02/03/2017 - 21:24

Những giải pháp công nghệ giúp giải quyết nạn đói toàn cầu

Cuộc cách mạng xanh thập niên 1960 đã đưa đến một nền nông nghiệp thịnh vượng tại châu Á, giúp cải thiện an ninh lương thực khi dân số tăng nhanh. Với mong muốn châu Phi cũng có được thành công tương tự và góp phần ngăn chặn nạn đói toàn cầu, Quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng nhà sáng lập Microsoft đang tài trợ một loạt dự án giúp nông dân lục địa đen phát triển nông nghiệp, dựa vào công nghệ.

Mạng xã hội WeFarm

Là lực lượng chính sản xuất lương thực cho thế giới, song nông dân là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát như biến đổi khí hậu, mất mùa, thị trường biến động và dịch bệnh trên cây trồng. Nhưng với sự ra đời của mạng xã hội WeFarm, nông dân có thể cập nhật thông tin liên quan đến cây trồng của mình.

WeFarm hoạt động rất đơn giản. Khi nông dân nhìn thấy điều bất thường trên cây trồng, anh ta gửi thắc mắc của mình đến tổng đài WeFarm tại địa phương. Câu hỏi sau đó được xử lý và gửi đến các thành viên được chọn lựa, câu trả lời hữu ích sẽ được đưa ra trong vòng vài phút. Ra đời từ năm 2015, mạng xã hội có hệ thống máy chủ và trụ sở tại Luân Đôn (Anh) đang được thử nghiệm tại Kenya, Uganda và Peru. Đến nay, hơn 120.000 nông dân đã sử dụng WeFarm và hơn 280.000 thắc mắc đã được giải đáp. "Chúng tôi đang giúp những hộ nông dân nhỏ lẻ khắp thế giới tiếp cận thông tin quan trọng một cách kịp thời" - Mwinyi Bwika, đại diện WeFarm tại Kenya, cho biết.

Nông dân Kenya học cách sử dụng ứng dụng chọn hạt giống Mbegu Choice.

Ứng dụng chọn hạt giống Mbegu Choice

Nhằm giúp nông dân chọn lựa hạt giống phù hợp để có thể sản xuất thực phẩm quanh năm và bất cứ khi nào họ cần, Công ty tư vấn Agri Experience cùng Hiệp hội Kinh doanh Hạt giống Kenya đã phát triển ứng dụng Mbegu Choice. "Đó là một cơ sở dữ liệu gồm tất cả cây trồng sẵn có tại Kenya" – Aline O’Connor, Giám đốc Agri Experience, cho hay. Theo bà, khoảng 42% người dân Kenya thiếu lương thực và thiếu sự đa dạng trong chế độ ăn uống, nên họ cần trồng nhiều loại cây khác nhau.

Mục tiêu của Mbegu Choice là giúp nông dân chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai nơi họ sinh sống, thông qua máy tính hoặc điện thoại nối mạng Internet. Theo đó, người nông dân chỉ cần cho biết hệ sinh thái địa phương và loại cây trồng mong muốn, nhu cầu trồng cây ngắn ngày hay loại cây chịu được hạn hán, dịch bệnh. Họ sẽ nhận được danh sách hạt giống phù hợp bằng tiếng Anh hoặc Swahili (tiếng địa phương). Hiện Mbegu Choice đã thu hút hơn 26.000 người dùng ở Kenya và 34.000 người dùng trên toàn cầu.

Dự báo hạn hán bằng điện thoại và vệ tinh

Không riêng gì vùng Sừng châu Phi – nơi bị hạn hán hầu như quanh năm, nhiều khu vực trên thế giới cũng hứng chịu nhiều tổn thất do hạn hán như giảm nguồn cung lương thực và thiếu nước, làm tăng nguy cơ cháy rừng, sản sinh côn trùng gây hại, bệnh truyền nhiễm và xói mòn đất do gió. Tại hầu hết các khu vực bị hạn hán, hơn 25% dân số bị đói và suy dinh dưỡng.

Nhằm hạn chế những nguy cơ nói trên, các chuyên gia tại Đại học Columbia (Mỹ) đang giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương cũng như nông dân dự báo hạn hán. Công việc của họ dựa trên kết quả nghiên cứu SATIDA của Đại học Công nghệ Vienna (Áo), trong đó, các chuyên gia thu thập dữ liệu vệ tinh để nhận diện xu hướng hạn hán, kết hợp với người dùng điện thoại thông minh ở mặt đất để biết tình hình hạn hán trên thực địa cùng các hoạt động ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực (như chiến tranh). Kết hợp thông tin toàn cầu và địa phương, họ có thể xác định nơi nào dễ bị hạn hán và giúp người dân chuẩn bị ứng phó.

Hiện nhóm chuyên gia Mỹ đang tiến hành 2 dự án hỗ trợ: một dự án giúp xác định khả năng xảy ra hạn hán để nông dân có thể nhận tiền bảo hiểm mất mùa, dự án còn lại là dự báo thời tiết 2 tuần/lần hoặc 1 tháng/lần nhằm giúp nông dân có phương hướng thay đổi hợp lý trong sản xuất lương thực.

TRÍ VĂN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết