồng nhãn tập trung, có mã số vùng trồng và sản xuất đạt theo VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu... Thời gian qua, nhiều HTX và THT tại huyện như HTX Cây ăn trái Thái Thanh, HTX nhãn Thanh Hữu Tâm và THT Trạng Tí Garden đã liên kết được với Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH TMDV XNK Vina T&T (Vina T&T Group) để đưa thanh nhãn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Úc và Hoa Kỳ.

Theo ông Trần Phước Sơn, Tổ trưởng THT Trạng Tí Garden, trái thanh nhãn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính đã tạo điều kiện cho nông dân bán được sản phẩm với mức giá tốt hơn và có điều kiện nâng cao thu nhập, từ đó cũng tạo động lực để người trồng tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với việc phát triển sản xuất theo hướng GAP và hướng hữu cơ, nông dân tại THT cũng đã chú ý áp dụng các kỹ thuật để nhãn ra trái rải vụ nghịch mùa, bán được giá cao.

Mở rộng thị trường

Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ nông dân tại các HTX và THT trong kết nối với các doanh nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu trái thanh nhãn, ngành chức năng tại huyện Cờ Ðỏ cũng đang tích cực phối hợp với các sở, ngành thành phố để mở rộng thị trường tiêu thụ trái thanh nhãn tại nội địa. Ðặc biệt, chú ý hỗ trợ và tạo điều kiện để nông dân đưa sản phẩm vào bán tại các siêu thị, kênh bán hàng hiện đại và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái.

Theo ông Lê Chí Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Ðỏ, hiện huyện có 4.990ha cây ăn trái, trong đó thanh nhãn chiếm diện tích khoảng 330ha, đây là loại trái cây có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được trồng tập trung tại xã Thới Hưng, đó cũng là một ưu thế để liên kết thành vùng sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu. Ðến nay, thanh nhãn trồng tại huyện đã được cấp 33 mã số vùng trồng xuất khẩu, với diện tích hơn 115ha để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, EU, Úc và Hoa Kỳ. Nhiều nông dân tại các THT và HTX cũng chủ động liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Phát huy kết quả đã đạt được, tới đây huyện tiếp tục quan tâm định hướng, khuyến khích các tổ chức nông dân mạnh dạn khai thác tiềm năng đa giá trị trên vườn cây ăn trái. Ngoài việc tăng giá trị cho vườn cây bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu, thì cũng chú ý phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái đặc trưng nhằm khai thác triệt để lợi thế nông nghiệp địa phương và góp phần tạo thuận lợi cho nông dân trong tiêu thụ sản phẩm. Khuyến cáo nông dân tuân thủ nghiêm quy định và yêu cầu của các nước nhập khẩu, cũng như nguyên tắc, điều khoản trong hợp đồng đã ký với doanh nghiệp và các bên có liên quan nhằm đảm bảo mối liên kết bền chặt, cùng nhau phát triển.

Các doanh nghiệp quan tâm áp dụng linh động các giải pháp, phương thức bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu hàng nhằm phục vụ tốt khách hàng và có điều kiện mở rộng thị trường. Theo ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, trái thanh nhãn trồng ở Cần Thơ rất ngon, được ví như “vua nhãn”. Khi tới mùa thanh nhãn, người tiêu dùng tại nhiều nước rất trông chờ được thưởng thức trái thanh nhãn và có tình trạng không đủ hàng để bán, nhất là tại thị trường Hoa Kỳ và Úc. Cùng với việc tranh thủ xuất khẩu thanh nhãn đầu mùa bằng đường hàng không, thời gian qua công ty cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu thanh nhãn bằng đường biển khi bước vào thu hoạch rộ. Ðặc biệt, khi nhãn rộ mùa, công ty vừa xuất khẩu bằng đường biển và đường hàng không, vừa tổ chức thu mua để cấp đông nhằm có sản phẩm bán quanh năm cho thị trường thế giới.

Vừa qua, tại huyện Cờ Ðỏ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ phối hợp với UBND huyện Cờ Ðỏ và các đơn vị có liên quan tổ chức tọa đàm “Phát triển chuỗi sản xuất - tiêu thụ cây ăn quả bền vững và công bố xuất khẩu lô thanh nhãn sang thị trường Hoa Kỳ". Ðó là lô thanh nhãn 1,2 tấn của THT Trạng Tí Garden, được Vina T&T Group liên kết sản xuất và thu mua để xuất khẩu sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không. Dịp này, Vina T&T Group đã ký kết hợp tác với THT Trạng Tí Garden nhằm tăng cường liên kết trong sản xuất và xuất khẩu trái thanh nhãn sang thị trường Hoa Kỳ và Úc theo hướng lâu dài và bền vững.

Ðể phát triển liên kết sản xuất và xuất khẩu thanh nhãn bền vững, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các THT, HTX liên kết với nhau tạo thành vùng sản xuất đủ lớn đáp ứng yêu cầu xây dựng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp. Ðại diện các HTX, ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương cần vận động tất cả nông dân và HTX trong vùng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là định hướng sản xuất hữu cơ, sinh học, tạo sản phẩm đồng nhất, ổn định về chất lượng và đảm bảo an toàn...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết