26/03/2022 - 22:02

Chào mừng Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ 2022

Những nghệ nhân đờn ca tài tử tiên phong 

Báo Cần Thơ số ra ngày 20-3-2022 có đăng bài “Hậu Tổ nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ”. Bài viết sau đây sẽ tiếp tục giới thiệu những nghệ nhân ĐCTT tiên phong, góp công định hình, phát triển và làm rạng danh “tiếng lòng người phương Nam”.

Những nghệ nhân tiên phong ca ra bộ

Ca ra bộ là một loại hình diễn xướng của ĐCTT, có thể xem là “cầu nối” giữa ĐCTT và cải lương. Nghĩa là, ĐCTT ban đầu hình thành là một dạng diễn xướng đờn và ca, trong không gian nội thất, tiệc tùng… Sau người trình diễn ca tài tử sẽ có yếu tố diễn xuất trong dáng điệu, tư thế, động tác và trong giọng hát, gọi là ca ra bộ. Đây là tiền đề cho loại hình sân khấu cải lương ra đời vào năm 1917.

Thiếu nhi Cần Thơ tìm hiểu về di sản ĐCTT.

Thiếu nhi Cần Thơ tìm hiểu về di sản ĐCTT.

Trong “Nghệ thuật sân khấu cải lương” (Khai Trí ấn tống, 1970), ông Trần Văn Khải viết: “Trước kia ở rải rác trong các tỉnh Nam phần có những ban tài tử đờn ca trong các cuộc lễ tại tư gia, tân hôn, thăng quan, giỗ quải… Nhưng không bao giờ có đờn ca trên sân khấu hay trước công chúng”. Cũng theo tài liệu này, khoảng năm 1910, ở Mỹ Tho có ban tài tử Nguyễn Tống Triều, tục gọi Tư Triều, người miệt Cái Thia. Ông Tư Triều mà đờn kìm thì người nghe không nỡ rời đi. Hợp với đờn kìm Tư Triều có đờn bầu Chín Quán, tiếng tiêu Mười Lý, đờn ca Bảy Vô, cô Hai Nhiễu đờn tranh, cô Ba Đắc ca. Ban tài tử Tư Triều nổi danh khắp miền Nam vì mới đi trình diễn ở một hội chợ trên đất Pháp về. Năm 1911, ông Tư Triều vì muốn mở mang ban tài tử nên hợp đồng với chủ nhà hàng Minh Tân khách sạn để trình diễn đờn ca giúp vui cho thực khách. Sau đó, chủ rạp hát bóng Casino ở sau chợ Mỹ Tho mới mời ban tài tử Tư Triều đến rạp trình diễn cho khán giả coi, vào tối thứ tư và thứ bảy hằng tuần, trước giờ rạp chiếu bóng. Lối đờn ca tài tử trên sân khấu được bà con yêu thích.

Tác giả Trần Văn Khải thuật lại cuộc đi coi hát tài tử trên sân khấu của ông vào năm 1912, khi ông học ở Mỹ Tho. Ông miêu tả sân khấu còn đơn giản, tài tử ngồi trên bộ ván, mặc quốc phục nghiêm trang. Cô Ba Đắc ca rất hay và biết đủ bài bản tài tử. Đặc biệt, cô Ba ca bài “Bùi Kiệm, Nguyệt Nga” theo thể điệu Tứ Đại Oán rất duyên dáng. Bài ca theo kiểu sắp văn kể chuyện vấn đáp (theo kiểu cải lương), có điệu bộ, động tác. Cô Ba Đắc ca:

“Kiệm từ khi thi rớt trở về

Bùi Ông mắng nhiếc nhún trề

Cũng tại mày ham bề ăn chơi…”

Màn đờn ca trên sân khấu của ban nhạc Nguyễn Tống Triều trở nên vang danh khắp miền lục tỉnh, lên biểu diễn tận Sài Gòn.

Khoảng năm 1915, ông Tống Hữu Định, tục danh Phó Mười Hai, quy tụ tài tử đất Vĩnh Long, rồi chia vai thủ đóng Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga “vừa đứng trên ván vừa ca ra bộ”. Với lối trình diễn này, ĐCTT không chỉ có tiếng đờn lời ca mà còn có động tác, diễn xuất, trao gửi tình cảm trong giọng ca, động tác. Hễ vui thì vung tay, buồn thì mặt mày ủ dột, nóng nảy thì mặt nhăn mày chau… Có thể khẳng định, giai đoạn 1910-1915, các nghệ nhân tài tử đã dần định hình và hình thành rõ nét cách ca ra bộ trong nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.

Nếu như ông Nguyễn Tống Triều khơi nguồn ca ra bộ thì ông Phó Mười Hai góp công định vị cách diễn xướng này. Ông Tống Hữu Định, hiệu là Tịnh Trai, được gọi là Phó vì làm Phó Cai Tổng Bình Long (Vĩnh Long) và ông là người con thứ mười hai trong gia đình. Học giả Vương Hồng Sển viết trong “Hồi ký 50 năm mê hát”: “Nay thử hỏi, người đứng đầu công buổi tiên khởi là ai? Khó nói cho đúng. Hay là muốn nói ít sai thì phải dài dòng. Sơ khởi nên kể công cho ông Tống Hữu Định. Kế đến, người có gan đưa lên sân khấu thiệt thọ, gầy dựng thành hình hát cải lương như ngày nay lại là thầy André Thận, quê ở Sa Đéc”.

