Ghi chép * SỸ KHANG
Suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất An Bình (hiện nay thuộc quận Ninh Kiều) là một địa bàn quan trọng của ta, nên kẻ địch luôn tập trung đánh phá ác liệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân nơi đây kiên trì bám đất, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, lập nên nhiều chiến công. 37 năm sau giải phóng, An Bình không ngừng phát huy nội lực để chuyển mình, phát triển về mọi mặt, xứng đáng với truyền thống của địa phương hai lần được nhận danh hiệu anh hùng.
* Anh hùng trong kháng chiến
 |
Diện mạo phường An Bình bây giờ đã khang trang. Trong ảnh: Một góc trung tâm
phường An Bình.Ảnh: ANH DŨNG |
Trong không khí rộn ràng kỷ niệm 37 năm Ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chúng tôi về thăm lại quê hương An Bình. Dừng chân bên con rạch Ngã Cạy, rồi đến Nghĩa trang Ngã Cạy - nơi từng ghi dấu những chứng tích bi hùng của quân, dân An Bình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chú Võ Văn Dùng, Phó Bí thư Chi bộ khu vực 2, nguyên Trung đội phó, Trung đội Biệt động thị xã Cần Thơ, từ năm 1960 -1966, kể cho chúng tôi nghe về những tấm gương anh dũng chiến đấu, hy sinh của những người con An Bình.
Theo chú Dùng, An Bình là một trong những địa bàn quan trọng của ta, nên kẻ địch luôn tập trung đánh phá ác liệt. Đầu năm 1962, địch đẩy mạnh việc lập ấp chiến lược ở An Bình. Chúng “qui khu” ở một vài xóm ven lộ rồi sơn phết lên bằng cái tên gọi là ấp “Tân Sinh”, ấp “Đời Mới”. Còn đối với vùng bên trong của xã thì chúng cho đóng cọc sắt, kéo chì gai, tạo vành đai chiến lược. Nhưng khi chúng vừa dựng lên đã bị nhân dân An Bình lần lượt phá hủy. Chúng làm lại thì đồng bào tiếp tục phá, cứ như thế có nơi diễn đi diễn lại hàng chục lần, cuối cùng bọn chúng phải bỏ ý định lập ấp chiến lược ở An Bình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế trận chiến tranh nhân dân ở An Bình ngày càng được củng cố, phát triển. Các xóm ấp chiến đấu được hình thành, nhiều người dân tham gia vào việc vót chông, đào hầm, tạo vật cản để ngăn chặn các cuộc càn quét của địch. “Ngày ấy, ấp này có rất nhiều hầm bí mật. Đêm nào bộ đội và bà con cũng tổ chức đào hầm rồi gánh đất ra sông, mương đổ. Địch cho biệt kích mai phục nhiều khu vườn để bắt cán bộ ta. Những lúc nguy hiểm lại là lúc chúng tôi vững lòng nhất vì được sống giữa lòng dân, được dân tin yêu và che chở” - chú Dùng nhớ lại. Đặc biệt, trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, dù bị địch phản kích dữ dội, bom phá ác liệt, nhưng nhiều người dân vẫn kiên trung bám đất, các đội dân công của An Bình vượt qua bom đạn, vận chuyển vũ khí, lương thực, đào công sự, hầm trú ẩn, tổ chức tải thương binh về phía sau. Đồng bào ở ngọn rạch Ngã Cạy ân cần tiếp nhận, chăm sóc thương binh, mai táng liệt sĩ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thực hiện kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy, Đảng bộ, quân và dân An Bình đã tích cực chuẩn bị mọi mặt với tinh thần tự lực giải phóng xã nhà, đồng thời hỗ trợ cho lực lượng tấn công vào thành phố. Để có ngày hoàn toàn giải phóng quê hương, Đảng bộ và nhân dân An Bình trải qua biết bao gian khổ hy sinh. Theo sử sách ghi lại, chỉ tính từ năm 1965 đến ngày giải phóng thì ở An Bình có 148 người bị địch cầm tù; 125 gia đình liệt sĩ; 205 gia đình nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ cách mạng bằng hầm bí mật; 28 gia đình có từ 3 người con thoát ly đi làm cách mạng. Như gia đình bà Lê Thị Huyền có 7 người con đi bộ đội, thì có 2 người con hy sinh trong kháng chiến; ông Lê Văn Huấn có 5 người con trai theo cách mạng và hy sinh cả 5 người.
Với những thành tích vẻ vang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã An Bình đã vinh dự đón nhận: 1 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, 1 Huân chương Thành đồng hạng Ba và được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
* Anh hùng trong thời kỳ đổi mới
Lòng yêu nước, tinh thần cách mạng tiến công của Đảng bộ, quân và dân An Bình càng được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng quê hương. Vì vậy, năm 2000, Đảng bộ xã An Bình tiếp tục được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
37 năm sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, An Bình ngày càng thay da đổi thịt, hiện rõ dáng dấp của một phường đô thị. Dọc theo các tuyến đường chính của trung tâm phường, nhiều cửa hiệu, cơ sở sản xuất kinh doanh, các dịch vụ ra đời, hoạt động khá nhộn nhịp. Theo các đồng chí lãnh đạo phường, hiện trên địa bàn phường có trên 20 dự án qui hoạch đã và đang thực hiện. Nhiều dự án như: Khu dân cư Cái Sơn Hàng Bàng (khu A), Khu tái định cư 923, Chợ An Bình, mở rộng Quốc lộ 1A... đã thực hiện xong, góp phần tạo nên bộ mặt đô thị đồng thời tạo nền tảng để địa phương phát triển.
Sự chuyển biến đáng kể bắt đầu từ năm 2004, khi An Bình từ xã vùng ven của thành phố Cần Thơ (cũ) được nâng lên phường, trực thuộc quận Ninh Kiều, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Cùng với sự đầu tư của nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhiều tuyến đường mới trên địa bàn quận trung tâm, Đảng bộ, nhân dân An Bình tiếp tục phát huy nội lực, góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Người có sức góp sức, người có của góp của, hiến đất, hoa màu, người khá giả choàng gánh cho người nghèo. Nhờ vậy, nhiều tuyến hẻm thậm chí trước đây chỉ là bờ đê, lối mòn, giờ đã được mở rộng, bê tông thẳng tấp.
Trở lại khu vực 1 trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi nghe bà con kể nhiều chuyện vui. Vui nhất là tuyến đường đất vốn là bờ đê chông chênh ngày nào, với sự đóng góp của bà con và các mạnh thường quân, nay được xây dựng thành đường bê tông khang trang, rộng 4m, mang tên anh hùng lực lượng vũ trang Trần Vĩnh Kiết. Chính quyền địa phương đang tiếp tục huy động sức dân để xây dựng tuyến vành đai cặp sân bóng. Cô Lê Hồng Vân, người dân ở khu vực 1 cho biết, ngày xưa, nơi đây là từng là đồn địch, đời sống người dân không yên ổn. Sau giải phóng, đường sá hư hỏng, hoang vu, nhà dân ở thưa thớt. Nhờ sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, đời sống người dân ngày được nâng lên, đường sá ngày càng khang trang, diện mạo khu dân cư ngày càng đổi mới...
Đường Nguyễn Văn Trường dẫn về Nhà thông tin khu vực 8 xe chạy êm ru. Nghe chúng tôi khen tuyến đường đẹp, chú Châu Văn Hai, Bí thư Chi bộ khu vực 8, kể: “Chỉ tính riêng tuyến đường này, trong thời kháng chiến chống Mỹ đã có tới 5 đồn giặc, nhà cửa, vườn tược xác xơ. Nhiều năm sau giải phóng, đường giao thông còn rất xập xệ, nắng bụi, mưa sình. Những năm gần đây, nhà nước đầu tư xây dựng những tuyến chính, nhiều hộ dân hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền nâng cấp, mở rộng các tuyến hẻm nhánh khang trang hơn. Với sự tích cực vận động của hệ thống chính trị phường, các tiêu chí khu vực văn hóa, xã, phường văn hóa ngày càng được nâng chất, hoàn thiện hơn...”.
Cùng với việc đầu tư đường giao thông, xây dựng đời sống văn hóa, công tác chăm lo đời sống nhân dân, đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa cũng được địa phương chú trọng thông qua các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, cất nhà tình nghĩa, tình thương cho các gia đình chính sách, nghèo. Mục tiêu xóa đói giảm nghèo được tập trung thực hiện với nhiều biện pháp cụ thể như: đẩy mạnh giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân có kinh nghiệm sản xuất... Cùng với phát huy vai trò của đảng viên, các đoàn thể để đẩy mạnh phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, Đảng ủy phường cũng chỉ đạo các đoàn thể thành lập tổ hùn vốn xoay vòng, lập các dự án cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất, cất nhà tình thương... Với những giải pháp đồng bộ, đến cuối năm 2011, toàn phường còn trên 3% hộ nghèo, giảm 12 hộ nghèo so với năm 2010. Kể về quá trình thoát nghèo của mình, anh Nguyễn Tấn Sinh, ở khu vực 8, nói: “Gia đình tôi chỉ có 1 công đất ruộng nên đời sống rất khó khăn. Năm 2009, thông qua Chi hội Cựu chiến binh giới thiệu, tôi tham gia tập huấn kỹ thuật và được hỗ trợ giống để trồng nấm bào ngư”. Anh Sinh cũng đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, tìm tài liệu tham khảo thêm để xây dựng mô hình trồng nấm hiệu quả, và dành nhiều công sức chăm sóc ruộng lúa. Vợ anh Sinh là hội viên Phụ nữ cũng được hỗ trợ vay 15 triệu đồng để làm vốn mở rộng sản xuất. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh dần vượt qua khó khăn và hiện đã thoát nghèo. Anh bộc bạch: “ Nay cuộc sống đã ổn định, tôi quyết sẽ đầu tư, chăm lo, nuôi dạy 2 đứa con của mình học hành đến nơi đến chốn. Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Khuyến học cũng thường xuyên động viên, tặng học bổng, tập sách cho các con tôi...”.
Không riêng anh Sinh, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác cũng dần coi trọng việc đầu tư cho con em học hành. Như gia đình anh Nguyễn Văn Tư, dù hoàn cảnh rất khó khăn vẫn cho con cái học hành chu đáo. Chi hội Khuyến học cũng vận động mạnh thường quân trợ cấp tiền hàng tháng cho cháu. Với sự chăm lo của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, tỷ lệ học sinh đến trường và chất lượng học tập ngày càng cao. Năm 2011, tỷ lệ học sinh 6 tuổi ra lớp đạt 100%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt trên 98%; tốt nghiệp THCS đạt 100%.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Nuôi, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Bình, trước đây, An Bình là xã nông nghiệp, đa số người dân sống bằng nghề nông. Tuy nhiên do quá trình đô thị hóa, diện tích nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nên những nhiệm kỳ gần đây, cơ cấu kinh tế của địa phương cũng chuyển mình theo hướng “Thương mại, dịch vụ, du lịch, tiểu thủ công nghiệp”. Nhằm tạo điều kiện để người dân chuyển đổi sản xuất, các đoàn thể phường phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ cũng được địa phương tạo điều kiện bằng cách lập dự án vay vốn, phát triển sản xuất. Tính đến cuối năm 2011, toàn phường có 296 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng 46 cơ sở so với năm 2010. Đón đầu xu thế phát triển, anh Tô Thanh Phong, khu vực 1, vốn xuất thân là nông dân, nhưng anh lại theo học nghề hàn tiện. Sau khi đã vững tay nghề, anh đã huy động vốn từ người thân, bạn bè để mở cơ sở đóng tủ, cửa nhôm. Hoặc như vợ chồng chị Phạm Thị Ngọc Lượm, ở khu vực 8, từ số vốn bồi hoàn diện tích đất nông nghiệp bị qui hoạch, anh chị đã đầu tư mua ghe và làm vốn mua trái cây để bán tại chợ nổi Cái Răng, từ đó cuộc sống gia đình cũng rất ổn định.
Còn rất nhiều câu chuyện về sự đổi đời, ăn nên làm ra của nhiều gia đình nhờ sự nhạy bén nắm bắt xu thế mới và nhờ sự tạo điều kiện, giúp đỡ về nhiều mặt của chính quyền, các cán bộ, đảng viên, cán bộ đoàn thể địa phương. Phát huy truyền thống yêu nước, cần cù lao động, năng động, sáng tạo, người dân An Bình đang từng ngày góp sức để xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.