22/04/2010 - 20:53

Những điều cần biết về chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động và doanh nghiệp, giúp người lao động thất nghiệp kịp thời cập nhật thông tin và thực hiện nhanh chóng các bước thủ tục, hồ sơ cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thất nghiệp được thụ hưởng đầy đủ chính sách; với sự phối hợp của Trung tâm Giới thiệu việc làm, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, từ tháng 2-2010, Báo Cần Thơ thực hiện chuyên đề “Việc làm và bảo hiểm thất nghiệp” định kỳ mỗi tuần, dưới hình thức hỏi - đáp. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi.

* Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?

- Theo quy định tại điểm 1 Điều 40 của Nghị định 127/2008/NĐ-CP, thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo hiểm thất nghiệp theo khoản 2 Điều 131 Luật Bảo hiểm xã hội cụ thể như sau: Người sử dụng lao động, thủ trưởng cơ quan lao động, thủ trưởng cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm thất nghiệp của người bị khiếu nại.

Trong trường hợp người sử dụng lao động có quyết định, hành vi về bảo hiểm thất nghiệp bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết.

Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo hiểm thất nghiệp đối với quyết định giải quyết khiếu nại mà người sử dụng lao động, thủ trưởng cơ quan lao động, thủ trưởng cơ quan Bảo hiểm xã hội đã giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết và trong cùng thời gian đó người khiếu nại không khởi kiện tại tòa án.

* Người lao động bị thất nghiệp ngày 1-2-2010 có đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng, nhưng do đăng ký trễ hạn nên không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó người lao động có việc làm mới, nơi làm việc mới không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Năm tháng sau người lao động lại nghỉ việc (có quyết định thôi việc của công ty). Vậy người lao động có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho lần mất việc này hay không?

- Theo quy định tại Điều 15 về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và Điều 34 về việc đăng ký thất nghiệp của Nghị định 127/2008/NĐ-CP:

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị thất nghiệp.

+ Đã đăng ký tại Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội nơi người lao động làm việc trong vòng 7 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày mất việc.

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.

Trong trường hợp trên, nếu người lao động đăng ký đúng hạn kể từ ngày mất việc lần sau và số tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (12 tháng) vẫn còn trong vòng 24 tháng trước khi bị thất nghiệp; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp thì người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

PHƯƠNG MAI (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết