29/06/2019 - 09:17

Những điều thú vị về núi rừng Tây Nguyên 

Không gian núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ được nhà văn Nguyễn Hồng Chiến mở ra trước mặt bạn đọc bằng những câu chuyện thú vị, dễ thương qua tập truyện ngắn “Bí mật của H’Loan” (NXB Kim Đồng). Ở đó, có những bạn nhỏ hiếu học, tốt bụng, có các thầy cô giáo tận tâm, những nét văn hóa đặc trưng và những điều bí mật, đặc biệt…

12  truyện ngắn trong “Bí mật của H’Loan” là những mảnh ghép xinh xắn, tạo nên một bức tranh núi rừng đầy cuốn hút với trẻ thơ và cả người lớn.

Với vốn sống và kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Đắk Lắk, nhà văn Nguyễn Hồng Chiến thủ thỉ kể cho độc giả những câu chuyện đậm bản sắc văn hóa bản địa. Vùng đất Tây Nguyên hiện lên phóng khoáng và đậm chất phiêu lưu, khiến các thầy cô giáo, bạn học ở miền xuôi đến đây say đắm, thích thú khám phá những điều mới lạ. Nào là những khu rừng mai tuyệt đẹp, những chú chim phượng hoàng đất tranh nhau ăn trái gắm, cách lấy mật ong rừng sao cho an toàn, cách bắt cá bằng vỏ cây rừng, hay bắt con dúi trong hang... Đặc biệt, có những chuyện vô cùng hấp dẫn, kích thích trí tò mò, tưởng tượng của người đọc như: “Con khỉ trả ơn”, “Chúa rừng nổi giận”, “Truyền thuyết Chư Pai”, “Mùa thu mật”… Từng trang viết không chỉ miêu tả chân thực vẻ đẹp núi rừng của Tây Nguyên mà còn lồng vào đó những câu chuyện tâm linh ý nghĩa: những con vật như: khỉ, hổ, sơn dương, gấu… tưởng chừng vô tri nhưng lại rất có tình nghĩa, biết đền đáp ơn cứu mạng hay trừng phạt kẻ dám xúc phạm rừng thiêng. 

Nhân vật trong truyện phần lớn là trẻ em và bà con người Ê Đê. Nếp sống, phong tục tập quán đặc trưng được tác giả thể hiện rõ qua những chi tiết cụ thể, những buổi sinh hoạt cộng đồng hay đơn giản là buổi học, buổi đi rừng. Họ đều hiền hòa, chân chất, sống đơn giản nhưng mạnh mẽ và kiên cường như cây rừng. Đặc biệt, họ luôn giữ gìn lối sống gắn bó và hòa hợp, yêu quý thiên nhiên, tôn trọng rừng và các vị thần linh.

Ngoài ra, tập truyện còn có những cô bé, cậu bé miền xuôi lần đầu lên Tây Nguyên, bỡ ngỡ và tìm cách học hỏi cách sống giữa rừng núi. Từ những đứa trẻ xanh thụ động, chúng trở nên năng động, khỏe mạnh khi được sống trong không khí trong lành, được học hỏi và khám phá những điều mới lạ. Còn có những cô giáo, thầy giáo từ miền xuôi không ngại khó khăn đến với thiếu nhi dân tộc và được đáp lại bằng tình cảm yêu thương trong sáng cùng những kỷ niệm khó quên.

Tuy cuộc sống nơi núi rừng nắng gió còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần hiếu học của học sinh, sự quan tâm, giúp đỡ trẻ em nghèo của giáo viên, của những bạn học với nhau trong các truyện: “Bí mật của H’Loan”, “Bữa cơm trưa”, “Bông mai rừng”, “Ma rừng”…. đã khiến những câu chuyện đơn giản luôn ấm áp và lấp lánh tình người. Tập truyện có những bí mật nho nhỏ, dễ thương và cả những điều kỳ bí, kinh ngạc… mang lại nhiều điều thú vị cho độc giả. Lối viết giản dị, đầy trải nghiệm cùng ý thức truyền tải văn hóa rõ nét của nhà văn Nguyễn Hồng Chiến đã góp phần tạo nên một tác phẩm hay và giá trị cho thiếu nhi trong dòng chảy văn học hiện đại.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết