21/06/2008 - 21:00

Những khoảnh khắc sống mãi...

Trong một chuyến công tác Thủ đô Hà Nội dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam, tôi đến Bảo tàng lịch sử xem trưng bày hình ảnh phụ nữ miền Nam trong kháng chiến. Gian phòng triển lãm nổi bật với bức ảnh đen trắng: tác phẩm “Nữ du kích Hòa Tú”. Bức ảnh rất tự nhiên và đẹp một cách khó tả. Ánh sáng nghiêng làm nổi khối nhân vật và tạo chiều sâu ấn tượng. Năm 1972, nhà báo Minh Trường, đã kịp thời bấm máy ghi lại khoảnh khắc sống động này...

Những bức ảnh đó, đã kích thích chúng tôi tìm hiểu về hoạt động nhiếp ảnh trong kháng chiến ở tỉnh Sóc Trăng, nhân dịp kỷ niệm 83 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2008.

* Câu chuyện của những người trong ảnh

Nhờ đường giao thông nông thôn thuận lợi nên chẳng mấy khó khăn chúng tôi đã tìm ra ngôi nhà của người du kích năm xưa. Người phụ nữ trung niên bước ra ngỡ ngàng chào mọi người. Tuy chị đã có tuổi nhưng trông vẫn còn dáng dấp của một phụ nữ đẹp: cao, vẻ mặt thanh tú, hiền hậu. Chúng tôi vào thẳng vấn đề tìm hiểu chuyện ra đời bức ảnh “Nữ du kích Hòa Tú” đã được giới thiệu trên Internet ra khắp thế giới.

Chị tên thật là Lâm Thị Đẹp, con cả của một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hòa Tú Anh hùng, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Năm đó vừa tròn 18 tuổi, chị là một trong những hoa khôi trong làng và là thành viên của đội du kích nữ do chị Ba Xuyến làm đội trưởng. Chị Đẹp hồi tưởng, đêm hôm đó, lực lượng xã đội đi đánh đồn Kinh Ngay, đội nữ du kích được giao nhiệm vụ hậu cần, cứu thương. Cuộc tập kích còn kéo dài, quyết liệt. Sáng ra đội du kích nữ được phân công đi tiếp tế lương thực. Trên đường băng qua một cánh đồng, chị Đẹp gặp các anh phóng viên đang tác nghiệp. Một trong những phóng viên ảnh đã lia máy chụp thật nhanh khiến chị còn không hay biết. Đến sau ngày hòa bình lập lại 30-4-1975, chị Đẹp mới thấy bức ảnh được đăng báo. Phải nói thêm là đợt chụp ảnh còn có những bức ảnh cả đội du kích nữ Hòa Tú - Gia Hòa đang chuẩn bị hành quân hay hội họp bàn kế hoạch công tác. Những bức ảnh đen trắng nhưng với đường nét ánh sáng và độ đậm nhạt khác nhau cho người xem hiểu được bức tranh sinh động, đầy sắc màu của cuộc sống và con người trong kháng chiến.

 

 Bức ảnh “Nữ du kích Hòa Tú”.   Và chị Lâm Thị Đẹp nhân vật trong ảnh hiện nay.

Trong lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng, còn có một bức ảnh về một nữ du kích đã đi vào tâm trí của tuổi trẻ bằng những ấn tượng sâu đậm về sự dũng cảm kiên cường của người phụ nữ trong kháng chiến. Đó là bức ảnh “Nữ du kích Ngã Năm”. Nhân vật của bức ảnh là Anh hùng lực lượng vũ trang Lưu Nguyệt Hồng, nguyên là Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng.

Những trang sử vàng ghi về chiến trường Ngã Năm là những bản anh hùng ca, chất chứa kỷ niệm sâu đậm về tình đất, tình người thật bao dung của con người Việt Nam trong chiến tranh.

Câu chuyện ra đời bức ảnh “Nữ du kích Ngã Năm” của chị Hồng là một thực tế thật sống động. Chị Hồng vốn là một phụ nữ thẳng tính và không kiểu cách. Các nhà báo phải bám vào lưng vách chiến hào để chụp cảnh chị đang chiến đấu. Đó là chân dung đặc tả một gương mặt phụ nữ trẻ đang tập trung ngắm bắn bằng súng trường. Tư thế tuy hào hùng nhưng vẫn toát lên vẻ nữ tính. Những năm đó, chứng kiến sự tàn bạo của quân thù gieo rắc trên quê hương mình, nhất là cái chết anh dũng của chồng, người liệt sĩ trung kiên, chị đã trở thành một nữ chiến sĩ xem cái chết “nhẹ tợ lông hồng”. Từ đó, chị Hồng vào nữ du kích, rồi thành người chỉ huy xuất sắc. Nhưng với chị điều đó là lẽ đương nhiên. Bây giờ xem lại bức ảnh cũ, chị vẫn xúc động: “Tất cả phụ nữ Việt Nam đều sẽ đứng lên đấu tranh và chiến đấu ngoan cường khi ở vào hoàn cảnh như tôi!”.

* Những người làm báo ảnh

Một lần dự hội thảo về báo chí cách mạng ở thành phố Hồ Chí Minh, cánh nhà báo trẻ chúng tôi có dịp gặp các nhà báo lão làng. Buổi trò chuyện xoay quanh đề tài nguồn tư liệu kháng chiến. Một chuyên gia về nhiếp ảnh đánh giá cao về kho tư liệu ảnh kháng chiến của anh Năm Ân (đồng chí Huỳnh Thanh Ân, Giám đốc Đài PTTH, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh).

Trở lại Sóc Trăng, khi nghe tôi có ý định tham quan kho tư liệu riêng của anh. Thoáng do dự, anh Năm Ân vui vẻ đồng ý, nhưng “đính chính” rằng đây không phải là ảnh nghệ thuật, mà đó chỉ là những bức ảnh của cá nhân do anh chụp để làm kỷ niệm.

Anh Năm Ân lôi ra những chiếc thùng đạn sắt ngày xưa được bảo quản cẩn thận, chứa cơ man nào là phim ảnh đen trắng được gói kín trong giấy bóng mờ theo cách lưu giữ phim ngày xưa. Rất nhiều những hình ảnh rất đỗi thân quen của miền quê Sóc Trăng với cảnh sinh hoạt bình dị thường ngày: Đó là buổi biểu diễn văn nghệ, những lúc làm đồng của nông dân mà trên lưng còn đeo súng trường hay những dòng sông quê mượt mà trong ánh hoàng hôn chứa đầy chất thơ mà trong khoảnh khắc đã được thu tóm vào ống kính... phản ánh sự lạc quan, sức sống mãnh liệt của con người nông thôn trong kháng chiến. Có những bức ảnh chụp cảnh múa lân trước Đền thờ Bác Hồ ở Cù Lao Dung, cảnh chiếu phim ở rừng tràm Mỹ Phước, đoàn văn công đang biểu diễn múa mừng công ở Mỹ Tú. Hay ảnh viếng nghĩa trang vùng giải phóng trong ngày tết, ảnh chụp người dân gói bánh tét tặng các chiến sĩ để bám trụ chống càn... dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, những hoạt động mừng xuân trong chiến khu vẫn bừng lên mạnh mẽ.

Nào là ảnh chụp đoàn dân y ở Thạnh Trị hành quân với cả nồi niêu xoong chảo để vừa cứu thương vừa lo hậu cần. Này là ảnh đoàn quân tiến vào tiếp quản thị xã Sóc Trăng trong ngày 30-4-1975 với những chiến sĩ chân đất và ánh nhìn hiếu kỳ của người dân thành thị. Ấn tượng nhất là bức ảnh những chiến sĩ cách mạng vây đánh chiếm đồn Thuận Hòa, trên Quốc lộ 1A, một trong những chiến công vẻ vang đầy mưu trí của khu ủy Tây Nam bộ. Qua các bức ảnh, người xem đủ hình dung ra những nỗi gian khó của các nhà báo ảnh trong kháng chiến... Những hình ảnh là khoảnh khắc tự nhiên, không dàn dựng đã giúp người xem hình dung ra cuộc sống trong thời gian chiến tranh ác liệt của những người đi trước.

Nhà báo lão thành Nguyễn Hoàng Sơn (Ba Tấn) thường nhắc về thời làm báo trong chiến khu như khoảng thời gian đầy ắp những tình cảm giữa nhân dân đối với cách mạng. Những người có công gầy dựng nguồn tư liệu ảnh cách mạng ở Sóc Trăng là các ông Thái Thành Long (Tư Hình), Ngô Việt Lâm, Trương Việt Đoàn, Huỳnh Thanh Ân... Nhà báo lão thành Nguyễn Hoàng Sơn kể lại, lúc đó dù bất cứ hoàn cảnh nào, Tổ nhiếp ảnh vẫn đảm bảo hoạt động liên tục, cung cấp hình ảnh phục vụ tuyên truyền cho cách mạng. Mọi người có những sáng kiến như tráng phim bằng chiếc thùng đạn, rọi ảnh bằng đèn măng-xông hay lấy ánh sáng mặt trời qua các thấu kính tự tạo... đã cho ra đời hàng loạt bức ảnh rõ nét và giàu tính nghệ thuật... ghi lại những khoảnh khắc của con người trong chiến tranh.

Thời gian sẽ qua đi nhưng với những khoảnh khắc bi hùng, lạc quan trong kháng chiến của những người đi trước được các bức ảnh sống động, chân thật lưu giữ lại. Và đó là những sản phẩm ra đời từ những trái tim cháy bỏng lửa cách mạng của những nhà báo cách mạng ở Sóc Trăng.

Bài, ảnh: Tấn Phúc

Chia sẻ bài viết