Từ Dạ cổ thành vọng cổ

Năm 1919, sự ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - học trò xuất sắc của Hậu Tổ Nhạc Khị, đã tạo nên tiếng vang trong giới ĐCTT Nam Bộ. Người có công đầu đưa bài ca này lên sân khấu chính là Hậu Tổ cải lương - người con ưu tú của quê hương Cần Thơ - soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền. Năm 1925, nhạc sư Huỳnh Thủ Trung (tức Tư Chơi) đã sáng tác lời mới cho bản “Dạ cổ hoài lang” với bản “Tiếng nhạn kêu sương” và nhân đôi nhịp thành nhịp tư, gọi là “Dạ cổ hoài lang” nhịp tư. Vẫn với cách nhân đôi nhịp, nhạc sĩ Lư Hòa Nghĩa đã biến tấu bản “Dạ cổ hoài lang” lên nhịp 8 với bài ca “Văng vẳng tiếng chuông chùa”. Từ đây, tên gọi bài vọng cổ ra đời, gọi là vọng cổ nhịp 8, sau lại được các nhạc sĩ, nghệ nhân kế cận cải tiến nhân đôi nhịp, thành vọng cổ nhịp 16, vọng cổ nhịp 32… như ngày nay.

Trong quá trình từ “Dạ cổ hoài lang” thành vọng cổ, nhạc sĩ Lư Hòa Nghĩa được xem là người có công đầu. Trong cuốn “Tìm hiểu cổ nhạc Bạc Liêu”, tác giả Trần Phước Thuận cho biết, nhạc sĩ Lư Hòa Nghĩa, tự Năm Nghĩa, sinh năm 1911 tại Bạc Liêu, từ nhỏ đã có khiếu âm nhạc, lại được theo học danh sư cổ nhạc Bạc Liêu là Sư Nguyệt Chiếu. Nhạc sĩ Lư Hòa Nghĩa và nhạc sĩ Cao Văn Lầu là bạn vong niên, thường hay tới lui luận bàn nhạc tài tử. Vào đêm trăng năm 1934, ông Năm Nghĩa đến nhà ông Sáu Lầu chơi, mãi đờn ca đến khuya mà không hay, lại có mưa gió, nên ngủ lại. Lạ chỗ, trằn trọc mãi giấc chẳng thành, rạng sáng ông Năm Nghĩa nghe tiếng chuông chùa Vĩnh Phước An gần đó ngân vang từng hồi. Dòng xúc cảm trào dâng, ông Năm Nghĩa viết bài “Văng vẳng tiếng chuông chùa”, theo điệu “Dạ cổ hoài lang” nhưng nhân thành nhịp 8. Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả Trần Phước Thuận thuật lại lời xác nhận của nhạc sĩ Cao Văn Lầu: “Nhạc phẩm căn bản nhịp đôi của tôi đã được chư nhạc sĩ tứ phương lần lần mở lơi ra nhịp 8, bắt đầu bằng lời ca “Văng vẳng tiếng chuông chùa” của nghệ sĩ Năm Nghĩa”. Lời xác nhận này của ông Sáu Lầu được đăng trên tạp chí Tin vắn số đặc biệt kỷ niệm nửa thế kỷ sân khấu cải lương vào năm 1966.

Bài ca do chính nhạc sĩ Năm Nghĩa ca đã tạo được tiếng vang lớn. Trong Giỗ Tổ Sân khấu năm 1935, soạn giả Trịnh Thiên Tư đã đề nghị gọi bản “Dạ cổ hoài lang” nhịp 8 của ông Lư Hòa Nghĩa là bản vọng cổ. Sáng tác và giọng ca của ông Năm Nghĩa lan đến tận Sài Gòn, một hãng dĩa đã thu bài hát này qua giọng ca mùi mẫn, thâm trầm của ông nhưng đặt lại tựa là “Vì tiền lỗi đạo”. Tuy nhiên, tên gọi “Văng vẳng tiếng chuông chùa” vẫn quen thuộc với mọi người hơn. Theo học giả Vương Hồng Sển, một phú hào mê hát ở Vĩnh Long vì mê bài vọng cổ nhịp 8 và giọng hát Năm Nghĩa mà lập gánh hát, mời Năm Nghĩa về hát để nghe. 

Một chi tiết thú vị là trong lễ khai mạc Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014, nghệ nhân ưu tú Thanh Tùng đến từ TP Cần Thơ, đã vinh dự được mời ca bản “Văng vẳng tiếng chuông chùa” của nhạc sĩ Năm Nghĩa. Giọng ca mùi mẫn, nhặt khoan của Thanh Tùng chiếm trọn lòng người mộ điệu.

Nhạc sĩ Năm Nghĩa có người vợ đầu là cô Năm Đặng, đào hát đoàn Hề Lập nhưng sau đó đường ai nấy đi. Sau ông nên duyên với bà Nguyễn Thị Thơ, một phụ nữ giàu có xứ Tây Ninh. Bà Thơ sau làm bầu gánh nổi tiếng, gọi là Bà Bầu Thơ. Bà Bầu Thơ có một đời chồng trước, sinh hai người con là Hữu Thình (tức cha của nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu) và nữ nghệ sĩ tài sắc - nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga. Ông Năm Nghĩa và Bà Bầu Thơ có 5 người con chung, trong đó người con trai lớn chính là nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Tài liệu tham khảo:

- “Nghệ thuật sân khấu cải lương”, Trần Văn Khải, Khai Trí ấn tống, 1970;

- Chân dung nghệ sĩ quê hương Vĩnh Long, nhiều tác giả, NXB Trẻ - Sở Văn hóa và Thông tin Vĩnh Long, 2002;

- “Tìm hiểu cổ nhạc Bạc Liêu”, Trần Phước Thuận, NXB Âm nhạc - Liên hiệp Hội VHNT Bạc Liêu, 2014.

Chia sẻ bài viết