“Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức biên soạn dưới triều vua Gia Long, công bố năm 1820, cho biết trên địa bàn tương ứng huyện Châu Phú, tỉnh An Giang ngày nay, có hai thôn là Bình Thạnh Tây (nay là xã Vĩnh Thạnh Trung) và Bình Lâm (nay là xã Bình Thủy). “Địa bạ tỉnh An Giang” lập năm 1836 dưới triều vua Minh Mạng cho biết trên địa bàn này có bốn thôn: Bình Lâm, Vĩnh Thạnh Trung, Bình Mỹ, Mỹ Đức. Bài viết này phân tích một số vấn đề liên quan đến lịch sử hình thành và biến đổi của các thôn nói trên, theo trình tự từ Bắc xuống Nam, cũng để sáng tỏ hơn những sự kiện còn chưa được xác nhận.
Đình Bình Thủy.
Thôn Mỹ Đức
Mỹ Đức là xã phía Bắc huyện Châu Phú, giáp TP Châu Đốc. Địa danh Mỹ Đức xuất hiện lần đầu trong “Gia Định thành thông chí” do đó nhiều tác giả cho rằng thôn Mỹ Đức được ra đời dưới triều vua Gia Long hoặc sớm hơn. Tuy nhiên qua khảo cứu, chúng tôi nhận thấy thôn Mỹ Đức trong sách trên không phải là Mỹ Đức của Châu Phú.
Trịnh Hoài Đức liệt kê tên các thôn ở huyện Vĩnh Định của trấn Vĩnh Thanh gần như theo thứ tự từ Bắc xuống Nam. Nhóm các thôn Bình Thạnh Tây, Bình Trung, Bình Lâm, Bình Đức, Mỹ Phước, Mỹ Thạnh tương ứng với vùng đất từ xã Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú) đến phường Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên) hiện nay. Trên thực địa, thôn Mỹ Đức nằm ở phía Bắc thôn Vĩnh Thạnh Trung, đáng lẽ phải được kể tên trước thôn Vĩnh Thạnh Trung, nhưng Mỹ Đức lại được ghi chép dưới nhóm các thôn trên.
Tiếp tục tra cứu trong “Địa bạ tỉnh An Giang” cho thấy thôn Mỹ Đức thuộc tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Tổng này lại tương ứng với địa bàn TP Long Xuyên, trong khi tổng Định Thành mới tương ứng với huyện Châu Phú. Cũng trong tác phẩm nầy, về tổng Định Phước, thì thôn Mỹ Phước được mô tả là “Nam giáp địa phận thôn Mỹ Đức” và thôn Mỹ Thạnh được mô tả là “Tây giáp rạch Cái Ngoi và địa phận thôn Mỹ Đức”. Địa danh Mỹ Phước và Mỹ Thạnh đến nay vẫn tồn tại là hai phường thuộc TP Long Xuyên, dựa vào mô tả đó có thể ước đoán thôn Mỹ Đức gần tương ứng với phường Mỹ Thới của TP Long Xuyên.
Vậy thời bấy giờ thôn Mỹ Đức của tổng Định Thành (tức xã Mỹ Đức của huyện Châu Phú) đã ra đời chưa? Câu trả lời là có. Thôn Vĩnh Thạnh Trung được mô tả: “Bắc giáp địa phận thôn Mỹ Đức” trong “Địa bạ tỉnh An Giang”. Có nghĩa là đã có một thôn Mỹ Đức thuộc tổng Định Thành, nằm phía Bắc thôn Vĩnh Thạnh Trung, nhưng không có địa bạ.
Như thế có hai thôn Mỹ Đức. Mỹ Đức được ghi chép trong “Gia Định thành thông chí” và “Địa bạ tỉnh An Giang” thuộc tổng Định Phước, tương ứng với khu vực phường Mỹ Thới của TP Long Xuyên. Thôn Mỹ Đức của tổng Định Thành lại không được ghi chép trong 2 thư tịch nói trên, chính là xã Mỹ Đức của huyện Châu Phú. Do đó, thôn Mỹ Đức không phải là một trong những thôn được ra đời sớm nhất trên vùng đất Châu Phú, bởi thôn Mỹ Đức được nhắc đến sớm nhứt vào năm 1836, trong khi thôn Bình Thạnh Tây và Bình Lâm đã được ghi chép từ năm 1820.
