02/08/2009 - 22:00

Những người chở tình thương ra đảo!

Phóng sự  BÌNH NGUYÊN

Chiều. Cảng Vũng Tàu chật kín khách. Kẻ khiêng, người vác... Tất cả như muốn mang nhiều, thật nhiều đồ đạc, hàng hóa và cả... tình cảm từ đất liền ra đảo. Sau nhiều lần chen chân mà chưa chuyển hết được đồ xuống tàu, mình đẫm mồ hôi nhưng anh Bảy Hà vẫn vui vẻ nói: “Ai cũng muốn mang nhiều đồ ra đảo. Vì nếu không tháng 8 mưa nhiều, gió lớn chưa chắc đã ra được đảo...”. Anh bỏ dở câu chuyện vì đã mang hành lý lên cầu thang. Anh nói với theo tôi: “Tối gặp trên tàu, anh em mình nói
chuyện tiếp...”.

* Những người “đưa đò” trên biển

 Chuyển hàng hóa ra Côn Đảo. Ảnh: B.N

Đêm. Biển đen ngòm. Những cơn sóng thỉnh thoảng vỗ nhẹ mạn tàu ru cho hành khách chìm sâu vào giấc ngủ. Giữ tay lái tàu, mắt hướng về màn đêm tĩnh lặng, anh Nguyễn Bá Tuân, Thuyền trưởng tàu Côn Đảo 09, nói: “Đã cách đất liền 100km. Gió này chỉ cấp 3, vậy là ổn. Cứ thế chúng ta có thể ra xa bờ, hướng ra biển Đông, đến 6 giờ sáng là đến cảng Bến Đầm - Côn Đảo”. Thỉnh thoảng anh hướng mắt về màn hình ra-đa để điều chỉnh hướng tàu. Hơn 20 năm làm thủy thủ, 7 năm cầm lái con tàu Côn Đảo 09, anh Tuân đã chở không biết bao nhiêu hành khách, hàng hóa và... tình cảm từ đất liền ra đảo và ngược lại. Cũng như anh, 18 thủy thủ, nhân viên trên tàu Côn Đảo 09 được xem là những người “đưa đò” trên biển.

Năm 2002, tàu Côn Đảo 09 được đóng mới với chi phí hơn 14 tỉ đồng để thay thế những phương tiện cũ, không an toàn vận chuyển hàng hóa, hành khách ra Côn Đảo. Tàu mới, hiện đại, có 6 buồng khách với sức chứa 300 người, 150 tấn hàng hóa. Phương tiện hiện đại, cùng với những người tận tâm với nghề, những chuyến tàu đêm ấy đã đáp ứng được bao nỗi nhớ mong, chờ đợi từ đảo xa, cũng như chuyên chở tình cảm mà đất liền dành cho đảo. Để có những chuyến tàu thành công, không thể không kể đến những tình cảm của họ với cái nghề mà khi đi qua rồi chưa chắc ai nhớ đến. Thức trắng đêm, lênh đênh trên biển và luôn đối mặt với hiểm nguy nhưng họ vẫn luôn lạc quan vì góp phần mang niềm vui ra đảo. Anh Phạm Xuân Hòa, thủy thủ tàu Côn Đảo 09, cho biết: “Tổ lái có 3 anh em. Mùa này gió Tây Nam chỉ cấp 2-3, chúng ta chạy cặp theo mé biển, đến cửa Định An là hướng ra Côn Đảo. Mỗi người lái 3 giờ, sau đó đổi ca. Vì làm việc trong đêm dễ buồn ngủ. Anh thấy đấy, bình trà được pha đậm là hành trang quen thuộc của anh em chúng tôi. Nó giúp mình tỉnh táo và bảo đảm cho những chuyến ra đảo an toàn”.

Những người như anh Tuân, anh Hòa được xem là những tay lái cừ khôi và có thâm niên trên những chuyến hành trình như thế. Hầu hết họ đến từ các tỉnh miền Bắc. Thường xuyên vào đất liền nhưng vì nhiệm vụ, họ rất ít về quê. Anh Hòa cho biết: “Một năm chúng tôi về quê 1-2 lần, chủ yếu là vào các kỳ nghỉ phép. Sự xa cách đó, chúng tôi càng hiểu thêm tình cảm của những người có thân nhân trên đảo và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”. Nhiều người lo lắng, sau họ không biết có ai dám chấp nhận thức trắng đêm để chạy tàu ra đảo. Nhưng trên mỗi chuyến tàu ra Côn Đảo đã có những người trẻ hơn đang sẵn sàng làm tiếp nhiệm vụ của những người “chở tình thương” từ đất liền ra đảo. Bạn Phù Quang Thạch, đang là sinh viên của Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, thực tập trên tàu Côn Đảo 09, cho biết: “Là dân Vũng Tàu, nhưng em chỉ được nghe về những chuyến tàu vượt đêm trên biển và nghĩ nó như những chuyến tàu hàng bình thường khác. Nhưng có va chạm với công việc mới thấy được sự quan trọng của nó. Nếu không có những chuyến tàu như thế này thì người dân trên đảo sẽ ra sao?! 2 tuần nay em đã có 3 chuyến vượt biển, những cái vẫy tay ở đất liền, ánh mắt vui mừng trên đảo sau những chuyến tàu cặp bến làm lòng bâng khuâng lắm. Không ngờ nhiệm vụ trên tàu lại thiêng liêng đến thế. Sau khi ra trường em sẽ xin đây về tiếp tục công việc này”.

* ... Chở nặng tình người

Nằm cách Vũng Tàu 185km, Côn Đảo chơi vơi giữa biển khơi. Đã 7 năm nay, những chuyến tàu như thế lần lượt ra, vào từ Vũng Tàu đến Côn Đảo như những chuyến đò ngang trên biển. Khi chiếc tàu Côn Đảo 09 lần đầu tiên xé màn đêm, đến với Côn Đảo nó mang theo biết bao tình cảm sâu nặng mà đất liền dành cho đảo. Nhờ có những chuyến tàu như thế mà những cư dân trên đảo có cảm giác gần gũi hơn với đất liền. Chú Huỳnh Văn Chói (Chín Chói), nhớ lại: “Tôi quê tận An Giang, ra đảo lập nghiệp hơn 30 năm nay. Trước đây, muốn vào đất liền chỉ có thể quá giang tàu cá, hay đợi những chuyến đi của anh em bộ đội biên phòng. Sau này có tàu khách nhưng chậm và không an toàn. Có khi cả năm tôi chưa về thăm được bà con trong đó. Nhất là mùa mưa, bão, tàu không chạy được, lại đến kỳ giỗ ông bà. Buồn nhưng cũng đành “bó tay”. Giờ đây nếu biển tốt một tuần có thể vô đất liền 2-3 lần”. Cũng tâm trạng như chú Chín Chói là anh Bảy Hà. Từ ngày rời quê nhà Bình Định ra đảo lập nghiệp, anh rất ít về quê. “Không phải là không muốn về nhưng có muốn cũng không được”, anh Bảy Hà tâm sự. Anh nói tiếp: “Năm 2000, mẹ tôi ở quê bệnh nặng. Nhận được tin lòng thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Nhưng không may, lúc đó vào tháng 8, biển cứ động suốt. Tàu cá của ngư dân không có ai vào đất liền. Chờ biển lặng, tôi về đến nhà thì mẹ đã mất 2 hôm. Chỉ còn biết khóc... Giờ có 2 chiếc tàu thường xuyên ra vào đất liền, bà con mừng lắm”. Còn nhiều và rất nhiều sự ưu tư, trăn trở cho những người sống trên Côn Đảo. Nhưng cũng như trong quá khứ, những con người đang sống, xây dựng Côn Đảo vẫn kiên cường. Sự xa cách về địa lý có thể làm cho những người thân nhớ nhau nhưng tình cảm thì càng thêm sâu nặng. Và giờ đây, khi chiếc tàu Côn Đảo 09 và gần đây nhất là chiếc Côn Đảo 10 được đưa vào hoạt động làm cho những chuyến ra vào giữa Vũng Tàu - Côn Đảo càng dầy thêm. Người dân có thêm điều kiện để thắt chặt thêm tình thương qua những chuyến đi, về thăm hỏi lẫn nhau.

Không khí biển đêm mát dịu, tàu vẫn cứ đều đều nổ máy vượt đại dương. Trên boong tàu, khu chợ “chồm hổm” bắt đầu sôi động. Hành khách cứ thế lựa cho mình một chỗ thích hợp nhâm nhi ly bia, hay tách cà phê nóng để ngồi ngắm biển. Những người vốn không quen biết giờ lại thân với nhau. Họ tranh thủ mang những đặc sản của quê mình như trái sầu riêng thơm phức, trái mít ngọt lịm... để cùng ngồi thưởng thức, ngắm biển và không quên dành phần nhiều cho người thân trên đảo. Thảo, anh bộ đội biên phòng sau chuyến học ở Học viện Biên phòng về thăm đồng đội, cho biết: “Bây giờ đã có điện thoại, máy bay đến đảo nhưng những chuyến tàu như thế này vẫn là một phần của Côn Đảo. Vì cuộc sống của bà con chưa được cao lắm nên không phải ai cũng có điện thoại, ai cũng có đủ tiền để đi máy bay, muốn về đất liền và quay trở ra đảo vẫn phải nhờ tàu thôi. Trước đây, mỗi tuần chỉ có một chuyến, giờ đã có 2 chuyến. Nếu biển tốt là được 3 chuyến, như thế là quý lắm”. Ở góc cuối boong tàu, chú Lê Văn Tư tranh thủ ăn nhanh tô mì gói lót lòng cho chuyến đi. Chú Tư cho biết: “Suốt đêm trên biển, nhưng nhờ có “chợ” này cũng được. Tô mì gói với hột gà cộng thêm miếng chả 10.000 đồng; hột gà luộc 3.000 đồng; nước uống 5.000 - 10.000 đồng tùy loại, có cả bia nữa. Ai hay say sóng có thể uống một ít để dễ ngủ ngon, không say sóng”.

Hành khách đi trên tàu Côn Đảo 09 có người gọi đó là chợ, có người là quán ăn. “Chợ hay quán ăn cũng được, nhưng nó là một phần không thể thiếu của những chuyến tàu ra Côn Đảo. Nó giúp hành khách ấm lòng cho hành trình hơn 14 giờ vượt đại dương” - thuyền trưởng Tuân nói. Nói xong anh trăn trở: “Hiện nay, giá vé dao động từ 85.000 - 150.000 đồng/hành khách những vẫn không thể đủ bù chi phí cho các chuyến đi. Nhưng vì đảo, hàng năm Nhà nước phải bù lỗ hơn 10 tỉ đồng. Rồi việc tăng chuyến cũng khó khăn lắm vì đường quá xa, trong khi chúng ta không thể chạy ban ngày vì không lo cơm, nước đủ cho 300 hành khách...”.

Tôi đi vòng quanh tàu Côn Đảo 09. Trong khoang ghế ngồi, hành khách người ngồi, người tranh thủ ngả ra ghế chợp mắt. Còn tại khoang nằm, khung cảnh rất yên tĩnh. Sóng vẫn vỗ đều vào mạn tàu tiếp tục ru cho họ vào một giấc ngủ say. Có lẽ do không quen đi biển nên tôi không ngủ được. Nằm xuống lại trằn trọc suy nghĩ về hành trình vượt biển suốt đêm, tôi lại ra boong tàu. Trăng rằm đã lên trên đỉnh đầu, bóng trăng cứ bị những cơn sóng biển xé tan rồi hợp lại tròn trĩnh, nó như tình cảm giữa đất liền với đảo mãi keo sơn không gì có thể tách rời ra được. Sương đêm xuống nặng, không khí lạnh nhưng hình ảnh những người thân đứng đợi ở cảng Bến Đầm làm tôi ấm lại. Và phía xa, cảng Bến Đầm dần hiện ra, những cái vẫy tay, những tiếng gọi nhau í ới vọng về. Một ngày mới trên Côn Đảo bắt đầu bằng những niềm vui nối đất liền và đảo.

Chia sẻ bài viết