12/04/2007 - 18:34

Những giọt máu nghĩa tình...

“... Máu của bạn có thể cứu được tính mạng nhiều người bệnh, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình họ. Máu cứu người ở ngay trong trái tim của mỗi chúng ta...”. Đó là thông điệp gởi đến những ai đã, đang và sẽ tình nguyện hiến những giọt máu của mình để giành sự sống cho người bệnh… và cũng là tâm nguyện của những thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) hiến máu nhân đạo (HMNĐ) ở Trường Đại học Y Dược Cần Thơ...

Bên bờ sống, chết…

Trong căn phòng nhỏ ở khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ, sản phụ Nguyễn Thị Ngọc cứ đưa mắt ngắm đứa con trai kháu khỉnh đang nằm ngủ cạnh mẹ. Để đứa bé chào đời bình an, người mẹ vừa phải “vượt cạn” rất khó khăn, vất vả... với sự giúp đỡ, tiếp sức của nhiều người, trong đó có những giọt máu của những người tình nguyện. Sáng 27-3-2007, Khoa Sản, BVĐKTƯ Cần Thơ tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Ngọc trong tình trạng thiếu máu nặng, niêm mạc nhợt nhạt, mạch bằng 0, huyết áp bằng 0, âm đạo chảy máu đỏ tươi, ngưng thở. Chẩn đoán, bệnh nhân bị băng huyết sau khi sanh, ngay lập tức, ê-kíp trực gồm có các bác sĩ Cao Văn Nhựt, Võ Đông Hải, Nguyễn Duy Linh (bác sĩ gây mê hồi sức) cùng một số cộng sự đã dốc sức để cứu bệnh nhân. Ê – kíp trực vừa đặt nội khí quản, vừa hồi sức và chuyển ngay lập tức sang phòng mổ để phẫu thuật cầm máu, bơm máu cho bệnh nhân trong quá trình mổ... Bác sĩ Cao Văn Nhựt, Quyền Trưởng khoa Sản, BVĐKTƯ Cần Thơ, cho biết: “Bệnh nhân được cứu sống như một kỳ tích. Chúng tôi đã sử dụng 4 đơn vị máu loại O của bệnh viện nhưng vì sản phụ mất máu quá nhiều, cần nhiều máu tươi. Nếu không nhờ 9 sinh viên Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Cần Thơ hiến 9 đơn vị máu tươi truyền kịp thời, có lẽ...”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc đang được mẹ săn sóc sau ca phẫu thuật.

Sau 8 ngày điều trị, chị Ngọc đã được bơm vào cơ thể 19 đơn vị máu, (1 đơn vị = 250 ml) vết mổ lành tốt. Theo đánh giá của bác sĩ, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm, có thể xuất viện sau vài ngày. Gia đình chị Ngọc quê huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, thường trú ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, gia cảnh cũng rất khó khăn. Bà Lý Thị Hồng, mẹ chị Ngọc, rơm rớm nước mắt kể: “Sợ quá cô ạ! Nghe bác sĩ nói là cháu khó qua khỏi vì mất quá nhiều máu, nhưng còn nước còn tát... May nhờ các bác sĩ tận tình và các cô cậu sinh viên có lòng tốt hiến máu cứu con tôi. Dù chưa biết tên, biết mặt họ nhưng tôi rất mang ơn...”.

Gặp chị Lương Thị Minh Thư, chuyên viên của Trường ĐHYD Cần Thơ, phẫu thuật mổ tim ở TP Hồ Chí Minh vừa trở về, cũng trong tâm trạng bồi hồi, đầy cảm động trước tấm lòng của những sinh viên tình nguyện. Sau ca phẫu thuật vài tháng, sức khỏe của chị đã bình phục, chị tâm sự: “Tôi có thể sống, làm việc tốt như hôm nay cũng nhờ lượng máu tươi của sinh viên Trường ĐHYD Cần Thơ hiến tặng. Tôi không ngờ các bạn cất công lên tận TP Hồ Chí Minh, bất kể ảnh hưởng việc học hành, đường xá sa xôi... Tôi cảm thấy thật hạnh phúc”.

Chị Thư bị bệnh tim bẩm sinh. Mỗi khi làm việc quá sức hay nặng nhọc, chị đều bị triệu chứng khó thở, mệt nhọc... Bác sĩ bệnh viện chẩn đoán bệnh có khả năng chuyển biến xấu, cần phải phẫu thuật. Qua lần xét nghiệm đầu tiên, bác sĩ khuyến cáo cần nhiều lượng máu tươi (nhóm B) để truyền trong lúc mổ, nhưng Bệnh viện đang thiếu nhóm máu này. Lúc đó, 5 sinh viên Trường ĐHYD Cần Thơ tình nguyện “tháp tùng” theo xe của trường để hiến máu. Lần xét nghiệm kế tiếp, bệnh viện đã lấy máu của 4 sinh viên để thực hiện phẫu thuật. Chị Thư kể: “Tôi thực sự xúc động trước tấm lòng của các sinh viên, có trường hợp nữ sinh viên tình nguyện hiến máu nhưng vì ốm yếu, không đủ cân nặng, bác sĩ bệnh viện phải từ chối... Khi lên ca mổ, tôi như có thêm sức mạnh, ý chí sinh tồn để không phụ tấm lòng lo lắng của thầy cô và các sinh viên...”.

Không chỉ ở trường hợp chị Ngọc, chị Thư mà còn nhiều ca bệnh nặng khác đã được những người tình nguyện nói chung, những sinh viên của Trường ĐHYD Cần Thơ nói riêng, hiến tặng giọt máu của mình để mang lại sự sống cho họ.

Nhiều lắm... những tấm lòng

“A lô, phải ạ, tôi là thành viên của CLB HMNĐ, Trường ĐHYD Cần Thơ đây. Dạ... cần máu tươi nhóm B để cấp cứu một ca bị xuất huyết tiêu hóa à. Bác đợi một chút, để tôi gọi các bạn vô bệnh viện ngay...”- Nguyễn Văn Thừa, sinh viên ngành Y khóa 27, Chủ nhiệm CLB HMNĐ, Trường ĐHYD Cần Thơ, vừa buông điện thoại lại quay sang hối hả liên hệ với những thành viên khác trong CLB. Chỉ sau 5-10 phút, 4 sinh viên khác ở Ký túc xá, Trừơng Đại học Cần Thơ đã xuất hiện. Người đạp xe đạp, người chạy xe gắn máy, chạy một mạch đến chỗ hẹn, sẵn sàng đến BVĐKTƯ Cần Thơ, bất kể trời nắng như đổ lửa. Nhưng sau ít phút, bệnh viện báo là ca bệnh đã được xử lý tốt, không cần cho máu nữa... Các sinh viên vui vẻ chào nhau ra về... Thừa cười phân bua: “Bất kể giờ nào, khi bệnh viện cần nguồn máu tươi, các thành viên trong Câu lạc bộ đều sẵn sàng. Tuy có cực nhưng tụi em thấy việc làm này rất có ý nghĩa”.

4 năm hoạt động trong CLB HMNĐ, Trường ĐHYD Cần Thơ, Thừa đã có trên 10 lần tham gia hiến máu định kỳ và 5-6 lần hiến máu tươi cho người bệnh. Mỗi lần tham gia hiến máu, cứu sống bệnh nhân, Thừa và các bạn về đều có cùng cảm giác: Hạnh phúc! Như trường hợp ca bệnh bị xuất huyết tiêu hóa nặng xảy ra cách đây 2 năm, Thừa cùng một thành viên khác trong CLB đã hiến 2 đơn vị máu tươi để cứu sống bệnh nhân. Không chỉ vậy, biết được hoàn cảnh của người bệnh khó khăn, Ban Chủ nhiệm CLB thống nhất trích một phần chi phí để hỗ trợ... Đợt phẫu thuật mổ tim cho chị Thư, Thừa cũng là một 5 sinh viên đã tình nguyện hiến máu, dù trước đó không lâu, Thừa mới vừa hiến máu định kỳ, sức khỏe chưa hồi phục hẳn... Tương tự, hai bạn Lâm Thảo Cường và Phạm Tuấn Mạnh, sinh viên lớp Y khóa 29, trong nhóm sinh viên hiến máu tươi cứu sống sản phụ Nguyễn Thị Ngọc, có cùng suy nghĩ : “Hiến máu không chỉ cứu bệnh nhân mà còn là dịp để kiểm tra sức khỏe. Quan trọng là rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thăm khám bệnh”. Còn Cường thì vui vẻ kể: “Hôm đó, tụi em “cúp cua” nửa tiếng của tiết thứ 2 để hiến máu. Sau đó, chạy nhanh về lớp để học mấy tiết sau. Tiết học lại đúng vào bài xử lý trường hợp sản phụ băng huyết sau khi sanh lý thuyết kết hợp với thực hành, chúng em nhớ bài học rõ và sâu hơn...”. Trong một lần vào bệnh viện, Mạnh và Cường cùng chứng kiến ca bệnh bị dao đâm trọng thương, phải xoa bóp tim liên tục nhưng vẫn không cứu sống được vì thiếu máu. Từ đó, cả hai ngày càng gắn bó với CLB... Cường nói: “Mỗi lần đến bệnh viện, chứng kiến tình trạng bệnh nhân thiếu máu mà không có đủ nguồn máu tại chỗ để cung cấp, em rất buồn và mong có cách nào để lưu trữ nguồn máu thường xuyên? Em nghĩ nên chăng có sự khuấy động phong trào HMNĐ không chỉ ở sinh viên Trường ĐHYD Cần Thơ, ĐHCT mà cả các sinh viên của những trường khác”...

Cần lắm sự sẻ chia

Qua 10 năm hoạt động, CLB HMNĐ ở Trường ĐHYD Cần Thơ, với 50 thành viên và đã thành lập Ngân hàng máu sống. Bình quân hàng năm, CLB cung cấp trên 1.000 đơn vị máu cho các bệnh viện thành phố. Năm 2006, CLB đã tổ chức 16 đợt HMNĐ cho sinh viên Trường ĐHYD Cần Thơ và ĐHCT, với 14.000 đơn vị máu. Ngoài ra, CLB cũng đã cung cấp 30 đơn vị tươi để cứu sống bệnh nhân. Thạc sĩ bác sĩ Hồ Thị Tuyết, Điều phối viên Dự án Trung tâm truyền máu khu vực Cần Thơ, đánh giá: “ Vài năm gần đây, phong trào HMNĐ trên địa bàn thành phố nói chung, trong sinh viên nói riêng ngày càng phát triển sâu rộng và có tính chuyên nghiệp hơn . Tiêu biểu là CLB HMNĐ ở Trường ĐHYD Cần Thơ”.

Quả thật, những năm gần đây, công tác vận động HMNĐ, thu gom máu được tổ chức “bài bản” và chủ động hơn. Trước khi tổ chức đợt HMNĐ, Trung tâm Huyết học - Truyền máu khu vực Cần Thơ tiến hành khảo sát đối tượng, tư vấn rất kỹ. Nếu như người hiến máu đạt yêu cầu về sức khỏe sẽ được rút máu. Quy trình máu đến với người bệnh phải qua các bước: Tuyên truyền người khỏe mạnh hiến máu; thu gom máu; xét nghiệm sàn lọc; sản xuất chế phẩm máu; lưu trữ, bảo quản và xét nghiệm hòa hợp, cuối cùng mới truyền cho người bệnh. Thạc sĩ, bác sĩ Tuyết nói: “Mỗi nhóm máu đều có giá trị riêng, máu tươi hay máu lưu trữ đều quan trọng đối với người bệnh. Một người cho 1 đơn vị máu là có thể cứu sống 3 người bệnh. Vì máu có thể chia thành 3 thành phần là tiểu cầu, yếu tố đông máu và hồng cầu. Tùy theo tình hình mà có thể sử dụng lượng máu”.

Theo khảo sát, đánh giá của y bác sĩ ở các bệnh viện, trong số các đối tượng cho máu thì sinh viên, học sinh có lượng máu đảm bảo đủ về số lượng, lẫn về chất lượng. Đây cũng là lực lượng chiếm số lượng khá cao. Tuy nhiên, thực tế hoạt động phong trào HMNĐ vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối tượng hiến máu tươi. Bác sĩ Cao Văn Nhựt nói: “Sinh viên hiến máu tươi đa phần là không hưởng bất kỳ quyền lợi nào; trong khi đó, hoàn cảnh của sinh viên hết sức khó khăn. Đôi khi, sinh viên chỉ uống ly nước lọc, hiến máu xong rồi từ giã về một cách âm thầm. Thiết nghĩ nên có chính sách đãi ngộ để khuyến khích lực lượng sinh viên tham gia đông đảo hơn...”. Theo Thạc sĩ Tuyết, sắp tới, sẽ nhân rộng mô hình CLB HMNĐ ở Trường ĐHYD Cần Thơ cho các đơn vị trường khác; tổ chức điểm HMNĐ, thành lập phòng tiếp nhận người cho máu để những ai tình nguyện đều có thể đến đó. Đồng thời, tổ chức vinh danh đối với những người cho máu...

***

Từ giã những sinh viên tình nguyện như Thừa, Mạnh, Cường..., tôi cứ nhớ mãi đôi mắt lo âu của Thừa khi nhận được cú điện thoại từ phía bệnh viện cần cho máu, nhớ những sinh viên vội vã đạp xe đi cứu người, lưng ướt đẫm mồ hôi mà miệng cười tươi, và nhớ thông điệp gởi đến những người tình nguyện “...Máu cứu người ở ngay trong trái tim của mỗi chúng ta...”

Ghi chép: Bích Kiên

Chia sẻ bài viết