Thôn Vĩnh Thạnh Trung - Bình Long - Bình Mỹ
Vị trí ba xã Vĩnh Thạnh Trung - Bình Long - Bình Mỹ tiếp nối nhau theo hướng từ Bắc xuống Nam theo quốc lộ 91 và sông Hậu. Từ năm 1979, giữa hai xã Vĩnh Thạnh Trung và Bình Long có thêm thị trấn Cái Dầu, có phần đất được tách ra từ hai xã.
Nhiều tài liệu viết huyện Châu Phú từng có thôn Long Mỹ ra đời năm 1786, đến năm 1816 được tách ra thành hai thôn Bình Mỹ và Bình Long. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, xét theo địa bàn tương ứng với huyện Châu Phú, vào năm 1820 chỉ có hai thôn là Bình Thạnh Tây và Bình Lâm. Theo Võ Thành Phương trong “Tìm hiểu thôn làng Châu Phú xưa”, thôn Bình Thạnh Tây là tiền thân của thôn Vĩnh Thạnh Trung (có thể bao gồm cả Bình Mỹ và Bình Long). Tác giả dựa vào tên thôn đối diện là Bình Thạnh Đông (địa danh đến nay vẫn còn - xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) để suy ra vị trí của thôn Bình Thạnh Tây. Năm 1836, thôn Bình Thạnh Tây không còn, mà xuất hiện hai thôn mới là Vĩnh Thạnh Trung và Bình Mỹ. Như vậy thôn Bình Mỹ phải ra đời sau năm 1820 và trước năm 1836.
Thôn Bình Long được thành lập muộn hơn hai thôn Vĩnh Thạnh Trung và Bình Mỹ. Theo “Địa bạ tỉnh An Giang”, thôn Bình Mỹ được mô tả là: “Bắc giáp Xẻo Dầu và địa phận thôn Vĩnh Thạnh Trung”. Điều đó có nghĩa là đến năm 1836, thôn Bình Mỹ và thôn Vĩnh Thạnh Trung lấy rạch Cái Dầu làm ranh giới, thôn Bình Long (nằm giữa hai thôn trên) vẫn chưa xuất hiện. Năm 1851, nhóm tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Nguyễn Văn Xuyến (Đạo Xuyến) dẫn đầu đến khai phá vùng rạch Cái Dầu lập trại ruộng, dựng ngôi chùa Châu Long Thới (nay là chùa Long Thới ở thị trấn Cái Dầu). Từ bước khởi đầu đó, khu vực này phát triển thành thôn Bình Long, cho nên thôn này phải ra đời sau năm 1851.
Như thế, không có thôn Long Mỹ ra đời năm 1786 rồi tách thành hai thôn Bình Long và Bình Mỹ năm 1816. Cùng với Bình Lâm thì Bình Thạnh Tây là một trong hai thôn ra đời sớm nhứt trên vùng đất Châu Phú, về sau đổi tên thành Vĩnh Thạnh Trung. Thôn Bình Mỹ ra đời khoảng năm 1820-1830 và thôn Bình Long ra đời khoảng những năm 1850.
Thôn Bình Lâm
Thôn Bình Lâm hiện nay là xã cực Nam của huyện Châu Phú: xã Bình Thủy. Có lẽ do vị trí khá biệt lập - nằm ở cù lao Năng Gù trên sông Hậu, nên địa giới và địa danh thôn này ổn định.
Cù lao Năng Gù được gia đình ông Dương Văn Hóa khai khẩn năm 1783 và lập nên thôn Bình Lâm. Dòng họ cụ Dương vốn gốc gác là lưu dân miền Trung vào Nam từ năm 1768. Họ đến nhiều nơi và tại rạch Tà Mòn ở cù lao Giêng (nay là xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), một nhánh do ông Dương Công Quận đứng đầu ở lại lập nghiệp, một nhánh khác do ông Dương Văn Hóa đứng đầu đi về hướng Bắc và dừng lại ở cù lao Năng Gù.
Thôn Bình Lâm ra đời năm 1783 nhưng chưa được công nhận chính thức. Đáng tiếc là tư liệu về lịch sử thành lập làng và đình Bình Thủy được sử dụng chính thức trong đại lễ Kỳ yên hằng năm đã giới thiệu không chính xác thông tin này. Cụ thể, nhiều tư liệu cho rằng thôn Bình Lâm được vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783) công nhận và ban Sắc Thần.
Trong sử sách, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, vua Lê không có thực quyền ở Đàng Trong, mà vùng đất này do chúa Nguyễn kiểm soát. Do vậy, không thể có chuyện một ngôi làng ở “cuối đất cùng trời” được sự công nhận của vua Lê. Sau đó Tây Sơn khởi nghĩa, chính quyền Đàng Trong không còn và miền Nam trở thành vùng tranh chấp giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh, nên khó có làng thôn nào được công nhận về mặt hành chánh trong giai đoạn nầy.
Vậy thì có lẽ suốt hàng chục năm, thôn Bình Lâm không thuộc đơn vị hành chánh nào. Sau khi vua Gia Long lập ra triều Nguyễn (1802), các thôn làng mới lần lượt được công nhận. Trong “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” biên soạn năm 1806, Lê Quang Định dù có nhắc đến cù lao Năng Gù nhưng không hề nhắc đến tên thôn Bình Lâm, mà chỉ ghi nhận là có dân cư sinh sống.
Võ Thành Phương cho rằng sự ra đời các thôn làng dưới triều Gia Long sớm nhứt là năm 1808. Quả thật “Gia Định thành thông chí” công bố năm 1820 mới nhắc đến thôn Bình Lâm: “Năng Cù châu (cù lao Năng Gù), ở trước cửa Vàm Nao Hạ bên sông Hậu, dài 9 dặm, có thôn Bình Lâm ở đó. Rừng tre rậm rịt, đìa cá dày đặc, dân ở vùng thượng lưu sông Hậu này, trước là khai thác tre cây cá tôm sinh sống hàng ngày, kế đến là trồng bông kéo sợi, rồi sau nữa mới làm ra lúa gạo”. Như vậy, thôn Bình Lâm lập năm 1783 nhưng phải sớm nhứt là năm 1808 mới được công nhận chính thức.
Hậu duệ họ Dương cho biết sau khi thôn Bình Lâm được công nhận chính thức, ông Dương Văn Hóa được quan Trấn thủ Vĩnh Thanh phong chức Trùm tri thâu, cai quản “vùng xép” từ Cái Dầu đến giáp ranh Chắc Cà Đao (phạm vi cai quản rộng hơn phạm vi khai khẩn). Điều này hợp với thực tế vì cụ Dương mất ngày 22 tháng Giêng năm 1818, nếu thôn Bình Lâm được công nhận khoảng năm 1808 thì cụ có thể đảm nhiệm chức vụ nói trên trong khoảng 10 năm cuối đời. Trùm tri thâu là một chức vụ trong bộ máy hành chánh cấp thôn, được triển khai vào cuối thế kỷ XIX và tiếp tục tồn tại ở triều Gia Long đầu thế kỷ XX. Trong bộ máy nầy, Trùm cả là người đứng đầu hội đồng hương chức, còn Trùm thâu hoặc Tri thâu là người phụ trách thuế vụ.
Về sau, thôn Bình Lâm được đổi tên thành Bình Thủy cho đến nay. Tuy nhiên, sự kiện đó diễn ra vào thời điểm nào, nguyên nhân do đâu, ai là người đề xuất… đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được tài liệu nào ghi chép. Chỉ biết rằng sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ (1867) và tiếp quản các thôn từ triều Nguyễn, thì tên thôn Bình Thủy được ghi nhận. Do đó, có thể việc đổi tên từ Bình Lâm thành Bình Thủy đã diễn ra trước khi Pháp đến.
Bài, ảnh: VĨNH THÔNG
----------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.Bảo tàng An Giang (2013), “Di tích lịch sử văn hóa An Giang”, Sở Thông tin và Truyền thông An Giang.
2.Lê Quang Định (2005), “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, Phan Đăng dịch, NXB Thuận Hóa.
3.Nguyễn Đình Đầu (1995), “Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn: An Giang”, NXB TP.HCM.
4.Trịnh Hoài Đức (2019), “Gia Định thành thông chí”, Phạm Hoàng Quân dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM.
5.Vĩnh Thông (2018), “Tộc họ Dương với quá trình khẩn hoang ở An Giang”, trong “Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lịch sử 320 năm cù lao Giêng hình thành và phát triển”, Hội Khoa học Lịch sử An Giang.
6.Vĩnh Thông (2019), “Làng cổ Bình Thủy kiến trí và diên cách”, Tập san Văn nghệ Châu Phú, số 38.
7.Vĩnh Thông (2020), “Đình Bình Mỹ và sự ra đời thôn Bình Mỹ”, Tập san Văn nghệ Châu Phú, số 39.
8.Võ Thành Phương (2014), “Tìm hiểu thôn làng ở Châu Phú xưa”, Tập san Văn nghệ Châu Phú, số 32.