03/04/2008 - 22:55

Những người giành lại sự sống

“Khoa Cấp cứu tổng hợp (CCTH) của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯ) thành lập từ ngày 1-10-2007 với 10 bác sĩ. Họ tuy trẻ về tuổi đời (người lớn tuổi nhất mới ngoài 40, người trẻ tuổi nhất chưa đến 30) và kinh nghiệm nhưng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cứu sống nhiều ca bệnh ngặt nghèo, được bệnh nhân tin yêu”. Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Quang Tâm, Giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ, tự hào giới thiệu với chúng tôi về đội ngũ thầy thuốc ở Khoa CCTH của bệnh viện.

Trắng đêm cùng cấp cứu

Hôm ấy, kíp trực đêm tại Khoa CCTH, BVĐKTƯ Cần Thơ do bác sĩ Trương Minh Châu phụ trách. Tua trực bắt đầu từ 21 giờ và kết thúc vào 7 giờ sáng hôm sau. Việc đầu tiên khi bước vào ca trực là bác sĩ ở ca trước dẫn bác sĩ Châu đến từng giường bệnh nói rõ tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.

21 giờ, một bà cụ được bế vào phòng cấp cứu, mặt bà tái xám, môi sưng vều. Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Hân chạy ra, vừa đo huyết áp, vừa hỏi người nhà: “Bà cụ bị gì vậy chị?”. “Tụi nó uýnh lộn rồi uýnh nhằm bả”-một người nói. Chị Hân và người nhà nhanh chóng đưa bà cụ vào phòng bệnh. Bác sĩ Châu có mặt thăm khám, đo nhịp tim... Khi anh đang khám cho bà cụ thì một bà cụ khác rên hừ hừ, mặt tái mét, tay chân lạnh ngắt nhập viện. Ngay khi điều dưỡng đẩy băng ca vào phòng, xác định đây là ca khá nặng, bác sĩ Trương Minh Châu bàn giao ca trước cho người khác, rồi chạy lại vừa đo nhịp tim, hỏi thăm bệnh tình. Bà cụ nói: “Tui bị tiểu đường, suy tim”. Bác sĩ hỏi: “Bà thấy nằm hay ngồi thì dễ chịu hơn?”. “Ngồi thì tui dễ chịu hơn” - bà cụ bảo. Nghe vậy, bác sĩ Châu và một điều dưỡng vội chuyển bà sang giường khác, đẩy đầu giường cao lên, cho bà thở ôxy, đo điện tim, ra y lệnh chích thuốc. Trong lúc bác sĩ Châu đang cấp cứu cho bà cụ thì bệnh nhân bị đau ruột thừa, giun chui ống mật kêu lên: “Bác sĩ ơi, tui đau quá...”. Nghe tiếng kêu, y tá Nguyễn Thanh Liêm vội chạy lại, ôn tồn hỏi han và xin y lệnh của bác sĩ để chích thuốc cho bệnh nhân.

Các bác sĩ bó cố định chân bị gãy cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu tổng hợp. 

...Cứ thế, khoảng 15 phút là có một bệnh nhân nhập viện. 22 giờ, không khí ở bệnh viện yên ắng nhưng ở Khoa CCTH, các bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng luôn tay luôn chân, tất bật với công việc. Ở bên ngoài phòng cấp cứu, thân nhân người bệnh cũng bồn chồn lo lắng không kém.

23 giờ, không có thêm bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ, điều dưỡng, y tá chia nhau người ở lại trực, người đi ăn khuya lót dạ ở cổng bệnh viện. Bác sĩ Trương Minh Châu vừa ra khỏi Khoa CCTH được vài bước thì có một chiếc ôtô chạy vô, anh tất tả quay ngược trở vào. Đó là ca suy tim. Sau khi cấp cứu cho bệnh nhân xong, bác sĩ Châu xem xét lại toàn bộ bệnh nhân. Bệnh nhân nào qua cơn nguy hiểm thì chuyển sang khoa khác, chỉ còn ba bệnh giữ lại khoa để bác sĩ tiếp tục theo dõi.

Tôi quay vào phòng cùng với mấy chị hộ lý. Chị Nga, một hộ lý thâm niên trên 20 năm công tác, cười nói: “Hôm nay bệnh ít nên mới tranh thủ ngả lưng một chút. Có hôm không có cả thời gian để ngồi, chứ đừng nói đến ăn. Mấy bữa Tết, bệnh nhân tăng gấp ba, ai cũng chạy mệt bở hơi tai”.

Nói là ngủ nhưng hầu như không ai chợp mắt. Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Hân nói: “Đêm trực, không có bệnh thì nằm ngả lưng một ít, chứ không khi nào ngủ được, tâm trạng cứ lo lắng, bất an. Em nằm mà dỏng tai lên, có tiếng gọi là bật dậy ngay”. Có bệnh nhân nhập viện, các chị lại chạy đi. Tôi nhìn đồng hồ đã gần 2 giờ sáng. Ngoài hành lang, thân nhân người bệnh trải chiếu nằm, ngồi. Ông Thành, ở Thốt Nốt, thân nhân người bệnh, tâm sự: “Những lần trước, bệnh của mẹ tái phát, tôi đều đưa lên TP Hồ Chí Minh điều trị. Lần này, tôi đưa mẹ nhập viện ở đây. Các bác sĩ ở đây vừa có tài, vừa có tâm”.

Sáng hôm sau, mắt ai cũng đỏ quạch vì thiếu ngủ. Bác sĩ Châu, y tá Liêm... hầu như suốt đêm không chợp mắt. Sau khi hoàn tất các hồ sơ, chờ giao ca và họp giao ban, các anh chị chia nhau gói mì ăn đỡ đói. Ca trực tối qua đã cấp cứu cho gần 30 bệnh nhân. Đây là đêm trực ít bệnh hơn những đêm khác.

Cực, ít tiền... nhưng vẫn vui

Trước đây, BVĐKTƯ Cần Thơ có phân khoa CCTH (trực thuộc khoa khám). Mô hình này bộc lộ nhược điểm là ngoài giờ hành chính chỉ có một bác sĩ cấp cứu nội. Còn bác sĩ cấp cứu ngoại, từ các khoa tăng cường xuống nên đôi khi xảy ra tình trạng cấp cứu chậm trễ cho bệnh nhân. Để khắc phục tình trạng này, Ban giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ đã đưa các bác sĩ đi học ở Khoa CCTH, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh (từ 3-9 tháng) để chuẩn bị cho việc thành lập Khoa CCTH. Sau khi chuyển sang cơ sở mới, Khoa CCTH được thành lập. Ban giám đốc bệnh viện quan tâm trang bị nhiều máy móc hiện đại: máy thở, X-Quang, shock điện... Với đội ngũ bác sĩ trẻ tận tâm, trách nhiệm, được đào tạo bài bản, khoa đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh khó, giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Cách đây khoảng 1 tháng, một người dân trong lúc đang đặt môtơ bơm nước vét mương thì bị điện giật. Người nhà chuyển đến bệnh viện nhưng thời gian từ lúc bị điện giật đến lúc đưa vào bệnh viện là 45 phút. Bác sĩ Trần Chí Dũng, người trực tiếp cấp cứu, nhớ lại: “Toàn thân bệnh nhân ướt sũng, tím tái, ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn 5 mm, mạch và huyết áp bằng 0. Khi bệnh nhân vừa được đưa đến, bác sĩ vừa xoa bóp tim vừa đẩy băng ca vào giường có ôxy để cấp cứu; sau đó đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy, hồi sức thì tim đập lại, huyết áp ổn định. Nhờ cấp cứu kịp thời mà bệnh nhân thoát chết”. Từ khi thành lập đến nay, nhiều ca bệnh suy tim, đa chấn thương... được cứu sống nhờ những thao tác nhanh và chuẩn xác của các bác sĩ, rút ngắn thời gian bệnh nhân bị ngưng thở, ngưng tim, thiếu ôxy não. Các bác sĩ cấp cứu luôn trong tư thế sẵn sàng “chạy đua với thần chết” để giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ ở khoa phải cấp cứu tất cả các loại bệnh nên đòi hỏi kiến thức tổng quát. Chính vì thế các bác sĩ tự trang bị kiến thức cho mình bằng cách luôn học hỏi các bác sĩ lâu năm kinh nghiệm ở các khoa khác. Ngày nào khoa cũng giao ban (tất cả nhân viên của khoa) 30 phút để rút kinh nghiệm. Mỗi tuần có một chuyên đề để các bác sĩ trao đổi chuyên môn. Ngoài ra, khoa cũng cung cấp các địa chỉ internet để nhân viên cập nhật kiến thức.

Ở Khoa CCTH có ba tua trực, tua trực ban ngày chỉ làm việc 7 tiếng, còn tua trực ban đêm phải làm việc đến 10 tiếng. Cán bộ nhân viên trong khoa cứ trực 2 tua ban ngày (sáng, chiều) là trực 1 tua ban đêm, làm không kể thứ bảy, chủ nhật. Hộ lý Nhựt, ở Khoa Xét nghiệm mới đến tăng cường được 2 tháng, tâm sự: “Bữa đầu tiên đi trực, tôi chủ quan nên không ăn cơm, cứ nghĩ vô làm rồi tối tranh thủ ăn, ai dè làm một mạch đến 21 giờ mới rảnh một chút chạy ra ăn vội tô cháo ở cổng bệnh viện”. Mỗi đêm trực, điều dưỡng Ngọc Hân được thêm 8.000 đồng/đêm, còn bác sĩ Châu được mười mấy ngàn đồng. Bệnh viện giao chỉ tiêu cho khoa 50 bệnh nhân/ngày, nhưng lượng bệnh luôn vượt quá con số này. Trong những ngày Tết, ngày cao điểm, khoa cấp cứu cho 162 bệnh nhân, ngày thấp nhất cũng đến 127 bệnh nhân. Các bác sĩ di chuyển liên tục từ giường bệnh nhân này sang giường bệnh nhân khác. Nhưng cực thì cực, không ai nghĩ đến việc chuyển một công việc khác nhẹ nhàng hơn. Bác sĩ Trần Chí Dũng nói: “Niềm vui, hạnh phúc của các anh chị em trong khoa là thấy bệnh nhân hồi phục. Có nhiều ca, cầm chắc bệnh nhân không qua khỏi nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức và có khi phép lạ đã xảy ra. Người bệnh bình phục và trở về cuộc sống bình thường”.

Hiện nay, Khoa CCTH nằm trong tình trạng quá tải. Khi bệnh nhân nhập viện cùng lúc quá đông, không tránh khỏi những lời phàn nàn từ thân nhân người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, Phụ trách khoa CCTH, nói: “Những lúc như thế, chúng tôi giải thích cho thân nhân hiểu bác sĩ phải cấp cứu ca nặng trước, ca nhẹ cấp cứu sau. Ở khoa, thân nhân chưa bao giờ phản ánh bác sĩ bỏ mặc bệnh nhân không cấp cứu hay đòi tiền bồi dưỡng”.

* * *

Thức một đêm cùng các cán bộ, nhân viên Khoa CCTH tôi mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của các y, bác sĩ. Trong cuộc sống, các anh, các chị còn gặp nhiều khó khăn (phần lớn là người ngoài tỉnh, phải ở trọ) nhưng vượt lên tất cả, với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, họ luôn cố gắng làm tất cả để giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết