22/04/2009 - 21:24

Triển khai hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh tín dụng tại TP Cần Thơ

Những dấu hiệu tích cực

Tại cuộc họp sơ kết về tình hình triển khai thực hiện Quyết định (QĐ) 131/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất (HTLS) vay vốn lưu động ngắn hạn và QĐ 14/2009/ QĐ-TTg về bảo lãnh tín dụng (BLTD) giữa tháng 4-2009 do UBND TP Cần Thơ tổ chức, đa số đại biểu đều nhận định các gói kích cầu đã bước đầu phát huy hiệu quả. Song, việc triển khai chủ trương này còn chậm ở một số địa bàn, đồng thời chưa thật sự vực dậy được nội lực của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Vì vẫn còn gặp phải một số vướng mắc…

* Chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh Cần Thơ, đến ngày 15-4-2009 tổng dư nợ cho vay HTLS đạt 6.857 tỉ đồng, chiếm 28,9% tổng dư nợ trên địa bàn thành phố. Có 7.965 tổ chức, cá nhân được giải ngân; trong đó, lĩnh vực thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, công nghiệp chế biến và nông- lâm- thủy sản chiếm đa số trên tổng dư nợ HTLS. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều chủ động triển khai HTLS, góp phần giải quyết khó khăn cho các tổ chức, cá nhân và ngăn chặn suy giảm kinh tế. Có thể nói, chính sách HTLS đã đi vào cuộc sống và đang phát huy hiệu quả”. Trên địa bàn thành phố hiện có 33/38 tổ chức tín dụng tham gia cho vay HTLS, góp phần mở rộng tín dụng trên địa bàn.

Còn theo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), chi nhánh khu vực Cần Thơ- Hậu Giang, việc thực hiện BLTD theo QĐ 14 cũng đang khẩn trương thực hiện. Chi nhánh đã tiếp nhận 56 hồ sơ xin BLTD. Trong đó đa phần là phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) 39 đơn vị (35 DN và 4 hợp tác xã). VDB chi nhánh khu vực Cần Thơ- Hậu Giang chấp thuận BLTD cho 9 DN với số vốn trên 28,8 tỉ đồng, trong số này có 3 DN được cấp chứng thư BLTD (đã giải ngân 8,8 tỉ đồng). Ngoài ra, chi nhánh đã từ chối 1 hợp tác xã (HTX) xin BLTD 2 tỉ đồng, do HTX này còn nợ ngân hàng, đồng thời đang thẩm định 2 phương án SXKD của DN (vốn đề nghị hơn 1,1 tỉ đồng).

Nhiều dn sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu rất cần được HTLS từ gói kích cầu để ổn định sản xuất. (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất hàng may mặc ở Công ty cổ phần May Meko, KCN Trà Nóc). 

Tại cuộc họp sơ kết tình hình triển khai HTLS và BLTD, nhiều ý kiến cho rằng hiện dư nợ cho vay theo QĐ của Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả bước đầu, nhưng vẫn chưa vực dậy được sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn dù tăng trưởng tín dụng quí I/2009 đạt 6,8%. Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp thành phố trong tháng 3-2009 chỉ tăng 1,54% so với tháng 2-2009. Nhiều DN chế biến hàng xuất khẩu thủy sản sản xuất cầm chừng để giải quyết hàng tồn kho và giữ chân công nhân. Còn trong các Khu công nghiệp tập trung, quí I/2009 thu hút thêm 3.780 lao động mới, nhưng cũng đồng thời giảm bớt 4.943 lao động. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (BQL KCX & CN), nói: “Hiện nay, lượng cá tồn kho của DN khá nhiều, có DN tồn 2.000- 3.000 tấn, nên chú ý đối tượng này để có giải pháp giúp DN đáo nợ để giải quyết bài toán vốn sản xuất. Cứu DN nhưng phải xem xét đối tượng nào cần ưu tiên và cứu cho đúng cách”. Theo ông Hùng, năm 2009 tiền thuê đất mà DN trong KCN nợ đã lên tới con số 49 tỉ, nếu không giải quyết vấn đề này, DN cũng khó mà an tâm sản xuất và phát sinh nhiều hệ lụy.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề xuất, NH cần xem xét những DN làm ăn hiệu quả để tính toán chuyện cho họ “đáo nợ hợp pháp”! Bởi nhu cầu vốn cho sản xuất DN nào cũng cần, nhưng đa số DN đều có quan hệ tín dụng với NH nên cũng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp.

* Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Theo đại diện NHNN chi nhánh Cần Thơ, VDB chi nhánh khu vực Cần Thơ- Hậu Giang, việc triển khai HTLS và BLTD tại các địa bàn thành phố có chậm, nhưng cũng còn do nhiều DN chưa quan tâm. Qua thống kê của VDB, chi nhánh khu vực Cần Thơ- Hậu Giang trong đợt phổ biến chủ trương về BLTD tại một số quận, huyện, số lượng DN tham dự chỉ đạt 30- 35% trên tổng số thư mời. Ông Lương Quang Minh, Giám đốc VDB, chi nhánh khu vực Cần Thơ- Hậu Giang, phân tích: “Số lượng DN đến NH xin đề nghị BLTD không nhiều do 4 nguyên nhân: DN đang vay vốn tại các NHTM, suy giảm kinh tế thế giới nên DN chưa có nhu cầu mở rộng sản xuất, DN có tài sản thế chấp NH và không có tài sản phát sinh thêm trong hoạt động nên họ tiếp tục vay theo hạn mức cũ, việc triển khai của NH còn chậm trên 1 số địa bàn”. Hiện nay, đa số tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đều ký thỏa thuận hợp tác với VDB để triển khai BLTD.

Trong quí I/2009, tăng trưởng kinh tế thành phố chỉ đạt 4,5% (cùng kỳ đạt 11,3%), do vậy, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các gói kích cầu để ngăn chặn suy giảm kinh tế. Thành phố cũng ra quyết định thành lập Tổ giám sát thực hiện QĐ 131 và QĐ 14 của Chính phủ. Theo ông Trần Thanh Phương, Trưởng Phòng đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch- Đầu tư), Tổ trưởng Tổ giám sát, trong quí I/2009 trên 200 DN đăng ký thành lập mới, có dự án vốn vài chục tỉ đồng nên chắc chắn cần vay vốn để phát triển. DN vừa và nhỏ tập trung phần lớn ở quận Ninh Kiều và Thốt Nốt rất cần được HTLS và BLTD.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn chẳng dễ dàng. Bà Trần Thị Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (CBA) TP Cần Thơ, bức xúc: “Thủ tục vay vốn HTLS và thủ tục BLTD cho DN còn rườm rà. Ngay từ khi có chủ trương của Chính phủ, CBA đã họp các thành viên phổ biến, nhưng để xin được chủ trương trên, chúng tôi mất khá nhiều thời gian. Hơn nữa, con số phát vay của các NHTM theo QĐ 131 hiện chưa đủ vực dậy và phát huy nội lực của DN, nhất là DN xuất khẩu đang gặp khó khăn”. Thủ tục là vấn đề “nóng” ngay từ khi triển khai các chủ trương của Chính phủ, bởi đa phần DN ở Cần Thơ là DN vừa và nhỏ, nhất là DN nhỏ- việc hạch toán thu- chi đã là bài toán khó, chứng từ chứng minh tài sản còn khó hơn.

Đơn cử như huyện Cờ Đỏ, bà Hoàng Kim Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, nói: “Huyện hiện có 328 hộ sản xuất, kinh doanh được HTLS với số tiền giải ngân trên 41 tỉ đồng. Cờ Đỏ chỉ có DN nhỏ và hộ dân kinh doanh lúa, gạo. Mà hộ dân thì đa số đã cầm cố bằng khoán tại các tiệm vàng, cửa hàng vật tư để vay tiền quay vòng vốn năm này qua năm khác mà không cần đáo nợ. Tôi nghĩ NH phải có cách giải quyết những vấn đề này mới mong người dân quan tâm khi triển khai BLTD tại địa phương”. Hay ngay tại trung tâm thành phố - quận Ninh Kiều, trong 1.600 DN có đến 1.000 DN nhỏ, nên khá lúng túng và thủ tục, hồ sơ liên quan đến HTLS, BLTD như “ma trận” đối với họ. Đó là chưa kể đến hộ sản xuất, kinh doanh, nhất là những hộ nuôi cá tra, trong đợt thua lỗ của năm 2008 số hộ treo ao, bỏ ao khá nhiều do không tiếp cận được nguồn vốn HTLS.

Mới đây, Chính phủ đã tiếp tục ban hành QĐ 443/2009/QĐ-TTg về HTLS cho DN, tổ chức, cá nhân vay vốn trung và dài hạn thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất- kinh doanh với thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng. Mức hỗ trợ vẫn là 4% nằm trong thời hạn giải ngân từ 1- 4-2009 đến 31- 12-2011. Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ vừa ký QĐ 60/2009/QĐ-TTg bổ sung và sửa đổi một số điều về BLTD của QĐ 14. Theo đó, DN, HTX có vốn điều lệ dưới 20 tỉ đồng, sử dụng tối đa 1.000 lao động được bảo lãnh vay vốn (trước đây, tối đa 500 lao động). QĐ mới cũng cho phép BLTD cho DN vay vốn thực hiện các dự án xây dựng về nhà ở bán cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và sinh viên thuê, xây dựng nghĩa trang. 3 trong 6 điều kiện về BLTD cũng được sửa đổi: bỏ điều kiện không nợ đọng thuế, có nợ quá hạn nhưng có phương án sản xuất kinh doanh và cam kết trả được nợ quá hạn vẫn được xem xét, được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp với bên BLTD.

Thành phố đã chỉ đạo NHNN chi nhánh Cần Thơ, VDB chi nhánh khu vực Cần Thơ- Hậu Giang phối hợp với NHTM, các sở, ngành triển khai QĐ 443. Có thể nói, gói kích cầu lần 2 sẽ tiếp sức thêm cho DN vượt qua khủng hoảng. Song, để những chính sách đúng đắn của Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống và phát huy được nội lực của DN vẫn luôn cần sự nỗ lực hỗ trợ với tinh thần trách nhiệm cao của bộ máy chính quyền và NH.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết