Trước áp lực giá xăng dầu tăng cao nhưng nhờ các nhà phân phối chia sẻ khó khăn, gánh một phần áp lực, nhìn chung giá cả hàng hóa tiêu dùng tại TP Cần Thơ đến nay vẫn ổn định. Trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19, đối với các doanh nghiệp (DN), đặc biệt với các DN xuất khẩu, đây là một thách thức không nhỏ. Trước tình hình đó, nhiều giải pháp đã được Chính phủ, DN triển khai nhằm duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, giữ bình ổn giá cả thị trường.

Hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã Kim Hưng.
“Gánh” giá
Ông Trịnh Hoàng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phi Hải, đơn vị chuyên vận chuyển vật liệu xây dựng như sắt, đá, xi măng…, cho biết, giá xăng dầu tăng mạnh trong những ngày qua khiến các DN vận tải tăng thêm gánh nặng chi phí. Với mỗi chuyến xe từ TP Cần Thơ đi TP Hồ Chí Minh, DN của ông phải chi thêm từ 1-1,2 triệu đồng. Do đã ký hợp đồng giá vận chuyển từ trước nên DN phải chịu chi phí tăng thêm này. Với hơn 10 đầu xe đang hoạt động mỗi ngày DN phải chi thêm khoản chi không nhỏ.
Giá cả, chi phí tăng sau Tết Nguyên đán được các DN cho biết là theo quy luật hằng năm. Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Thị Ánh Nguyệt, Giám đốc Hợp tác xã Kim Hưng chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công (nguyên liệu chủ yếu từ cây lục bình) ngay trong tháng đầu năm, hợp tác xã đã xuất khẩu 71 container hàng hóa, trị giá hơn 1 triệu USD. Tuy nhiên, đơn vị phải đối mặt với áp lực về chi phí sản xuất tăng mạnh. Chẳng hạn, mặt hàng sắt thép và các nguyên liệu khác trong sản xuất tăng 40-45%. Dịch vụ logistics bị ảnh hưởng do thiếu container rỗng và phí thuê container tăng cao, phí vận chuyển hàng hóa nội địa tăng… đã tác động tiêu cực đến đơn vị. Mặc dù hàng hóa của hợp tác xã được bán theo giá FOB (giá bán tại cửa khẩu bên xuất hàng, không bao gồm phí bảo hiểm và phí vận chuyển), nhưng do ảnh hưởng giá xăng dầu tăng, cước vận chuyển quốc tế điều chỉnh tăng gấp 3, 4 lần nên nhà nhập khẩu kéo giãn thời gian nhận hàng hoặc chỉ nhận cầm chừng để chờ giá vận chuyển giảm, điều này đã thiệt hại không nhỏ đến tiến độ sản xuất và tình hình luân chuyển hàng hóa của hợp tác xã.
Bà Nguyễn Thị Út Lài, Giám đốc Trung tâm Ðiều hành bán lẻ Satra Cần Thơ cho biết, cùng với kinh doanh, nhiệm vụ chính của Satra là cùng với các địa phương nơi có Satra trú đóng giữ bình ổn giá hàng hóa, ổn định thị trường. Do vậy, mặc dù chịu áp lưc không nhỏ từ giá xăng dầu tăng cao nhưng hệ thống Satra nói chung, Satra tại TP Cần Thơ nói riêng vẫn đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, giá ổn định. Hiện hầu hết các mặt hàng bán tại Satra giá vẫn giữ nguyên không thay đổi so với trước Tết. Riêng đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đơn vị thu mua trực tiếp với các hợp tác xã hoặc từ nhà vườn và đa phần tự vận chuyển đến các điểm phân phối nên sẽ thuận lợi hơn trong việc giữ ổn định giá.
Nỗ lực giữ giá
Ðại diện Siêu thị LOTTE Mart Cần Thơ cho biết, do có sự chuẩn bị hàng hóa kinh doanh cho trước và sau Tết Nguyên đán nên hầu hết giá hàng hóa tại LOTTE Mart ổn định. Hiện nay siêu thị cũng đã nhận được một vài thông báo tăng giá hàng hóa từ các nhà cung ứng. Tuy nhiên, đơn vị sẽ nỗ lực đàm phán để có giá tốt nhất cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành cho rằng, với các DN, năm 2022 được xem là năm phục hồi phát triển. Nhờ có đơn hàng ổn định nên Công ty Việt Thành duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, mặc dù hiện là giai đoạn thấp điểm của ngành may. Từ tín hiệu tích cực, hy vọng năm 2022 DN sẽ gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng cao, khiến nhiều chi phí tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển tăng, tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của DN.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, năm 2022 diễn biến hết sức phức tạp. Các hàng hóa dịch vụ, nguyên vật liệu đầu vào, trong đó có giá xăng dầu có chiều hướng tăng cao. Ðây là yếu tố quan trọng cần tính đến trong các kịch bản điều hành giá cho năm 2022 để đảm bảo giữ vững bình ổn giá trong điều kiện có thể. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, chịu tác động rất lớn của giá cả trên thị trường thế giới. Trên thị trường thế giới, từ ngày 11-1 đến ngày 21-2, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng từ 15,45-20,88%, nhưng giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59-14,04%. Ðiều này chứng tỏ chúng ta đã điều hành giá linh hoạt, giá tăng thấp hơn các nước trong khu vực.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tiếp tục chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và lưu thông phân phối hàng hóa; đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Mới đây, Sở Công Thương đến thăm, kiểm tra tình hình kinh doanh, cung ứng hàng hóa và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng hiện đại trên địa bàn TP Cần Thơ. Qua kiểm tra thực tế ghi nhận, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho đến hết quý I năm 2022 nên đảm bảo đầy đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ðối với mặt hàng xăng dầu, các cơ quan chức năng của thành phố cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký kinh doanh xăng dầu… Trong quá trình kiểm tra, sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, hàng hóa tại các siêu thị rất dồi dào và đa dạng, đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố. Việc thực hiện bình ổn giá hàng hóa được các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, theo các nhà bán lẻ, để giữ ổn định giá hàng hóa như hiện nay, bên cạnh nguồn hàng đã được chuẩn bị từ trước Tết, các đơn vị phải đàm phán với nhà cung cấp, đồng thời chia sẻ bớt lãi…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự báo tình hình trong quý II và 10 tháng còn lại năm 2022, áp lực lạm phát tăng cao, cần phải theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá và đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp. Theo Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá. Tuy nhiên các kịch bản này chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô (dưới 100 USD/1 thùng). Hiện nay giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/1 thùng và các dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản, "lường trước tình huống xấu hơn" để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Bài, ảnh: KHÁNH NAM
Kiểm tra, giám sát các loại hàng hóa và xăng dầu
(CT) - Ðể kịp thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa kém chất lượng,… Từ đầu năm đến nay Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra mặt hàng trang thiết bị y tế được 26 vụ, xử phạt các trường hợp vi phạm trên 122 triệu đồng. Gần đây, ngày 25-2, Ðội QLTT số 2, thuộc Cục QLTT TP Cần Thơ phát hiện hộ kinh doanh quầy thuốc tại huyện Thới Lai vi phạm hành chính kinh doanh 10 bộ kist test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có tổng giá trị được xác định theo giá niêm yết là 770.000 đồng và không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược đối với trường hợp phải có chứng chỉ hành nghề dược hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở. Ðoàn kiểm tra lập Biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh trên, đồng thời niêm phong, tạm giữ tang vật vi phạm để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Ðối với mặt hàng xăng dầu, từ ngày 24-1-2022 đến nay, Cục đã xử phạt 3 công ty kinh doanh xăng dầu, thu phạt 32 triệu đồng về các hành vi như không ghi thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định; ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản và giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng. Ðồng thời với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các Ðội QLTT đã giám sát, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về kinh doanh xăng dầu, thực hiện ký cam kết, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho người dân được 174 bản.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Cần Thơ chỉ đạo lực lượng tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng xăng dầu. Nếu phát hiện vi phạm tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
N.H
|