13/02/2015 - 15:04

Những giám đốc “hai lúa” năng động!

Họ là nông dân, có năng lực sản xuất, uy tín và khả năng quy tụ những nông dân khác. Họ được hội đồng quản trị tín nhiệm và bầu giữ chức vụ giám đốc những hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Ở cương vị mới, nhờ bản tính năng động, không ngừng học hỏi, những giám đốc “hai lúa” đã làm tốt vai trò của mình, đưa tập thể không ngừng phát triển.

* Nổi như cồn Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ

Thương hiệu Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ ngày càng có tiếng. Nhưng ít ai biết, công đầu của thành quả này thuộc về ông Nguyễn Văn Thân (tên thường gọi là Mười Thân) ngụ ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Ngày trước, 2ha vườn của ông Mười Thân trồng xoài nhưng không hiệu quả. Tìm hiểu, đi tham quan thực tế và bị mê hoặc bởi cây thanh long ruột đỏ, thế là sau nhiều vụ xoài thất bát, năm 2006, ông Mười Thân khăn gói lên Viện Cây ăn quả Miền Nam mua hom giống và học kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ. “Ban đầu tôi trồng chỉ có 100 trụ. Sau 1 năm, trụ nào cũng cho trái rất sai, mê lắm. Ham quá, tôi dần dần chuyển toàn bộ vườn xoài để trồng khoảng 2.200 trụ và có thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/năm” – ông nói.

Nghe ông Mười Thân nói tưởng chừng dễ, nhưng đó là cả một quá trình dài. Những năm đầu, thanh long ruột đỏ bán ra thị trường với giá “rẻ mạt”, thậm chí nhiều lúc không ai mua, phải đổ bỏ. Nhiều người cho rằng, ruột thanh long có màu đỏ do bị bơm hóa chất, ăn vào không tốt cho sức khỏe. Ông Mười Thân phải “chạy đôn, chạy đáo” từ Trà Vinh qua Vĩnh Long, Cần Thơ, rồi lên Tiền Giang, Long An tìm nơi tiêu thụ. Nhìn mẫu mã trái thanh long ruột đỏ do ông trồng có màu sắc sáng bóng, đẹp, khi ăn có độ ngọt thanh, nhiều chủ vựa cây ăn trái nhận mua hàng. Chuyện làm ăn của ông Mười Thân theo đó “nở nồi”. Nhiều nhà vườn ở ấp Đại Đức chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Nông dân Lê Văn Bảy ngụ ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, chia sẻ: “Hơn 4 năm qua, học theo anh Mười Thân, tôi chuyển 2 công vườn trồng xoài, trồng bưởi… để trồng 200 trụ thanh long ruột đỏ. Mới năm rồi, trừ hết chi phí, tôi còn lời khoảng 40 triệu đồng… Nhờ cây thanh long ruột đỏ mà gia đình tôi và nhiều người dân nơi đây đỡ vất vả”.

Ông Mười Thân - Giám đốc HTX Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ (đứng trong) cùng xã viên Lê Văn Bảy bên vườn thanh long vụ nghịch mùa Tết 2015. Ảnh: T.LONG 

Giám đốc Huỳnh Thanh Bình (đứng bên trái) đi thăm ao cá của xã viên HTX Thắng Lợi. Ảnh: T.LONG 

Khi diện tích thanh long ở ấp Đại Đức lên đến hàng chục héc-ta, thấy nhu cầu cần liên kết để giải quyết đầu ra, ông Mười Thân và một số nhà vườn thành lập Tổ hợp tác Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ. Ông Mười Thân chủ động liên hệ với ngành nông nghiệp địa phương, Viện Cây ăn quả Miền Nam… chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người trồng. Để tiếp thị sản phẩm, ông tìm hiểu và tham gia nhiều hội thi trái ngon an toàn ở địa phương, khu vực ĐBSCL và đạt nhiều giải cao. Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ từ đó được nhiều người chú ý. “Năm 2013, Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ xuất khẩu thành công 2 tấn trái qua thị trường Mỹ thông qua Công ty TNHH NiNa Hoàng (TP HCM). Theo doanh nghiệp và ngành chức năng, Mỹ là thị trường khó tính. Được thị trường này “ăn hàng”, chứng tỏ hướng đi của chúng tôi là đúng”, ông Mười Thân chia sẻ. Sau khi “Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ” được công nhận quyền sở hữu trí tuệ, năm 2013, Tổ hợp tác nâng cấp thành HTX và ông Mười Thân được tín nhiệm bầu làm Giám đốc. Với vai trò mới, Giám đốc Mười Thân cùng Hội đồng Quản trị HTX tổ chức thu mua, chuyên chở thanh long của xã viên đến các vựa lớn ở Tiền Giang, Long An... Nhờ vậy, xã viên HTX không phải lo đầu ra.

Cuối năm ngoái, chúng tôi về ấp Đại Đức cũng là lúc nhiều xã viên HTX Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ chong đèn để thanh long cho trái vào dịp Tết Nguyên đán 2015. Ghé vườn thanh long của ông Lê Văn Bảy, cùng lúc chúng tôi gặp Giám đốc Mười Thân và nhiều xã viên khác đang bàn chuyện làm ăn năm mới. Chỉ tay về nơi có những trụ thanh long đang trổ hoa, sáng bừng dưới ánh nắng sớm, ông Lê Văn Bảy khoe: “Vụ nghịch vừa rồi, trái nào trái nấy từ 700-800gram, bán được 48.000 đồng/kg… Vườn thanh long mới nở hồi tối, nhiều bông to lắm. Tết này chắc sẽ kiếm được lời kha khá”. “Năm 2014, thông qua Công ty Nông sản Việt S, tỉnh Đồng Tháp, gần 5 tấn sản phẩm mang nhãn hiệu “Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ” xuất khẩu thành công qua Mỹ. Mới đây, nhóm doanh nhân người Mỹ vào HTX khảo sát. Nếu không có gì thay đổi, đầu năm mới này, HTX sẽ có hợp đồng xuất khẩu với số lượng lớn rải đều trong năm” – Giám đốc Mười Thân kỳ vọng. Hiện, HTX Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ có 36 thành viên, diện tích 46,6ha và sản lượng đạt khoảng 960 tấn/năm. Năm 2014, 14/36 thành viên HTX được trao giấy chứng nhận VietGAP.

* Niềm tin cho người nuôi cá tra ở Vĩnh Bình

Câu chuyện “nhà nhà nuôi cá tra, người người nuôi cá tra” rơi vào cảnh lỗ lã, phá sản hàng loạt từ năm 2009 đến nay đã không còn là chuyện lạ ở ĐBSCL. Trong bối cảnh tưởng chừng cùng cực ấy, nhiều hộ nông dân cá thể ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đã liên kết lại, chọn mô hình HTX làm hướng mở… Tháng 1-2009, HTX nông nghiệp – thủy sản Thắng Lợi (gọi tắt HTX Thắng Lợi) chính thức thành lập và ông Huỳnh Thanh Bình, một trong những sáng lập viên được bầu làm Chủ nhiệm. Vào kỳ đại hội xã viên gần đây nhất, ông được Hội đồng quản trị HTX tín nhiệm bầu làm Giám đốc.

Ông Bình cũng là người nuôi cá tra xuất khẩu có tiếng nhưng không ít lần chịu cảnh thua lỗ. “Nuôi cá tra cần vốn rất lớn. Mỗi ao nuôi 3.000m2, sản lượng 150 tấn, tiền đầu tư từ 3-4 tỉ đồng. Nhưng người nuôi dễ bị thua lỗ, phá sản nếu thiếu vốn, giá thành nuôi cá cao do thiếu kỹ thuật; đồng thời, dễ gặp nhiều rủi ro, bất lợi về giá cả đầu ra. Hiểu được điều này, ngay từ khi thành lập, tôi và Hội đồng quản trị HTX bàn bạc và đi đến thống nhất: Phải có giải pháp từng bước tháo gỡ những khó khăn thì HTX mới phát triển bài bản, căn cơ!”- ông Bình chia sẻ.

Thành viên HTX Thắng Lợi có nhiều kinh nghiệm trong nuôi cá tra xuất khẩu, nên không quá khó để cùng nhau hợp tác, truyền đạt, áp dụng kỹ thuật sao cho cá nuôi có năng suất cao, hiệu quả. Vấn đề cốt lõi còn lại là giải quyết đầu ra ổn định, chắc chắn, phải đảm bảo cho xã viên, HTX có lãi. Trước tiên, HTX tổ chức dịch vụ cung cấp thức ăn (chủ yếu từ lúc thả con giống đến cá đạt trọng lượng từ 5-10con/kg), thuốc thú y, các chế phẩm nâng cao chất lượng cá... Giải quyết đầu ra, bằng tất cả các mối quan hệ từ trước, Giám đốc Huỳnh Thanh Bình “gõ cửa” từng nhà máy, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL. Sau khi phân tích, HTX quyết định ký hợp đồng với Công ty Sao Mai An Giang bao tiêu sản phẩm giá cố định.

Dù những năm đầu kết quả khả quan, nhưng theo Giám đốc Huỳnh Thanh Bình, thực tế cho thấy, cách làm này vẫn còn hạn chế. Người nuôi có thể gặp bất lợi do công ty trả chậm (có lúc lên đến 6 tháng) dẫn đến tình trạng thiếu vốn để tái đầu tư. Ngoài ra, do công ty hỗ trợ thức ăn nên khi giá thức ăn tăng làm giá thành sản phẩm tăng, người nuôi dễ bị lỗ vì bán theo giá cố định theo hợp đồng. “Cần thiết phải giải quyết khâu đầu tư và tiêu thụ cho xã viên một cách căn cơ thông qua hợp đồng với doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi bàn bạc thống nhất trong nội bộ, tôi quyết định đàm phán với công ty theo phương thức hợp tác. Nghĩa là, công ty định giá trị 1,7 kg thức ăn cho 1 kg cá tăng trọng. Trên cơ sở đó, công ty cung cấp thức ăn, thuốc, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. HTX ký hợp đồng sản lượng, rồi tổ chức nuôi, hưởng giá trị trên cơ sở sản lượng nuôi và phần chi phí tiết kiệm được trong khi nuôi. Cách làm này giúp hộ xã viên không phải nặng lo về vốn hoặc gặp phải rủi ro vay vốn bên ngoài. Điều quan trọng nhất là sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết. Người nuôi chỉ cần nuôi đạt yêu cầu theo hợp đồng với chi phí tiết kiệm là có lãi tương đối ổn định” - Giám đốc Huỳnh Thanh Bình nói.

Có cách làm ăn tốt, tất cả xã viên HTX Thắng Lợi đều tán thành, thực hiện tốt hợp đồng với công ty. Vòng quay nuôi được hộ xã viên đầu tư liên tục, sản lượng tăng, tiết kiệm được chi phí khá lớn. Nếu như năm 2011 (năm chưa chuyển đổi phương thức nuôi), thu nhập bình quân của HTX đạt 253 triệu đồng/hộ thì sang năm 2012 con số này tăng lên 280 triệu đồng, năm 2013 đạt 304 triệu đồng và năm 2014 đạt 318 triệu đồng/hộ. Từ năm 2012 đến nay, xã viên HTX Thắng Lợi đều đạt lợi nhuận từ 1.000 – 1.500 đồng/kg cá thương phẩm. Đây là một khoản lợi nhuận mơ ước của nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL.

HTX Thắng Lợi hiện có 16 xã viên, tổng diện tích ao nuôi cá tra khoảng 320.000m2, vốn điều lệ 2 tỉ đồng. Dù địa bàn khá rộng, nhưng bất kể nắng mưa, hằng ngày, Giám đốc Huỳnh Thanh Bình cùng chiếc xe gắn máy gần như đi giáp các ao nuôi của xã viên để nắm tình hình sản xuất. Không chỉ vậy, ông cũng thường xuyên cập nhật thị trường, hoạt động của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra. Việc làm này, như ông nói: “Nhằm đưa ra những phương thức làm ăn phù hợp cho HTX khi cần thiết”. 5 năm kể từ khi thành lập, đúng như Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình – Hà Thanh Nhựt, nhận xét: “Sự ra đời kịp thời của HTX Thắng Lợi là một cứu cánh cho nghề nuôi cá tra ở địa phương. Với sự nhạy bén, năng động và quyết đoán của Giám đốc Huỳnh Thanh Bình, chính quyền địa phương, xã viên HTX Thắng Lợi đặt niềm tin tuyệt đối vào sự phát triển bền vững của HTX trong tương lai”.

Chia sẻ bài viết