Ghi chép: ANH KHOA
Cần Thơ hôm nay khoác lên mình chiếc áo mới với những tòa nhà cao tầng, dãy phố khang trang của một đô thị hiện đại không ngừng phát triển... Nhưng vẫn còn đây đó những con đường ven đô với những cánh đồng bạt ngàn, những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả, những luống rau xanh tươi thẳng tắp... Cần Thơ đang hướng đến một nền nông nghiệp đô thị để tăng thu nhập cho nông dân, phủ thêm màu xanh cho bức tranh tươi thắm của thành phố ven sông Hậu.
Là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng ĐBSCL, Cần Thơ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp công nghệ cao. Đến năm 2010, tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 44,16% trong cơ cấu GDP (tăng 4,32% so với năm 2005), khu vực dịch vụ chiếm 45,23% (tăng 3,77% so với năm 2005), khu vực nông nghiệp-thủy sản chiếm 10,61% (giảm 8,09% so với năm 2005). Tuy, tỷ trọng khu vực nông nghiệp-thủy sản ngày càng giảm nhưng vẫn đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GDP của thành phố và đang đảm bảo cuộc sống cho đại bộ phận người dân thành phố. Hiện đất nông nghiệp của thành phố còn khoảng 115.000 ha trên 140.096 ha đất tự nhiên, dân số khu vực nông nghiệp chiếm khoảng 50% dân số thành phố...
“Đất nông nghiệp Cần Thơ ngày càng giảm. Dự kiến, đến năm 2020, thành phố chỉ còn khoảng 65.000-70.000 ha đất lúa; còn diện tích cây ăn trái, rau màu và thủy sản... tăng lên và đạt khoảng 25.000 ha theo quy hoạch. Đất ít, ngành nông nghiệp cần phải tập trung chỉ đạo sản xuất theo mục tiêu chuyển từ nâng cao số lượng sang nâng cao chất lượng, tăng đầu tư khoa học kỹ thuật, tăng giá trị nông sản, thu nhập và mức lãi cho nông dân... Đó là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Hiện thành phố có trên 70% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, hướng tới đây sẽ tập trung sản xuất lúa giống cung cấp cho nhu cầu các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Còn nông nghiệp đô thị, thành phố tập trung sản xuất rau màu, cây cảnh, nuôi rùa, rắn, ba ba...” - Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của thành phố.
* * *
 |
Nhiều mô hình vườn cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ cho hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Vườn bưởi Năm Roi của ông Nguyễn Văn Hồng, ở phường Tân Phú, quận Cái Răng. Ảnh: N.V |
Tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, các khu công nghiệp “mọc lên” ngày một nhiều khi Cần Thơ đang hướng đến thành phố công nghiệp trước năm 2020. Đã có nhiều tâm tư, băn khoăn: Đất nông nghiệp ngày càng giảm, mai này còn đâu vùng đất trù phú với “gạo trắng nước trong”, cây trái xanh tươi... Ông Dương Quang Chỉnh, Phó Phòng Kinh tế quận Cái Răng không hề bi quan, cho biết: “Quận quy hoạch 54 dự án khu dân cư và đã triển khai thực hiện khoảng 20 dự án cùng 2 khu công nghiệp. Nhưng vẫn hướng đến đô thị xanh, quận giữ lại đất ven các kênh rạch phát triển vườn cây ăn trái và rau màu”.
Phát triển đô thị hợp lý, công nghiệp hóa, hiện đại hóa Cần Thơ, không phải là phá bỏ mảng xanh... Cần Thơ đã triển khai thực hiện Quy hoạch chi tiết Vành đai thực phẩm TP Cần Thơ với diện tích khoảng 25.000 ha. Chủ yếu là quy hoạch diện tích vườn cây ăn trái, rau màu, ao nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc... Khu vực quy hoạch thuộc các địa phương ven sông Hậu và sông Cần Thơ như: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Răng và Phong Điền. Ông Phạm Văn Quỳnh giải thích: “Quy hoạch này Sở NN&PTNT đã trình UBND thành phố phê duyệt. Dân cư tăng dần nên việc đảm bảo nhu cầu thực phẩm cung cấp từ “vành đai thực phẩm” là rất cần thiết. Đồng thời, nơi đây sẽ hình thành vùng sản xuất rau an toàn có nét đặc trưng riêng của TP Cần Thơ, phục vụ nhu cầu người dân tại chỗ và khách du lịch. Vùng quy hoạch “vành đai thực phẩm” áp sát bờ sông Hậu. Dự kiến, đến giai đoạn 2015-2020 thành phố sẽ có “vành đai thực phẩm” hoàn chỉnh...”.
Không đợi quy hoạch chung của thành phố, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng vành đai thực phẩm, triển khai các mô hình sản xuất rau cho hiệu quả kinh tế cao tại các quận, huyện Phong Điền, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt. Từ phong trào này nhiều điểm sáng xuất hiện, sản phẩm rau an toàn vào được các siêu thị. Các kỹ sư nông nghiệp bám những vùng vườn cây trù phú tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng IPM (trong đó có hướng dẫn quy trình GAP) trên cây ăn trái. Bây giờ nông dân đã rành rẽ việc ghi sổ cẩn thận lại quá trình sản xuất cây ăn quả, để sau này làm cơ sở tham gia ứng dụng GAP, có điều kiện điều chỉnh sản xuất giảm chi phí, tăng hiệu quả cũng như chia sẻ kinh nghiệm sản xuất lẫn nhau. Nông dân sản xuất cây ăn trái, rau màu phải cân đối theo nhu cầu thị trường, làm ra nông sản theo hướng tập trung, chuyên canh nhưng phải đa dạng các giống cây trồng...
* * *
“Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về”. Sản vật của Cần Thơ không chỉ có thế! Còn có những vườn cây vú sữa sai oằn trái, những vườn dâu Hạ Châu trĩu quả ở huyện Phong Điền, những vườn bưởi Năm Roi sai trái ở Cái Răng... Nhiều loại trái cây miệt vườn Cần Thơ không những đẹp mã mà còn có chất lượng ngon, ngọt.
Ông Trần Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, nói như khoe với chúng tôi về những mô hình vườn cây ăn trái hiệu quả của huyện nhà: “Vườn cây ăn trái ở đây cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm là chuyện bình thường, có vườn cho thu nhập vài trăm triệu đồng/ha/năm. Theo quy hoạch chung của thành phố, hướng tới Phong Điền trở thành quận đô thị sinh thái. Do đó, huyện phấn đấu hàng năm cải tạo và trồng mới khoảng 200-250 ha vườn cây ăn trái. Nhất là phát triển diện tích dâu Hạ Châu, cây đặc sản của Phong Điền đã có thương hiệu từ năm 2005, đồng thời nâng cao chất lượng trái và tìm đầu ra cho nông dân. Ngoài ra, Phòng NN&PTNT huyện còn phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ xây dựng mô hình vườn cây ăn trái đặc sản phục vụ du lịch sinh thái, bước đầu chọn một vài điểm xây dựng để nhân rộng mô hình này”. Điển hình như vườn vú sữa hơn 8.000m2 của ông Lê Văn Sĩ (ở ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền) được nhiều người biết đến, chủ yếu cây vú sữa 9 năm tuổi, cho trái 6 năm với sản lượng khoảng 15-20 tấn/năm. Từ vườn vú sữa này, đời sống gia đình ông Lê Văn Sĩ ngày càng ổn định và khấm khá hơn, ông cũng đã cất được căn nhà mới khang trang.
Mỗi địa phương điều biết cách phát huy thế mạnh của mình. Ông Nguyễn Hồng Hà, Quyền Trưởng Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho hay: “Dựa vào chính sách hỗ trợ cây giống, quận sẽ định hướng nông dân cải tạo vườn cây ăn trái, nhất là những vườn tạp không đạt hiệu quả kinh tế cao thành những vườn cây ăn trái đặc sản và vườn cây chất lượng cao. Trong 3 năm qua, trung bình mỗi năm quận Bình Thủy cải tạo và trồng mới được khoảng 20 ha vườn cây ăn trái...”.
Quận Bình Thủy có 182 ha đất chuyên canh rau màu, tập trung ở các phường Long Hòa, Long Tuyền và Thới An Đông. Nhiều mô hình trồng rau màu tại địa phương cho lãi trung bình khoảng 10 triệu đồng/1.000m2/vụ và khoảng 40-50 triệu đồng/1.000m2/năm. Nông dân địa phương còn mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau màu, nhất là sản xuất rau an toàn. Rau màu cũng là thế mạnh nông nghiệp của Bình Thủy nên quận dự kiến quy hoạch khoảng 350 ha đất chuyên sản xuất rau an toàn, tập trung tại các phường Long Tuyền, Long Hòa và Thới An Đông, mỗi năm gieo trồng đạt khoảng 1.500 ha rau màu các loại.
