21/08/2021 - 07:45

Những nữ cự phú gốc Ấn ở Mỹ 

Tạp chí danh tiếng Forbes vừa công bố danh sách “Những phụ nữ tự lập giàu nhất nước Mỹ”, trong đó có sự góp mặt của 5 phụ nữ gốc Ấn với tổng giá trị tài sản ròng lên tới 4,6 tỉ USD.

Từ trái sang: Indra Nooyi, Reshma Shetty, Jayshree Ullal, Neha Narkhede và Neerja Sethi. Ảnh: ginkgobioworks

Jayshree Ullal

Với giá trị tài sản ròng 1,7 tỉ USD và được xếp hạng 16 trong danh sách của Forbes, Ullal là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Công ty mạng máy tính Arista Networks (Mỹ) từ năm 2008, nắm giữ 5% cổ phần trong công ty.

Sinh ra tại Luân Ðôn (Anh) nhưng lớn lên ở New Delhi (Ấn Ðộ), Ullal tốt nghiệp cử nhân về kỹ thuật điện tại Ðại học San Francisco và có bằng thạc sĩ về quản lý kỹ thuật của Ðại học Santa Clara. Bắt đầu làm việc tại Tập đoàn Hệ thống  Cisco vào năm 1993, nữ doanh nhân nhanh chóng thăng tiến. Năm 2008, Ullal rời Cisco để trở thành Chủ tịch và CEO của Arista Networks. Bà đã biến start-up nhỏ bé này thành một thế lực mới trong mạng máy tính, bắt đầu giành được các khách hàng lớn như Microsoft, Facebook.

Với sự lãnh đạo của mình, Ullal đã đưa doanh thu của Arista Networks từ mức 1,1 tỉ USD năm 2016 lên 2,2 tỉ USD năm 2018. Ullal lọt vào danh sách những CEO xuất sắc nhất thế giới của tạp chí Barron năm 2018 và tốp 20 doanh nhân hàng đầu của tạp chí Fortune năm 2019. Ðặc biệt, Tạp chí Forbes từng xem Ullal là “một trong 5 người có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp mạng”. Bà là người giàu nhất trong tất cả nữ doanh nhân Mỹ gốc Ấn.

Neerja Sethi

Ðứng thứ 26 trong danh sách của Forbes với tài sản ròng khoảng 1 tỉ USD, Sethi cùng chồng Bharat Desai đã sáng lập công ty tư vấn và gia công phần mềm Syntel vào năm 1980 khi đang theo học tại Ðại học Michigan với khoản đầu tư ban đầu khoảng 2.000USD. Trong khi Desai là chủ tịch của Syntel, Sethi giữ cương vị phó chủ tịch hội đồng quản trị.

Tháng 10-2018, hãng công nghệ Atos SE (Pháp) mua lại Syntel với giá 3,4 tỉ USD, trong đó Sethi “bỏ túi” khoảng 510 triệu USD. Hành trình của Sethi từ tiểu bang Michigan đến lọt vào danh sách “Những phụ nữ tự lập giàu nhất nước Mỹ” năm 2021 của Forbes đã tạo nên một câu chuyện thành công đáng kinh ngạc.

Neha Narkhede

Narkhede xếp thứ 29 trong danh sách của Forbes với giá trị tài sản 925 triệu USD. Narkhede rời Ấn Ðộ vào năm 2006 để lấy bằng thạc sĩ khoa học máy tính tại Học viện Công nghệ Georgia (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp, Narkhede năm 2007 làm việc tại Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia Oracle, sau đó là tại Tập đoàn LinkedIn. Narkhede năm 2014 rời LinkedIn, trở thành nhà đồng sáng lập công ty điện toán đám mây Confluent. Năm 2017, bà đã tạo ra hệ thống nhắn tin mã nguồn mở Apache Kafka để giúp các tập đoàn như Uber, Netflix và Goldman Sachs xử lý lượng dữ liệu khổng lồ. Hiện gia đình Narkhede sở hữu 8% cổ phần công ty được định giá 9,1 tỉ USD này.

Reshma Shetty

Xếp thứ 39 danh sách với giá trị ròng 750 triệu USD, Shetty cùng chồng Barry Canton sáng lập Gingko Bioworks, công ty công nghệ sinh học tiên tiến chuyên sử dụng kỹ thuật di truyền để sản xuất vi khuẩn ứng dụng trong công nghiệp và tạo ra các sinh vật mới, sau khi lấy bằng tiến sĩ về kỹ thuật sinh học tại Viện Công nghệ Massachusetts. Công ty thậm chí đã thu hút sự chú ý của tỉ phú Bill Gates, người đã đầu tư 275 triệu USD vào Gingko Bioworks. Tính đến năm 2019, giá trị của Gingko Bioworks là 4,2 tỉ USD. Hiện Gingko Bioworks đang mở thêm nhiều cơ sở ở thành phố Boston để thực hiện các nghiên cứu về virus Corona, đồng thời hỗ trợ xét nghiệm COVID-19.

Indra Nooyi

Với tài sản ròng 290 triệu USD và được xếp hạng 91 danh sách của Forbes, Nooyi từng là Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn thực phẩm, đồ ăn nhẹ và đồ uống đa quốc gia PepsiCo (Mỹ ) trong hơn 12 năm.

Sinh năm 1955 tại Madras (thủ phủ bang Tamil Nadu), Nooyi năm 1978 theo học thạc sĩ tại Ðại học Yale (Mỹ), sau đó làm việc cho Tập đoàn Tư vấn Boston, đến năm 1986 chuyển sang Tập đoàn Motorola. Năm 1990, bà rời Motorola và làm việc tại Asea Brown Boveri. Năm 1994, bà bước chân vào Pepsi với nhiệm vụ thiết kế hình ảnh công ty trong vòng 10 năm tiếp theo. Năm 2006, bà trở thành CEO thứ 5 và là nữ CEO đầu tiên trong lịch sử 44 năm phát triển của hãng đồ uống này. Năm 2019, bà chia tay Pepsi và tham gia hội đồng quản trị Tập đoàn thương mại điện tử Amazon. Những năm gần đây, bà liên tục lọt vào danh sách những nữ cường quyền lực nhất và được trả lương cao nhất thế giới. Năm 2021, Nooyi được ghi danh tại Ðại sảnh Danh vọng Phụ nữ Quốc gia ở thành phố New York.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết