Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH
Nhạc sĩ Hồ Hoàng, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, vừa ra mắt tập ca khúc thiếu nhi mang tên "Nắng mai" (do NXB Hội Nhà văn ấn hành). 100 ca khúc trong tuyển tập này được nhạc sĩ Hồ Hoàng phổ từ thơ của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng, với những giai điệu vui tươi, cảm xúc.
Tuyển tập ca khúc thiếu nhi “Nắng mai”.
Nhạc sĩ Hồ Hoàng được biết đến với nhiều ca khúc viết cho thiếu nhi. Trưởng thành từ công tác Ðoàn - Ðội, nhạc sĩ Hồ Hoàng dùng sở trường âm nhạc của mình để "thay lời muốn nói" cho các em thiếu nhi về những ước vọng, nghĩ suy trong trẻo, hồn nhiên. Trước đó, các tuyển tập ca khúc thiếu nhi của ông như "Bé và Trăng", "Bướm xuân"... được nhiều người yêu thích, nhiều sáng tác được chọn trình diễn trong các chương trình nghệ thuật.
Nói về cơ duyên phổ thơ Nguyễn Lãm Thắng trong "Nắng mai", nhạc sĩ Hồ Hoàng cho biết: Trong quá trình chuẩn bị cho tập bản thảo tập "Bướm xuân" (ấn hành năm 2021), ông có dịp tiếp cận thơ thiếu nhi của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng. Ngày qua ngày, danh mục ca khúc ông phổ thơ của nhà thơ xứ Quảng cứ dài thêm, với hàng trăm bài. "Nắng mai" tuyển chọn 100 ca khúc trong số hàng trăm bài đó, để gửi đến người yêu nhạc những giai điệu âm nhạc thiếu nhi vui tươi, rộn rã cùng ca từ dễ thương, dễ nhớ. "Ðây là tập ca khúc viết cho lứa tuổi thiếu niên - nhi đồng và mẫu giáo. Trong bối cảnh âm nhạc Việt Nam rất thiếu các sáng tác mới dành cho lứa tuổi này và trong lúc Hội Nhạc sĩ Việt Nam vận động các nhạc sĩ sáng tác thể loại âm nhạc này, tôi nghĩ việc ra đời của "Nắng mai" là điều cần thiết", nhạc sĩ Hồ Hoàng chia sẻ.
100 ca khúc trong "Nắng mai", nghe tên thôi đã thấy sự đáng yêu như "Bác chổi chà", "Cái nắng đi chơi", "Bé làm họa sĩ", "Chim chìa vôi", "Cô tập em viết"... Các ca khúc được thể hiện bằng nhịp điệu nhanh, rộn ràng, khúc chiết, dễ hát, phù hợp khi các em thiếu nhi thể hiện.
Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng hiện là giảng viên Trường Ðại học Sư phạm Huế, quê gốc ở Ðại Lộc, Quảng Nam. Ông là tác giả thế hệ 7X thành công ở thể loại thơ viết cho thiếu nhi. Nguyễn Lãm Thắng đã sáng tác trên 1.000 bài thơ thiếu nhi, trong đó có nhiều bài thơ nổi tiếng. Ðặc biệt, ông có đến 5 bài thơ được chọn để đưa vào 7 cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt. Những bài thơ thiếu nhi với từ ngữ giản dị, phù hợp lứa tuổi, mộc mạc và cuốn hút của Nguyễn Lãm Thắng được nhiều em nhỏ thuộc nằm lòng. Ví dụ như bài thơ "Hoa giấy" được chọn giới thiệu trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 1 (thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống): "Ai bảo là giấy/ Nắng không bạc màu?/ Ai bảo là giấy/ Mưa không ướt nhàu?/ Mỏng như là giấy/ Mưa nắng nào phai,/ Tên nghe rất mỏng/ Nhưng mà dẻo dai".
"Hoa giấy" cũng đã được nhạc sĩ Hồ Hoàng phổ thành ca khúc cùng tên trong tập "Nắng mới". Nhạc phổ thơ Nguyễn Lãm Thắng của nhạc sĩ Hồ Hoàng có ca từ không khác lời thơ là mấy. Theo nhạc sĩ Hồ Hoàng, thơ Nguyễn Lãm Thắng đọc lên đã như nghe có nhạc điệu ngân nga, từng dòng thơ như vừa vặn và khuôn nhạc. Cảm xúc của ông cứ vậy mà tuôn ra, viết thành ca khúc.
"Nắng mai" là món quà ý nghĩa dành cho thiếu nhi và những người yêu nhạc thiếu nhi, trong bối cảnh lực lượng sáng tác và tác phẩm ca khúc thiếu nhi ngày càng hiếm.