 |
Diện tích rau màu ven đô sẽ vẫn mãi là “lá phổi xanh” của thành phố. Trong ảnh: Nông dân quận Cái Răng chăm sóc cải xanh đang tươi tốt. Ảnh: N.V |
HTX Rau an toàn Long Tuyền cung cấp một lượng hàng lớn cho các chợ đầu mối. Những rẫy dưa hấu trồng chưa đầy tháng tuổi, rẫy cà chua đang cho trái phủ xanh một vùng đất rộng lớn. Trên cánh đồng trồng rau màu nông dân đang tất bật chăm sóc, người bón phân, người phun thuốc bảo vệ rau màu... Thỉnh thoảng có tiếng cười nói rôm rả, một vài nông dân đang trao đổi kinh nghiệm làm nông. Ông Triệu Công Đỉnh, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Long Tuyền, cho biết: “Ngoài diện tích rau màu đang trồng dự kiến cho thu hoạch trước Tết này, nhiều thành viên HTX cũng đang làm đất để chuẩn bị xuống giống đợt màu Tết, chủ yếu trồng cà chua, dưa hấu và dưa lê. Hiện nay, nhiều thành viên HTX trồng rau an toàn...”.
Đưa tôi tham quan một vòng quanh cơ ngơi của HTX, ông Nguyễn Văn Bi, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Hòa Phát ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn cho biết: “Ngày trước, ở đây bà con trồng nhiều loại rau ăn quả như: dưa leo, dưa hấu, cà chua... nhưng manh mún, khó tiêu thụ. Thời gian trồng đến thu hoạch các loại rau ăn quả này kéo dài, trong khi bà con còn nghèo thiếu vốn không kham nổi”. Để gỡ khó, ông Bi đã vận động bà con chuyển qua tập trung trồng chuyên canh rau muống cho thu hoạch nhanh hơn (1 tháng cho thu hoạch một đợt) và dễ tiêu thụ do có được số lượng lớn thương lái tìm đến tận rẫy mua. Năm nay, bà con ở đây vui mừng do đã thành lập được HTX, có điều kiện làm ăn bài bản hơn trước. Ông Nguyễn Văn Bi bộc bạch điều ấp ủ: “Hướng tới, các thành viên HTX sẽ tập trung sản xuất rau muống theo hướng an toàn, để có thể cung cấp cho các siêu thị trên địa bàn thành phố, đầu ra rau muống sẽ ổn định hơn...”.
Các kỹ sư nông nghiệp cũng vào cuộc hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Kiều, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) TP Cần Thơ, cho biết: “Chi cục đã tăng cường tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất rau màu theo hướng an toàn, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, nông dân đã thay đổi tập quán sản xuất theo chiều hướng tích cực. Gần đây, qua kiểm tra các mẫu rau thì số mẫu không đạt các chỉ tiêu an toàn đã giảm đáng kể so với những năm trước...”. Dự kiến, trong vụ đông xuân 2010-2011, Chi cục BVTV TP Cần Thơ triển khai Dự án xây dựng quy trình sơ chế, bảo quản rau an toàn theo Việt GAP. Chi cục sẽ chọn HTX Rau an toàn Hòa Phát chuyên sản xuất rau muống, tổ hợp tác sản xuất hẹ (ở quận Thốt Nốt), HTX Rau an toàn Long Tuyền... để triển khai thực hiện dự án này. Dự án sẽ hỗ trợ nông dân từ khâu kỹ thuật sản xuất rau an toàn, cho đến sơ chế và bảo quản, đóng gói sản phẩm... hứa hẹn sản phẩm rau an toàn nông dân sản xuất ra sẽ vào được các siêu thị, ổn định đầu ra.
* * *
Không khí mùa Xuân ấm áp tràn về, thoang thoảng trong gió mùi thơm của hoa bưởi trổ muộn, màu xanh rì của những luống rau tươi, vẳng xa xa nghe tiếng cười nói rôm rả của nông dân đang thu hoạch vụ mùa Tết. Những ánh mắt ngập tràn niềm vui sau một vụ mùa thắng lợi. Dòng sông Hậu vẫn hiền hòa, ánh nắng tỏa xuống lung linh vào buổi sáng ban mai, những chiếc ghe, tàu ngược xuôi chở đầy trái chín, hoa màu... mang thêm hương vị ngọt ngào cho người dân ngày Tết.