TP Cần Thơ đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành phố theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tăng cường cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ mới và hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nông sản.
Khắc phục sản xuất nhỏ lẻ
Nhờ sản xuất đảm bảo an toàn, rau muống tại HTX rau an toàn Hòa Phát ở quận Ô Môn được nhiều thương lái đặt hàng, đến tận nơi thu mua số lượng lớn. Trong ảnh: Thu hoạch rau muống tại HTX rau an toàn Hòa Phát.
Để nâng cao giá trị trên cùng một diện tích sản xuất, những năm qua Cần Thơ chú trọng đẩy mạnh sản xuất lúa và các loại cây trồng vật nuôi theo hướng chất lượng cao, an toàn, liên kết theo chuỗi, với sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra lượng hàng hóa lớn có chất lượng đồng nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thành phố cũng tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân tận dụng các điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước ngọt quanh năm để phát triển đa dạng các cây trồng, vật nuôi khác phù hợp lợi thế địa phương, giúp mang lại giá trị kinh tế cao và thích ứng biến đổi khí hậu.
Mô hình cánh đồng lớn (CĐL) trong sản xuất lúa được triển khai từ vụ hè thu 2011 tại thành phố với quy mô ban đầu chỉ có 400ha tại huyện Vĩnh Thạnh, đến nay được mở rộng diện tích đạt trên 30.000ha/vụ, với hơn 23.300 hộ dân tham gia và trong CĐL đã hình thành 10.000ha lúa sạch, 100ha sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP và 360ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. CĐL đã tạo điều kiện phát huy hiệu quả “liên kết bốn nhà”, thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo và tăng lợi nhuận cho nông dân từ 2,4-5 triệu đồng/ha/vụ. Năm 2020, thành phố gieo trồng lúa trong 3 vụ gồm đông xuân, hè thu và thu đông đạt tổng diện tích hơn 222.999ha, sản lượng đạt hơn 1,389 triệu tấn, với tỷ lệ lúa chất lượng cao đạt trên 70% nên giá trị cũng được nâng cao và dễ tiêu thụ.
Cần Thơ xây dựng được các vùng chuyên canh trồng rau màu, cây ăn trái tập trung theo hướng tiêu chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Hình thành các vùng nuôi thủy sản và các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn liên kết sản xuất theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học và an toàn thực phẩm. Đến nay, thành phố đã mở rộng 18 vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại các quận, huyện, với tổng diện tích 229ha, với sản lượng hơn 28.390 tấn/năm. Hình thành các sản phẩm cây ăn trái đặc trưng có thương hiệu và vùng sản xuất tập trung như: vùng sản xuất xoài tập trung với tổng diện tích khoảng 2.469ha, nhãn 996ha, vú sữa 975ha, sầu riêng 789ha, dâu Hạ Châu 443ha… Đến nay, có 268ha cây ăn trái của 339 hộ dân thuộc các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP. Trên địa bàn thành phố đã có 191 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung và phát triển vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn như: VietGAP, Global GAP, ASC, SQF, BMP… với tổng diện tích đạt 339ha. Thành phố cũng đã tích cực khuyến khích người sản xuất liên kết với các nhà phân phối, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và đã có 59 chuỗi, với 295 sản phẩm được xác nhận trong chuỗi. Điều rất đáng mừng là 100% các sản phẩm trong chuỗi đều ký kết được các hợp đồng với các nhà phân phối và bán lẻ để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hướng đến chất lượng cao, an toàn
Năm 2020 sản xuất nông nghiệp đối mặt với các khó khăn và thách thức chưa từng thấy do đại dịch COVID-19 và thiên tai khốc liệt dị thường, cùng nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Cần Thơ vẫn giữ được đà tăng trưởng dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp không tăng. Tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 đạt 5.973,4 tỉ đồng, tốc độ tăng GRDP đạt 1,58%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt13.845,64 tỉ đồng, tăng 1,45% so với năm 2019.
Đạt được thành công trên ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, thành phố và sự nỗ lực của toàn ngành, còn có nguyên nhân rất quan trọng là thành phố đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Kịp thời chuyển hướng mạnh mẽ từ “lượng sang chất”, chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, chất lượng cao và an toàn để tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm, nâng cao được giá trị trên cùng diện tích. Cùng với việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Cần Thơ cũng triển khai nhiều nghị quyết, chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đa dạng và bền vững. Cụ thể như: Dự án sáng kiến phát triển lúa gạo châu Á, Dự án VnSAT… Thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp. Tăng cường đầu tư, chuyển giao khoa học, công nghệ cho nông dân và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp để tạo động lực cho tăng trưởng, phát triển. Qua đó, tạo điều kiện tổ chức lại sản xuất các sản phẩm chủ lực ở quy mô lớn, tập trung, hiện đại, thực hiện liên kết theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong thời đại 4.0, TP Cần Thơ đã và đang tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tái cơ cấu lại nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung đầu tư sản phẩm chủ lực của địa phương, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung phát triển các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Song song đó, Cần Thơ cũng hướng đến xây dựng các trung tâm logistics nông sản, trung tâm dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao cấp vùng, trung tâm chế biến nông, thủy sản cấp vùng. Quan tâm đầu tư vào nông nghiệp theo hướng tăng ngân sách hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển, chuyển giao khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tạo việc làm, phát triển thị trường đầu ra cho các sản phẩm chủ lực. Đầu tư kết cấu hạ tầng, cung cấp thông tin và dịch vụ phục vụ sản xuất, tạo môi trường thuận lợi thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Hình thành trang trại, HTX và các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG