PHAN TẤN HÙNG
|
Đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung (1956-2021). |
Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung vừa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật lần thứ 6. Sinh trưởng ở Hà Tĩnh nhưng sự nghiệp của ông gắn liền với Nam Bộ cho tới hơi thở cuối cùng khi ông bất ngờ ra đi trong đại dịch COVID-19, giữa lúc còn nhiều dự định sáng tạo văn chương.
Một lần cùng chúng tôi về miền Tây, dừng chân ở Cần Thơ và ngồi hàn huyên cà phê bên Bến Ninh Kiều, Ðại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung nói rằng người lính chủ yếu xuất thân từ nông dân và nông dân cũng chính là những người khai khẩn đất phương Nam. Nhìn lại con đường văn chương của ông, mới thấy ông dành nghĩa tình sâu nặng cho người lính và nông dân.
Ðại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông nhập ngũ năm 1974 thuộc Sư đoàn 341 chủ lực tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, sau đó tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và tình nguyện sang giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng Pol Pot. Về nước , ông làm việc ở Tạp chí Văn Nghệ Quân đội tại phía Nam. Bên cạnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022 cho tiểu thuyết “Ðất không đổi màu”, ông còn từng nhận nhiều giải thưởng văn học khác của Bộ Quốc phòng, Ðài Tiếng nói Việt Nam, Báo Sài Gòn Giải Phóng…
Thời kỳ gần mười năm trên chiến trường Campuchia đã mang lại cho nhà văn Nguyễn Quốc Trung vốn sống phong phú và những tư liệu quý giá, viết nên nhiều tác phẩm văn học về chiến tranh biên giới Tây Nam. Ký ức bi hùng luôn ở trong lòng và trong những giấc mơ của nhà văn. Ông cùng đại quân vượt sông Mekong giải cứu nước bạn. Ông đi trực thăng cùng chỉ huy cao cấp đến các chốt tiền tiêu tiếp tế, động viên bộ đội. Ông đến thăm nhà tù khét tiếng Tungsteng khi đầu lâu, xác người còn chồng chất. Ông về các phum, sóc cùng lính tình nguyện chia sớt từng khẩu phần ăn của mình cho dân, giúp dân dựng lại nhà cửa, làm lại ruộng vườn.
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung còn tìm đọc, nghiên cứu kỹ về nền văn hóa truyền thống Angkor và lý giải theo cách riêng mình về tội ác diệt chủng khủng khiếp của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary, cũng như tinh thần đoàn kết chiến đấu của hai nước láng giềng Việt Nam - Campuchia và sự hy sinh cao cả của những người lính làm nghĩa vụ quốc tế. Tiểu thuyết “Ðất không đổi màu” của ông ra đời trong hoàn cảnh đó. Một không gian thẩm mỹ đậm đặc văn hóa, ngôn ngữ, phong tục truyền thống được tái hiện tinh tế, sinh động. Một câu chuyện xúc động và nhân văn về tình yêu thương nhân loại, tình đoàn kết quốc gia láng giềng được thể hiện qua những nhân vật có tính cách điển hình như Dần, Trân, Quyền, Lý giữa hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Máu của những người lính tình nguyện sẽ mãi mãi không bị lãng quên như “đất không đổi màu” trong ký ức xứ sở chùa Tháp.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung (hàng ngồi, thứ 2 từ trái sang) và Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình (thứ 3) cùng các đồng nghiệp ở Tạp chí Văn nghệ Quân Đội.
Ngoài tiểu thuyết “Ðất không đổi màu”, nhà văn Nguyễn Quốc Trung còn nhiều tác phẩm đáng chú ý viết về chiến tranh biên giới Tây Nam. Về truyện ngắn ông có các tập “Người đàn bà hồn nhiên”, “Ðêm trừ tịch”, “Trong tiết thanh minh”, “Người đến từ nước Mỹ”. Về tiểu thuyết thì bộ tứ “Ðất không đổi màu”, “Biên giới”, “Bên rừng thốt nốt”, “Người đàn bà khóc mướn” đã khẳng định tài năng của nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Trong đó, 2 tiểu thuyết “Ðất không đổi màu” và “Người đàn bà khóc mướn” từng được trao Giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ nhất (2007).
Bên cạnh đề tài chiến tranh, cuộc sống đời thường cũng là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho sáng tạo của nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Trước khi đột ngột qua đời vì đại dịch COVID-19 năm 2021, ông kịp trình làng 2 tác phẩm cuối cùng: Tập truyện “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu” (2016) và tiểu thuyết “Dòng sông bên chùa” (2019). Trò chuyện với chúng tôi khi tập truyện “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu” vừa xuất bản, ông nói: “Ðây cũng là tập tôi thấy ưng ý nhất vì đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi đang đặt ra cho xã hội nước ta trong thời kỳ hội nhập, cơ chế làng xã có từ xa xưa tưởng sẽ vĩnh viễn tồn tại, ai dè một chốc bị xé nát. Con người ta được hưởng sự đổi mới của một xã hội cởi mở thì cũng vấp phải nhiều bi kịch. Ðây cũng là điều cho văn học khai thác, phản ánh”.
Ðại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội, đánh giá: “Tôi đã đọc 4 tập truyện ngắn đã in của anh, đến tập truyện “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu” tôi được biết, anh phải đầu tư nhiều hơn, cả về vốn sống, kinh nghiệm. Ðây cũng là tập truyện tôi thấy ưng ý nhất vì đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi đang đặt ra cho xã hội nước ta trong thời kỳ hội nhập”.
Tiểu thuyết “Dòng sông bên chùa” cũng là cuộc tự thân chuyển mình sang một hướng khác rõ nét của nhà văn Nguyễn Quốc Trung trong nỗ lực đi tìm sự tươi mới về bút pháp ở những đề tài đời thường gần gũi nhưng góc cạnh và nóng hổi tính thời cuộc, mà ở đó nhà văn chia sẻ, hóa thân vào những số phận hẩm hiu, bất hạnh. Giữa lúc nguồn cảm hứng mới đang thôi thúc sức sáng tạo của ông, thì đau đớn thay ông lại ra đi vì đại dịch vào ngày 10-9-2021 tại TP Hồ Chí Minh.