Truyện ngắn: NGUYỄN KIM
Buổi sáng sớm dịu mát, mặt trời vừa ló dạng, quầng sáng ửng hồng. Bác Hai chầm chậm đi thả bộ trong xóm, thỉnh thoảng chào trả những cái gật đầu, hỏi han của những người hàng xóm đi ruộng hoặc tập thể dục. Ngắm nhìn hàng cây sao nhái khoe sắc bông vàng, bông mười giờ san sát rào nhà như tấm thảm xanh lú nhú búp vươn chờ nở, tự dưng bác thấy vui trong lòng, bước chân thêm nhẹ nhàng thoăn thoắt. Bỗng bác nghe tiếng gọi:
- Anh Hai ơi, may quá gặp anh đây, tôi định đến nhà hỏi ý anh một chuyện…
Thì ra chú Bảy, thường ngày vẫn qua lại thân thiết. Bác Hai cười vui vẻ:
- Lại nhà tôi uống trà rồi nói luôn nghen chú Bảy!
Tới cổng nhà, bác Hai tần ngần ngước nhìn cây nhãn gie nhánh ra ngoài rào. Bác bước vào nhà lấy dao chặt phăng một cành lớn, bông trắng li ti rụng đầy đất. Bác nói với chú Bảy:
- Tiếc chi mớ trái, để vướng víu, che khuất tầm nhìn bà con. Đó là chưa kể có người chạy xe nhanh chút, không quan sát là vướng.
***
Hai người ngồi đối diện chỗ bàn trà trước thềm ba. Nói chuyện ruộng vườn một lúc, chú Bảy đắn đo nhìn bác Hai, mở lời:
- Thằng Tuấn con tôi đi nghĩa vụ quân sự lâu nay, chắc cuối năm tới mới xuất ngũ. Ngặt nỗi có người muốn sắp xếp cho nó cưới vợ trong năm nay, anh à.
Bác Hai hơi nhíu mày:
- Tôi coi thằng Tuấn như cháu ruột mới dám nói. Không có vấn đề gì gấp gáp thì để nó làm xong bổn phận công dân, ổn định nghề nghiệp bản thân rồi cưới hỏi. Mà tui chắc ý chú Bảy cũng vậy. Nên có chuyện gì đột xuất hả chú?
- Hai đứa nhỏ, thằng Tuấn với con Hậu thương nhau từ lâu. Hai nhà cũng bàn bạc, nhất trí như ý anh nói vậy. Vợ chồng tôi qua nói chuyện, sui gia cũng bằng lòng hết. Nay đột nhiên xảy ra lấn cấn bởi cậu Tư con nhỏ tự dưng tìm thầy coi tuổi hai đứa, cứ nhất quyết đòi phải làm đám cưới cuối năm nay mới tốt, làm ăn thuận lợi, gia đình an vui. Ai nói khác thì giận hờn ra mặt, nói vô nói ra làm nhà cửa không yên, con Hậu cũng bị tác động nên buồn bã, thằng Tuấn thì lo lắng. Tôi chỉ muốn chuyện hai đứa nó được trọn vẹn, không có gì lấn cấn làm sứt mẻ quan hệ của hai nhà cũng như tình cảm sấp nhỏ… Nhưng mà cưới sớm thì tôi thấy lo, vì tụi nhỏ có gì ổn định đâu.
Nghe tới đây bác Hai đã nắm được nguồn cơn, thủng thẳng nói:
- Tôi biết tánh Tư Bền này hay tỏ ra khó khăn, thích bày chuyện làm tình làm tội người khác. Anh đừng để mấy chuyện coi bói của Tư Bền khiến anh quyết định vội vã. Còn chuyện gia đình giàu nghèo, hòa thuận hay lục đục… phần lớn do con người tạo nên. Hôn nhân phải ở thời điểm hai đứa nhỏ lập thân lập nghiệp đàng hoàng, thì nền tảng gia đình mới chắc. Nói thực tế, chờ thằng Tuấn xuất ngũ, có việc làm hẳn hoi, tổ chức lễ cưới là toàn tâm toàn ý viên mãn. Còn chuyện tuổi tác vợ chồng tốt hay xấu, tôi kể anh nghe chơi…
***
Trận đánh xóa sổ đồn Cầu Kinh năm 72, bác Hai bị thương, địch bắt đày ra Côn Đảo tới giải phóng. Hòa bình rồi đáng lẽ bác Hai về quê, nhưng vì đảo xa thiếu người nên bác tình nguyện ở lại đảo công tác. Mãi 2 năm sau bác mới về lại quê hương, quen biết rồi lấy bác Hai gái, sống ấm yên đến nay.
- Nói chú nghe, tôi tuổi Thân, vợ tôi tuổi Hợi, làm đám cưới năm Tỵ. Mấy ông thầy bói hồi ấy phán như đinh đóng cột rằng vợ chồng tôi mãn đời xung khắc và nghèo túng, bởi trúng ngay Dần - Thân - Tỵ - Hợi tứ hành xung. Ba má hai nhà nghe tới đó mà không yên lòng. Nhưng tôi với má sấp nhỏ thương nhau thật lòng, lúc đó tuổi tác cũng không còn nhỏ, không cưới liền tay thì để đến lúc nào. Vậy nên cứ cưới.
Nghe tới đây chú Bảy yên tâm phần nào. Bởi ở xóm này mấy chục năm nay, chú chưa từng nghe vợ chồng bác Hai to tiếng cãi vã. Con cháu nhà bác Hai ngoan hiền lễ phép, học hành giỏi giang, thành đạt. Thấy vẻ mặt lo lắng của chú Bảy giờ mới giãn ra, bác Hai tự dưng đâm bực những người làm ông bạn của mình ăn không ngon ngủ không yên mấy ngày qua.
- Chú Bảy nghĩ coi cũng lạ, trong khi người ta phấn đấu để vươn tới hôn nhân văn minh, có nền tảng vững vàng để sống tốt và tôn trọng nhau; thì còn những người quan niệm bảo thủ, tự cho mình quyền can thiệp vào hạnh phúc của lớp trẻ. Chuyện lo liệu tương lai cho đôi trẻ, theo tôi cơ bản do gia đình chú và bên sui gia quyết định, còn Tư Bền để tôi cũng lựa lời nói giúp…
Nói thì nói vậy, nhưng tập tục, khuôn phép, điều hay lẽ phải… của ông bà từ xưa thì vẫn phải giữ. Vậy nên chú Bảy cũng bàn bạc với bác Hai chuyện sang nhà sui gia nói chuyện sao cho hòa khí, nhất là trấn an Tư Bền, để sang năm Tuấn xuất ngũ, lo chuyện nhà cửa ruộng vườn ổn thỏa là tính tới cưới hỏi đẹp lòng hai nhà. Những lời lẽ động viên chân tình của bác Hai khiến chú Bảy vững bụng, xóa bỏ phân vân trong tâm trí. Đưa mắt ra sân, chợt nhìn mấy cây con vươn đôi lá xanh mướt ươm trong bầu đất, chú Bảy hỏi:
- Cây bàng hả anh? Tươi tốt quá chừng…
Mặt trời lên, ánh nắng ấm áp chiếu xuyên qua tàng lá trước hiên nhà. Nét mặt bác Hai như giãn ra, thư thái, kể chuyện tháng trước cùng các bạn cựu chiến binh thăm chiến trường xưa.
- Tôi xin được hai cây bàng vuông, về tặng cho trường học của xã. Còn mấy cây bàng này là tôi ương từ hột nhặt dưới gốc cây bàng chỗ xà lim biệt giam cũ. Chú có đất trống, muốn trồng lấy bóng mát không? Chút về cầm theo luôn, tôi tặng chú để nhớ kỷ niệm mình gỡ rối chuyện cưới hỏi của thằng Tuấn hôm nay - bác Hai cười khà khà.
Nhìn ánh nắng lên cao trải đều khắp bên kia đường, loang loáng trên vườn mai xanh um màu lá, vườn dừa xiêm lùn trĩu quả, vườn chuối già tàu lá bóng mượt; đứng lên cầm tay ông bạn già, chú Bảy hào hứng nói:
- Việc này quá hay! Anh Hai coi trời quang đãng, ánh nắng ấm áp. Trời này trồng cây là sống tốt, sống khỏe.
Tiễn khách ra cổng và trao tận tay cây bàng non, bác Hai cười sảng khoái:
- Văn hoa một chút, thì là những ngày nắng đẹp đó chú Bảy.
Chú Bảy nhẹ nhõm ra về. Đám sao nhái, mười giờ trồng hai bên lề đường được nắng, chen nhau nở bông sắc màu rực rỡ…