05/01/2016 - 09:37

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN:

Những ký ức không phai

Trong suốt chiều dài lịch sử 70 năm của Quốc hội Việt Nam, Quốc hội Khóa đầu tiên mở ra một nền dân chủ của đất nước và Quốc hội Khóa VI (1976 – 1981) - đã thông qua chủ trương thống nhất đất nước, chung một màu cờ, một tên gọi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là những kỳ Quốc hội có ý nghĩa, vị trí đặc biệt, với biết bao ký ức không thể phai mờ trong lòng nhiều đại biểu miền Nam.

QUỐC HỘI KHÓA I - MỞ RA NỀN DÂN CHỦ CỦA ĐẤT NƯỚC

Sau khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, nhân dân ở Nam bộ vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn. Nhưng nhân dân Nam bộ vẫn không hề nao núng và nô nức đi bỏ phiếu để bầu cử Quốc hội Khóa đầu tiên, mở ra một nền dân chủ của đất nước.

Khi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra, ông Phan Minh Tánh (nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) vừa đủ 17 tuổi và được tham gia bỏ phiếu bầu cử tại tỉnh Bạc Liêu. Ông cho biết: "Lúc đầu, những người dân như tôi đều chưa hiểu bầu cử Quốc hội là gì. Rồi sau đó được nghe phổ biến, chúng tôi dần hiểu rằng bầu cử là để tìm người đại diện cho nhân dân, thực hiện quyền dân chủ. Đây là lần đầu tiên người dân được thực hiện quyền của mình, người dân đi bỏ phiếu vì độc lập - quyền thiêng liêng mà cả trăm năm cuộc đời chưa được nghe tới".

Các chiến sĩ Hải quân Hạm đội 147 bầu cử Quốc hội khóa VI tại hòm phiếu 512 khu vực 4, TP Hồ Chí Minh (4-1976).

Thời điểm bầu ra Quốc hội khóa 1, ông Phạm Học Lâm (nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) mới 16 tuổi, chưa đủ điều kiện đi bỏ phiếu nhưng ông được phân công làm thư ký ở Ban bầu cử xã Tân Duyệt, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Bạc Liêu. Nhớ lại không khí ngày 6-1-1946, ông Phạm Học Lâm cho biết, khi đó người dân rất phấn khởi và náo nức kéo nhau đi bầu cử. Địa phương ông lúc đó là khu vực An toàn khu nên công tác bầu cử không gặp phải sự cản trở, chống phá của các thế lực thù địch. Trong thời gian này, nhiều khu vực khác tại Nam bộ không được may mắn như Bạc Liêu, khi bị quân Pháp chiếm đóng, đàn áp nên cuộc bầu cử diễn ra rất khó khăn. Tuy nhiên, người dân vẫn không quản ngại nguy hiểm để tham gia bầu cử, lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân của mình.

Được sự tin tưởng và ủng hộ của nhân dân, bà Ngô Thị Huệ (thường gọi bằng tên thân thương là cô Bảy Huệ) khi đó đã trở thành một trong ba đại biểu nữ thuộc đoàn đại biểu miền Nam của Quốc hội khóa I. Với bà đây là niềm vinh hạnh lớn lao. Nhưng người đại biểu ấy chưa thể hình dung được con đường đi họp Quốc hội lại khó khăn, gian nan đầy thử thách đến vậy. Trong Hồi ức, bà Ngô Thị Huệ vẫn nhớ như in: "Đến tháng 3-1946, chúng tôi được thông báo ra Thủ đô Hà Nội dự phiên họp Quốc hội đầu tiên. Lúc này quân và dân tỉnh nhà đã bước vào cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt. Không thể đi đường công khai mà phải mượn con đường biển, điểm tập kết để xuất phát là khu vực Vàm Ông Trang (Mũi Cà Mau). Chúng tôi được tổ chức đưa đi trên một chiếc thuyền đánh cá để qua Thái Lan an toàn, nơi có đông kiều bào yêu nước ra đón".

Tuy nhiên, dự định ban đầu của đoàn là từ Thái Lan đi qua Lào để về Hà Nội đã không thực hiện được vì quân Pháp đã đánh sang Lào. Tình hình không ổn định khiến đoàn bị kẹt ở Thái Lan trên dưới sáu tháng. Ai cũng rất nóng lòng để được về Thủ đô Hà Nội càng sớm càng tốt. Do vậy, đoàn phải chia ra nhiều nhóm nhỏ đi trên đường biển. "Nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Việt kiều yêu nước, tôi đóng giả người Hoa để từ Băng Cốc (Thái Lan) qua đảo Hải Nam rồi lại đi tiếp qua Bắc Hải về Đồng Hưng (Trung Quốc), nơi giáp ranh với Móng Cái (Quảng Ninh). Khi đặt chân lên mảnh đất thân yêu, ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, nước mắt vui mừng cứ trào ra", bà Ngô Thị Huệ bồi hồi nhớ lại.

Đến tháng 10-1946, các đại biểu miền Nam được triệu tập ra họp kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I mới tới Hà Nội và bước vào… kỳ họp thứ hai. Những gian nan vất vả trên hành trình thực hiện trách nhiệm của một Đại biểu dân cử lần đầu tiên không ai biết trước. Dù kéo dài cả nửa năm trời trên hành trình ấy, nhưng tấm lòng kiên định, nhiệt huyết của nữ đại biểu Ngô Thị Huệ cùng các đại biểu khác từ miền Nam vẫn dâng trào sục sôi, góp phần vào sự thành công của Quốc hội khóa I.

QUỐC HỘI KHÓA VI - ĐÁNH DẤU SỰ THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC VỀ MẶT NHÀ NƯỚC

Sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975), non sông Việt Nam đã liền một dải. Tuy nhiên trên thực tế lúc này vẫn còn tồn tại hai chính phủ: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Do vậy, việc nhanh chóng thống nhất về mặt nhà nước là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu lúc bấy giờ, để nhân dân ta tập trung xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh. Quốc hội Khóa VI (1976 – 1981) đã thông qua chủ trương thống nhất đất nước, chung một màu cờ, một tên gọi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là kỳ Quốc hội có vị trí đặc biệt, với biết bao ký ức không thể phai mờ trong lòng nhiều đại biểu miền Nam.

Là đại biểu trong 6 kỳ Quốc hội từ khóa VI đến khóa XI, nhưng đối với bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) thì Quốc hội khóa VI để lại ấn tượng đặc biệt trong bà. "Khi đó, với một người trẻ như tôi và nhiều đại biểu khác được tham gia biểu quyết quyết định những vấn đề trọng đại nhất của đất nước là một niềm vinh dự lớn lao" - bà Nguyễn Thị Hoài Thu xúc động chia sẻ.

Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa VI đã thông qua các vấn đề quan trọng hàng đầu của đất nước, gồm Nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và tổ chức Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới, thủ đô và quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Không khí của kỳ họp năm ấy được thể hiện rõ hơn qua lời kể của các đại biểu Quốc hội. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu: "Khi Quốc hội đề ra các nội dung quan trọng đều được đại biểu thông qua, với sự đồng thuận rất cao – điều đó thể hiện cho ý chí, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng".

Từng là đại biểu ở cả hai miền trong hai kỳ Quốc hội (Quốc hội khóa V tại tỉnh Ninh Bình và khóa VI tại tỉnh Minh Hải - nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu), ông Phạm Học Lâm là người hiểu rõ và cảm nhận sâu sắc về sự thống nhất nước nhà thông qua những quyết sách của Quốc hội khóa VI. Theo ông Phạm Học Lâm, những đường lối Đảng đề ra, những vấn đề Quốc hội nêu ra đều được thông qua với biểu quyết, tín nhiệm cao của các đại biểu. Bởi, khi đất nước thống nhất, mọi người dân đều phấn khởi trước thắng lợi của cuộc đấu tranh của dân tộc "phấn khởi chưa từng có, phấn khởi tột độ và không có gì vui sướng bằng". Quốc hội khóa VI, đại diện cho nhân dân đã thể hiện tính thống nhất cao và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

