19/10/2021 - 06:51

Những điểm mới trong quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai có hiệu lực từ 1-7-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều về khái niệm thiên tai; công trình phòng, chống thiên tai; nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; quỹ phòng, chống thiên tai... Qua đó, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai, huy động nguồn lực cho phòng, chống thiên tai và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong ảnh: Mưa giông gây đổ, ngã cây trên đường Nguyễn Trãi, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Khái niệm thiên tai được Luật xác định là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác. Giải thích cho cụm từ “công trình phòng, chống thiên tai” cũng được sửa, đổi bổ sung, là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, bao gồm trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, kè, chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai; dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền; Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền; tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền; người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực quy định.

Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách bao gồm Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quản lý. Theo đó, nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai gồm Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương và Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh. Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết từ Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác. Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động; điều tiết từ Quỹ phòng chống, thiên tai Trung ương, giữa các Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.

Nguyên tắc hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai: không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.

Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền huy động nguồn lực của Nhà nước theo thẩm quyền để phục vụ công tác cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về dự trữ quốc gia. Việc hỗ trợ dài hạn thực hiện theo kế hoạch hằng năm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh quyết định sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai, ưu tiên cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn theo quy định tại khoản 3, Ðiều 10 của Luật này; Ủy ban TƯ MTTQVN, Ủy ban MTTQVN cấp tỉnh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện vận động quyên góp, tiếp nhận và phân bổ nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ vận động quyên góp, tiếp nhận nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn và chuyển giao cho Ủy ban TƯ MTTQVN, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND cấp tỉnh để phân bổ; tổ chức, cá nhân được phép quyên góp từ cộng đồng theo quy định của pháp luật có trách nhiệm phối hợp với UBND nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm kêu gọi, tiếp nhận các khoản hỗ trợ khẩn cấp từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai và chuyển giao UBND cấp tỉnh để phân bổ...

Hoàng Yến (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết