Bài 2: NGƯỜI MANG VỀ "BÁU VẬT"!
Đó là quyển sổ tay ngang độ nửa gang tay, dài gấp đôi, dày 300 trang, bìa cứng. Trong đó ghi lại những câu danh ngôn nước ngoài; lời nói lãnh tụ; những bài thơ, nhiều nhất là thơ Tố Hữu...; cuối cùng là hồi ký của tác giả Lâm Thị Minh Tâm (quê Ngọc Hiển-Cà Mau) về những ký ức không phai một thời tuyến lửa 1-C...
1. Có cả bài thơ "Một thế kỷ mấy vần thơ" của Truy Phong (ghi chú "Trích báo "Tiến Thủ" Trà Vinh"). Tôi thích thú hỏi chị Minh Tâm "Bộ lúc ấy mình cũng có báo đọc hở chị?" - nhưng rồi tự thấy mình ngây ngô lại vô duyên!
Tối về, đọc một hơi hết phần nhật ký, một số bài "lưu niệm" của các anh bộ đội miền Bắc với phần tái bút "Nhớ thư về địa chỉ...", và của một số bạn nữ thanh niên xung phong (TNXP), rồi nhớ lại những điều chị kể, tôi càng ngưỡng mộ, kính trọng hơn đối với các anh chị TNXP, càng trân quý những "báu vật" cá nhân (vừa là hiện vật lịch sử) mà họ đã nâng niu, gìn giữ được cho mình lẫn cho đời!

Quyển sổ tay sờn rách quí như báu vật của chị mà nhiều người đã mượn xem.
Không là báu vật sao được, khi mạng sống con người còn khó bảo vệ trong bối cảnh như nằm trong chảo lửa ấy, mà quyển sổ tay vẫn còn nguyên vẹn đến hôm nay. Càng đáng nể hơn, thời gian đâu mà chị có thể viết bao nhiêu trang giấy đó với nét chữ đẹp, nắn nót đều tăm tắp - trong khi chị nói "Chúng tôi không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc... mà còn thiếu ngủ triền miên. Bởi đêm thì đi chuyển hàng, ngày thì lo canh giữ cứ, bảo vệ hàng những lúc không đi công tác được do bị địch đánh phá tơi tả!".
Tháng 10-1969, sau cuộc họp chi bộ (bên đất Campuchia) được phân công bất ngờ đi đưa quân từ Núi Dài (Hà Tiên) về lộ Cái Sắn, rồi đi vào vùng căn cứ... các chị mỗi người chỉ có 1 cái võng, 2 bộ quần áo và 2 mét cao su! Lúc này tuyến 1-C không có ngày đêm nào mà không bị đối phương đánh phá. Thoạt đầu lực lượng còn có chén đũa để ăn cơm, sau chỉ còn một cái nồi để nấu cơm lại mất nắp - khó khăn chất chồng; đối với nữ, gian khổ càng gấp bội...
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ai cũng hớn hở nghĩ tới ngày đoàn tụ sau 1 tháng công tác xa. Song, khi trở về, bị biệt kích Mỹ đánh mìn dưới sông Tám Ngàn. Đang ngồi bơi xuồng trước mũi, nghe 2 tiếng nổ kinh hoàng, Tâm (và Hòa) bị hơi nổ hất văng tuốt vô bờ, nhìn xuống sông thì chiếc xuồng đâu mất tiêu rồi! Hai chị em gượng dậy, lần theo mé bờ, dìu nhau lội qua sông, leo lên đọt tràm cao, chờ trăng lên... Bốn bên càng lúc càng vắng lặng. Đồng đội không thấy ai. Chắc chẳng ai còn sống sót. Nghĩ vậy nhưng nước mắt không trào ra. Có lẽ niềm hy vọng dầu nhỏ nhoi cũng đủ át đi điều lo sợ!
Chừng hơn 3 giờ sáng, thấy bóng núi mờ mờ như vệt mây chắn ngang, hai chị em tuột "tỏm" xuống mặt đất mênh mông nước, nhắm hướng núi "càn" đi miết... Không chỗ nào khô để nghỉ chân. Quần áo luôn sũng nước, đầu gội nắng chan chan, bông súng dọc đường là thức ăn đỡ dạ... Cứ thế, đến chiều ngày thứ ba, khi từ xa xa trông thấy mí lộ Hà Tiên mà cả hai cứ ngỡ là triền núi, bởi bóng núi đã như thật gần, có thể chạm tay tới được. Mừng rỡ đến bật lên tiếng reo rồi hai chị em nắm tay nhau, lấy hết sức chạy tới, nhưng rồi sững sờ đứng khựng... Cuối cùng thì hai chị em cũng qua lộ được, và về đến Núi Dài cách đó chừng 4-5km. Trên đường, gặp đồng đội đang đi tìm, phải vài phút sau hai bên mới nói được với nhau, vẫn chưa hết nghẹn ngào "...còn ai về nữa không", Tâm nói "không", Hòa nói "...chắc hy sinh hết rồi" và ào lên khóc. Nước mắt không hề rơi trong 3 ngày đêm hai chị em đi tìm về cõi sống. Nhưng khi nhắc đến đồng đội đã hy sinh, tiếng khóc không thể nào kìm nén nổi!...
Đó là tóm tắt câu chuyện chị Minh Tâm kể tôi nghe, và tất nhiên có ghi trong nhật ký.
Nhật ký còn ghi, một hôm được tin báo có cả trung đoàn và nhiều xe lội nước của địch tại Kinh Tư, Ban chỉ huy Liên đội đoán chúng sẽ mở cuộc càn lớn hòng giật hàng và tiêu diệt lực lượng ta. Ngay lập tức, sau khi nhận nhiệm vụ, được trang bị đủ loại vũ khí - một trung đội nam và một (trong 2) tiểu đội nữ "cảm tử quân" - mà Minh Tâm là tiểu đội trưởng - lên đường hành quân ngay cùng các đơn vị bạn... Trên đường hành quân từ chiều, đến đêm tiểu đội nữ được phân công "giữ sườn" ở một nền đất cao ngay đầu đường vào Gộc Xay, còn cánh nam tiếp tục hành quân tiếp cận mục tiêu... Đến nơi, tổ trinh sát đi nắm tình hình vào ban ngày, và báo cáo tỉ mỉ; tối lại, ban chỉ huy tổ chức tập kích. Sau phát B40 nện vào sở chỉ huy của địch làm hiệu lệnh tấn công, các loại súng lớn nhỏ thi nhau nhả đạn..., một số chết, số bị thương la ó om xòm "như chuột bị đổ nước sôi vào hang". Trận đầu tiên thắng lợi là minh chứng "mình dám đánh là dám thắng" - dù TNXP là đội quân vận chuyển, chưa từng quen chiến, kỹ thuật trong trận đánh qui mô nào...
Đã 8-9 ngày trôi qua, địch vẫn ngoan cố... Tiểu đội nữ tiếp đạn, tiếp lương chi viện, và xin ở lại chiến đấu, nhưng không được ban chỉ huy đồng ý! Đến ngày thứ 12, cả 17 anh "còn nguyên" về tới đơn vị, ai cũng ốm nhom, mắt thụt sâu... Đổi lại, ta diệt hơn 100 quân, bắn hỏng 4 xe lội nước, bẻ gãy trận càn qui mô của địch.

Chị Minh Tâm tại nhà riêng ở đường Trần Quang Diệu (An Thới, Bình Thủy, TP Cần Thơ).
2. Tuổi 16, đang là cô giáo, nghe phát động phong trào "5 xung phong" từ Tỉnh đoàn, Minh Tâm háo hức xin gia nhập lực lượng TNXP. Cả ba má đều không đồng ý. Ba muốn Tâm ở lại công tác tại xã nhà; má sợ Tâm đi TNXP không chịu đựng được gian khổ, hy sinh rồi "bể"... làm mang tiếng gia đình cán bộ. Nhưng, Tâm vẫn "trốn" đi..., lên đơn vị còn được phân công làm tiểu đội trưởng. Tiếp theo là chặng hành quân không kể ngày đêm suốt khoảng 20 ngày; đến 26-12-1967, đơn vị Tâm (đại đội Nguyễn Việt Khái 3) đã đến địa bàn hoạt động - đồng (rừng) tràm Hà Tiên...
Lần đầu tiên tập chống xuồng mỏ (nhẹ hơn xuồng ba lá, dễ đi trên đồng cỏ), ai cũng té vài lần, mỗi lần té là té cả hai người (cùng trên một chiếc xuồng). Đầu năm 1968, đơn vị được bổ sung thêm một trung đội, thành đại đội "đủ" gồm 1 trung đội nam, 2 trung đội nữ, có ban chỉ huy đầy đủ. Bắt đầu tổng tấn công Tết Mậu Thân, đại đội Nguyễn Việt Khái 3 và Nguyễn Việt Khái 2 (đã lên tuyến 1-C trước đó) cùng đơn vị Tây Đô thi nhau vận chuyển vũ khí trên tuyến lửa 1-C, đáp ứng yêu cầu chiến trường.
Theo chị Minh Tâm, trên tuyến 1-C, mùa nước là mùa gian khổ. Nước mênh mông, không chỗ nghỉ chân. Hàng trên vai, chỉ được cúi khum người cho đỡ mỏi rồi đi tiếp. Chuyến về không có hàng, phải ngủ ngồi dưới nước, hoặc đóng sạp, hoặc giăng võng giữa 2 cây tràm, che cao su để ngủ. Gặp lúc trời mưa, ai cũng lạnh đến run... Vào mùa khô, công tác, sinh hoạt đều thoải mái hơn. Nhưng nỗi lo đồng thời là mối nguy hiểm nhất là cháy rừng - lớp rừng tự cháy, lớp do địch đốt. Riêng mùa "nửa nước, nửa khô" là gian khổ nhất. Chỗ kinh cạn, không chống xuồng được, phải bước xuống bùn nhão để đẩy, hoặc dùng dây kéo xuồng. Chỗ khô ráo, hoặc gặp gò cao, phải dỡ hàng ra kéo xuồng qua, xong lại vác, chất hàng xuống rồi kéo xuồng đi tiếp... Cứ thế, ngày hai chuyến liên tục. Có lúc, đơn vị chia ra: 1 trung đội đẩy xuồng đưa hàng đến Gộc Xay cho 2 trung đội còn lại vận chuyển bằng xe, đưa hàng sang chặng khác... Xe là loại 2 bánh (như người ta thường dùng đẩy két nước ngọt, la-ve...). Sau, có sáng kiến kết 2 xe thành một, số người đẩy vẫn vậy, nhưng lượng hàng được tăng lên gấp rưỡi, hoặc có khi hơn. Công việc bớt nặng nhọc, anh chị em lại phấn đấu tăng lên, vận chuyển 2 chuyến/ngày...
Mùa khô năm Mậu Thân 68, đại đội Mai Thanh Thế từ Sóc Trăng lên, đóng gần đơn vị của Minh Tâm... Vậy là Liên đội 1 TNXP Tây Nam Bộ được hình thành, chia ra hoạt động từng chặng trên suốt tuyến đường 1-C, gồm: đại đội Tây Đô (của Cần Thơ, có mặt từ 1967); 2 đại đội Nguyễn Việt Khái 2, 3 của Cà Mau; đại đội Hòn Đất của Hà Tiên, và đại đội Mai Thanh Thế của Sóc Trăng...
* * *
Sau giải phóng, Minh Tâm vẫn công tác, liên tục cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu - lúc ấy chị đang công tác tại Trường Lý Tự Trọng. Nhưng từ tháng 6-2006, chị đã được chỉ định làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Cần Thơ - nơi thành lập Hội này đầu tiên của vùng sông nước Cửu Long. Suốt nhiệm kỳ 1 (2006-2010), không kinh phí hoạt động, chị "xin" tổ chức đêm truyền hình trực tiếp, vận động được 200 triệu đồng - dùng xây 3 căn nhà, sửa vài căn nhà khác, và trợ cấp cho một số cựu TNXP đau ốm, nhiều khó khăn. Mặt khác, Hội còn phối hợp ngành chức năng lo giải quyết chính sách cho anh chị em cựu TNXP.
"Nhiệm kỳ 2, từ năm 2011 đến nay, được cấp kinh phí từ 40-60 triệu đồng/năm, hoạt động của Hội Cựu TNXP TP Cần Thơ thuận lợi hơn nên có điều kiện đi lại, chăm lo cho hội viên được tốt hơn!". Tôi đến thăm trong lúc chị Minh Tâm đang (cùng cả nước) chuẩn bị tiến hành việc kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập TNXP Việt Nam và 10 năm thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam. Và, chị đã tươi cười "khoe" với tôi như vậy.
Bài, ảnh: NHƯ BĂNG
Bài cuối: Đôi vợ chồng thành hôn nơi đất khách...