PHÁT HUY TINH THẦN MƯU CẦU HẠNH PHÚC CHO DÂN

Dù là ở khóa đầu tiên hay những khóa sau này, với mỗi đại biểu Quốc hội khi trúng cử đều có rất nhiều cảm xúc, có niềm vui, sự vinh hạnh nhưng cũng đầy nỗi lo lắng trong vai trò mới. Trách nhiệm đối với nhân dân, nhiệm vụ với đất nước đó là những điều mà các đại biểu Quốc hội luôn đau đáu làm sao để thực hiện thật tốt. Những đại biểu Quốc hội như ông Phan Học Lâm, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, ông Phan Minh Tánh đều chia sẻ rằng: Được nhân dân tín nhiệm bỏ phiếu đó là niềm vinh dự, sự tự hào lớn lao đối với bản thân họ. Và cũng chính vì thế mà họ cũng không khỏi lo lắng bởi vẫn còn bỡ ngỡ với những trách nhiệm lớn lao mà một đại biểu Quốc hội cần làm, chưa biết phải làm sao để làm hết trọng trách của người đại biểu dân cử. Tuy nhiên, chính sự tín nhiệm của nhân dân là động lực để các đại biểu nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, như lời ông Phan Minh Tánh: "Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi để làm tốt nhất vai trò của đại biểu Quốc hội".

Dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng những Đại biểu Quốc hội năm xưa vẫn mang trong mình tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm lớn lao với đất nước và họ luôn kỳ vọng những "hậu bối" sẽ tiếp tục phát huy tinh thần của thế hệ trước, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, luôn gắn bó và gần gũi với nhân dân, thực sự trở thành người Đại biểu của nhân dân. Từ kinh nghiệm của bản thân qua 6 kỳ làm đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hoài Thu nhấn mạnh: "Mối quan hệ giữa đại biểu quốc hội với cử tri hơn cả sự gắn kết thông thường, đó là sự gắn bó máu thịt, đại biểu quốc hội vừa "chịu" sự giám sát của cử tri và vừa "được" sự giám sát của cử tri. Tất cả mọi công việc cũng như đối nhân xử thế trong cuộc sống đời thường cũng phải luôn luôn đặt trong tình trạng chịu sự giám sát của cử tri". Để gần dân và hiểu dân, bên cạnh việc tiếp xúc cử tri theo luật, đại biểu Quốc hội phải tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe cử tri mọi lúc mọi nơi để nắm bắt thông tin sâu sát và luôn luôn quan tâm đến những việc cử tri cần. "Kinh nghiệm thực tế cho thấy, đại biểu Quốc hội thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ cử tri càng nhiều thì sẽ có được nhiều ý kiến đóng góp sắc đáng cho Quốc hội và nói được tiếng nói của cử tri" bà Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ.

Theo ông Phan Minh Tánh, cùng với sự phát triển của đất nước, hoạt động của Quốc hội ngày nay đã có nhiều sự thay đổi tích cực và hiệu quả hơn. Các đại biểu ngày càng thể hiện rõ vai trò người đại diện cho nhân dân, trong đó có nhiều đại biểu là nữ, người trẻ đã làm tốt vai trò của mình, những phát biểu tại các kỳ họp có chất lượng tốt. Cùng nhận định trên, ông Phạm Học Lâm chia sẻ, những năm gần đây Quốc hội hoạt động rất sôi nổi, nhất là hoạt động chất vấn được đổi mới thường xuyên, nội dung chất vấn rất hay và hiệu quả giải đáp được những vấn đề thắc mắc, bức xúc của người dân. Đại biểu Quốc hội đã làm tốt vai trò đại diện nhân dân.

Trải qua 13 khóa, Quốc hội Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh và không ngừng đổi mới. Mỗi kỳ Quốc hội có những sự kiện, ấn tượng riêng, nhưng Quốc hội khóa I và khóa VI có một vị trí, ý nghĩa đặc biệt và sẽ không phai mờ trong tâm trí của những đại biểu năm xưa. Đây cũng là những kinh nghiệm quý báu để các đại biểu ngày nay noi theo, phát huy tinh thần của "tiền bối" năm xưa, không ngừng đổi mới để đưa đất nước phát triển và mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

TIẾN LỰC - THU HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết