28/04/2011 - 22:03

Những biểu hiện rối loạn tâm lý ở học sinh, sinh viên

Bước vào cao điểm mùa thi, do áp lực học hành căng thẳng, nhiều học sinh, sinh viên dễ bị rối loạn tâm lý. Để các bậc phụ huynh hiểu thêm về tình trạng bệnh này, bác sĩ Thiều Quang Hùng - Bác sĩ chuyên khoa I, Phó Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ, khuyến cáo:

Hoạt động vui chơi thể thao sẽ giúp học sinh giảm căng thẳng sau những giờ học mệt mỏi. Ảnh: CTV 

Đến mùa thi, đa phần học sinh, sinh viên phải chịu áp lực tâm lý rất lớn. Do khối lượng bài vở quá nhiều, thức khuya nên các em thường có những biểu hiện mệt mỏi, lo âu,... Nếu qua kỳ thi, tình trạng này ổn định trở lại thì đó chỉ là lo âu sinh lý (bình thường). Nhưng có nhiều em do căng thẳng quá mức, dẫn đến tình trạng rối loạn tâm lý, tâm thần. Biểu hiện thường xuyên của bệnh là tình trạng kén ăn, mất ngủ, dễ cáu gắt, lo âu, trầm cảm... kèm theo đó là việc học tập bị giảm sút. Nặng hơn là những trường hợp có biểu hiện loạn thần, như: nói năng lung tung, khóc cười vô cớ, hoảng sợ, trầm ngâm, ít tiếp xúc với mọi người... thậm chí có em còn có ý định tự tử.

Những biểu hiện của bệnh rối loạn tâm thần vốn có nhiều nguyên nhân rất phức tạp. Ngoài yếu tố sinh học như bệnh lý do di truyền, thì những tác động bên ngoài như: gia đình, xã hội, trường học,.. có ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt, đối với thanh thiếu niên là lứa tuổi có những đặc điểm tâm sinh lý đang thay đổi và phát triển rất đa dạng. Nguyên nhân dẫn đến các sang chấn tâm lý, các rối loạn tâm thần ở học sinh, sinh viên thường là do áp lực học hành, thi cử, nhất là các em học sinh cuối cấp, chuẩn bị thi vào đại học. Những yếu tố tạo cho các em áp lực là học tập căng thẳng, tâm trạng lo sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè. Đồng thời, các bậc phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái (do uy tín gia đình, do sự hãnh diện với làng xóm,...), vô tình tạo cho các em một áp lực tinh thần nặng nề. Bên cạnh đó, nhiều em tự tạo áp lực cho mình do không biết cách sắp xếp, phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý. Chẳng hạn như có nhiều em để gần đến ngày thi mới học dồn, học ngày, học đêm nên không đủ thời gian nghỉ ngơi. Thậm chí, có em chỉ ngủ 2 - 3 tiếng/ngày dẫn đến quá trình ghi nhớ bị giảm sút. Một số em lại không chú ý đến việc bổ sung chất dinh dưỡng mà lại sử dụng quá nhiều các chất kích thích như cà phê, thuốc lá,... Từ đó, có thể dẫn đến tình trạng rối loạn lo âu, rối loạn tâm lý trong thời gian ôn thi. Thậm chí, tình trạng bệnh có thể kéo dài dù các em đã hoàn thành xong kỳ thi (do tâm lý lo lắng khi làm bài thi không tốt, sợ thi rớt,...)

Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường, các bậc phụ huynh cần phải đưa các em đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc bên ngoài (thuốc tăng cường trí nhớ, thuốc bổ não, các loại thực phẩm chức năng,...) để uống. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ có thể kết hợp các loại thuốc giải lo âu, thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ hay dùng liệu pháp tâm lý đối với bệnh nhân. Đối với loại bệnh này, điều quan trọng là phòng bệnh, ngăn chặn ngay từ đầu, không nên để xảy ra bệnh rồi mới điều trị.

Để tránh những biểu hiện rối loạn tâm lý, tâm thần ở học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh nên dành sự quan tâm đặc biệt đến con em mình bằng việc thường xuyên động viên, khuyến khích; tạo môi trường thuận lợi, thoải mái về tinh thần để các em học tập tốt hơn. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng, không nên để các em lạm dụng các chất kích thích; chú ý nhiều đến thời gian nghỉ ngơi và động viên, tạo điều kiện để các em tham gia vào những hoạt động thể thao, vui chơi giải trí. Đối với những em thi trượt thì các bậc phụ huynh cần tránh la mắng, dùng đòn roi,... mà cần cảm thông, khuyên nhủ để tránh gây ra những sang chấn tâm lý ở các em và tạo nguồn động lực để các em phấn đấu hơn nữa trong học tập.

HỒNG VÂN (ghi)

Chia sẻ bài viết