25/05/2024 - 09:12

Những “bông hoa nghệ thuật” ở Trường Ðại học Cần Thơ 

Phát biểu khai mạc Hội diễn văn nghệ truyền thống năm 2024, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, đã ví 15 đơn vị dự thi như 15 bông hoa khoe sắc đua tài.

Tiết mục dự thi của Khoa Khoa học tự nhiên.

“Từ nơi con sóng” là chủ đề chương trình nghệ thuật tham gia hội diễn của Khoa Khoa học xã hội và nhân văn. Qua các tiết mục: liên khúc “Ngày chưa bão giông - Lời ru Âu Lạc”, tam ca “Đàn trên sóng”, ca cổ “Trên đảo xa nhớ Bác”, ca múa “Con đường thế kỷ ngày ấy Người đi”, múa “Lên sóng”, bản phối mới “Vinh quang phía bình minh”, chương trình hấp dẫn khán giả từ đầu đến cuối, với những tràng pháo tay, sự tán thưởng không ngớt. Xuyên suốt chương trình là thông điệp về tình yêu biển đảo của Tổ quốc, về tinh thần dấn thân, cống hiến của người trẻ trong xây dựng và bảo vệ quê hương, khi tình yêu lứa đôi chan hòa trong tình yêu đất nước. Từ phần ca, múa độc lập đến múa minh họa của chương trình đều rất chỉn chu, cuốn hút.

Đơn vị Khoa Luật chọn chủ đề “Ánh sáng soi đường” để xây dựng chương trình tham gia hội diễn lần này. Ánh sáng soi đường mà chương trình thể hiện chính là truyền thống yêu nước, đoàn kết, khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương trình phong phú các thể loại, với những tiết mục được đầu tư rất công phu như ca múa “Dọc dài chiếu sáng Việt Nam”, đơn ca “Mùa thu nhớ Bác”, múa “Tỉnh thức”, tam ca “Quyết giữ biển trời bình yên”, tốp ca “Lời Đảng hiệu triệu trái tim”…

Với phần thi diễn xuất sắc ấy, Khoa Luật và Khoa Khoa học xã hội và nhân văn là 2 đơn vị quán quân tại Hội diễn văn nghệ truyền thống Trường Đại học Cần Thơ năm nay. Tuy nhiên, như PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung chia sẻ, các đơn vị thi diễn đều mang đến những “bông hoa nghệ thuật” rực rỡ và cống hiến cho khán giả những chương trình cuốn hút, ý nghĩa. Nguyễn Lan Phương, sinh viên dự xem, chia sẻ: “Không chỉ cổ vũ cho đội văn nghệ khoa em, mà em còn dự xem các đội văn nghệ khác thi tài. Các thầy cô, anh chị và các bạn diễn rất chuyên nghiệp, lôi cuốn. Đó là những đêm nghệ thuật thật tuyệt vời”.

Hội diễn văn nghệ truyền thống năm nay có 15 đơn vị tham gia, là các khoa, viện, trường trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ, với hơn 700 diễn viên, trình diễn 83 tiết mục. Cảm hứng về tình yêu quê hương, đất nước; khát vọng lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ và thông điệp về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là điểm chung ở 15 chương trình dự thi. Đó là “Hào hùng khí phách phương Nam” của Trường Nông nghiệp, “Đất nước nhớ mãi ơn Người” của Trường Thủy sản, “Những nẻo đường đất Việt” của Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, “Tôi là người Việt Nam” của Trường THPT Thực hành Sư phạm, “Vọng khúc non sông” của Khoa Ngoại ngữ, “Khát vọng non sông” của Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, “Tự hào một dải non sông” của Khoa Khoa học chính trị… Nhiều sinh viên chia sẻ, sau khi xem chương trình thi diễn của các đơn vị, trong các bạn dâng trào tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc.

Hội diễn văn nghệ truyền thống là hoạt động được tổ chức hằng năm của Trường Đại học Cần Thơ, trở thành hoạt động văn hóa điểm nhấn suốt nhiều năm qua, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ trong nhà trường. Điển hình như Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, nhiều năm liền đều đạt thứ hạng cao tại hội diễn. Bên cạnh tạo điều kiện phát huy năng khiếu của sinh viên thông qua các phong trào Đoàn, chương trình nghệ thuật, thì sân chơi nghệ thuật vào mỗi cuối tuần ở Vườn Bàng đã giúp khoa “đãi cát tìm vàng”, bổ sung nhân tố triển vọng văn hóa, nghệ thuật. Những gương mặt như Trọng Nhân, Quốc Trung, Hoàng Châu… là ví dụ.

Không chỉ sinh viên, mà giảng viên, cán bộ, viên chức Trường Đại học Cần Thơ cũng rất tâm huyết với văn nghệ. Nhiều thầy cô của trường hát hay, múa giỏi, trở thành gương mặt quen thuộc mỗi kỳ hội diễn, liên hoan. Như tại hội diễn này, thầy Trịnh Chí Thâm (Khoa Sư phạm) với đơn ca “Bến bờ tương lai” và thầy Nguyễn Thành Đô (Khoa Khoa học chính trị) với đơn ca “Tổ quốc gọi tên mình” tạo được sự lan tỏa rất lớn và đạt giải tiết mục.

Đặc biệt, Trường Đại học Cần Thơ còn thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về đờn ca tài tử, thanh nhạc… để phát triển phong trào. Nghệ nhân Ưu tú Ái Hằng, người từng tham gia truyền nghề đờn ca tài tử cho nhiều lớp tập huấn ở Trường, chia sẻ: “Sự quan tâm của Trường và sự yêu thích, đam mê của các sinh viên là những yếu tố giúp phong trào đờn ca tài tử Trường Đại học Cần Thơ rất mạnh”.

Một mùa hội diễn nữa đã khép lại, nhưng thầy cô, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ bên cạnh dạy tốt, học tốt vẫn luôn chọn nghệ thuật làm niềm vui, trau dồi kỹ năng. Để đến hẹn lại lên, mỗi mùa hội diễn là mỗi “mùa hoa nghệ thuật” khoe sắc.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết