Nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể và đóng vai trò sống còn trong nhiều chức năng quan trọng, như kiểm soát thân nhiệt, hoạt động não bộ và tống chất thải khỏi cơ thể. Tuy nhiên, tích trữ quá nhiều nước trong cơ thể có thể gây ra hiện tượng đầy hơi, phù nề, đặc biệt là ở vùng bụng và tứ chi. Tuy tình trạng tích nước thường là tạm thời và dễ chữa khỏi, nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng về tim, thận hoặc gan. Do đó, nếu hiện tượng tích nước kéo dài hơn 1 tuần thì nên đi khám ngay. Còn nếu thấy tình trạng tích nước chỉ nhẹ và không có dấu hiệu bệnh lý gì, bạn có thể áp dụng những cách giảm tích nước đơn giản mà hiệu quả nhanh sau đây:
Tiêu thụ nhóm thực phẩm giàu kali cũng giúp giảm tích nước.
+ Giảm ăn mặn. Dung nạp quá mức natri từ muối ăn, cũng như các thực phẩm chứa nhiều muối, có thể gây tích nước cơ thể. Vì vậy, cần giảm lượng muối tiêu thụ hằng ngày bằng cách tránh dùng thực phẩm chế biến sẵn, đồng thời ăn nhiều rau củ và các loại hạt khô không rang với muối.
+ Tiêu thụ thực phẩm giàu kali và magiê. Kali là khoáng chất thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, bao gồm kiểm soát tình trạng cân bằng nước. Nhờ tác dụng cân bằng nồng độ natri trong cơ thể và tăng sản xuất nước tiểu, khoáng chất này giúp đẩy lùi tình trạng tích nước. Một số thực phẩm giàu kali gồm chuối, cà chua, đậu, bơ, cải xoăn và cải bó xôi.
Tương tự, tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu magiê (như ngũ cốc nguyên hạt, rau lá màu xanh đậm, các loại hạt và sô-cô-la đen) cũng làm giảm sự tích nước. Theo một nghiên cứu, bổ sung 200mg magiê/ngày giúp những phụ nữ có triệu chứng tiền kinh nguyệt nhẹ giảm nguy cơ tích nước cơ thể.
+ Bổ sung vitamin B6. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Caring Sciences, vitamin B6 có hiệu quả làm giảm tình trạng tích nước ở phụ nữ mắc Hội chứng tiền kinh nguyệt. Những thực phẩm giàu vitamin B6 có chuối, hạt óc chó, khoai tây và thịt.
+ Tập thể dục. Ðây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm tình trạng tích nước tạm thời. Thực hiện bất kỳ bài tập nào tăng tiết mồ hôi đều giúp giảm lượng nước dư thừa trong cơ thể. Nhưng nhớ phải uống bù nước để đảm bảo cơ thể không bị mất nước quá mức sau khi vận động.
+ Phòng ngừa căng thẳng tinh thần (stress). Trạng thái stress quá mức sẽ làm tăng lượng cortisol, hoóc-môn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tích nước trong cơ thể. Không chỉ vậy, nồng độ cortisol tăng cao còn dẫn đến làm tăng lượng hoóc-môn chống bài niệu ADH, vốn kiểm soát tình trạng cân bằng nước trong cơ thể. Do đó, nếu kiểm soát tốt mức độ stress, bạn có thể duy trì nồng độ cortisol và ADH thích hợp, nhờ đó cũng cân bằng lượng nước trong cơ thể.
+ Ngủ đủ giấc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giấc ngủ ảnh hưởng đến các dây thần kinh giao cảm ở thận, phụ trách duy trì tình trạng cân bằng lượng natri và chất dẫn lưu trong cơ thể. Vì thế, ngủ đủ giấc cũng giúp cơ thể duy trì lượng nước hợp lý và giảm thiểu nguy cơ tích nước.
+ Giảm dùng tinh bột - đường (carb) tinh chế. Tiêu thụ carb tinh chế làm tăng lượng đường huyết và insulin. Trong khi đó, lượng insulin cao khiến cơ thể giữ lại nhiều muối hơn và dẫn đến tích trữ quá nhiều chất dẫn lưu. Ðể giảm tích nước cơ thể, cần tránh dùng các loại carb tinh chế như ngũ cốc chế biến sẵn, đường ăn và bột mì trắng.
+ Uống trà bồ công anh. Nhờ đặc tính lợi tiểu tự nhiên, bồ công anh là thảo mộc được tin dùng như loại thuốc thay thế để chữa trị tình trạng tích nước. Một nghiên cứu cho thấy rằng những người dùng 3 liều chiết xuất lá bồ công anh trong 24 giờ đã tăng sản xuất nước tiểu.
+ Dùng thức uống chứa caffeine, như cà phê và trà. Caffeine có tính lợi tiểu nhẹ, nên dung nạp chất này cũng làm tăng sản xuất nước tiểu và giảm lượng nước tích trữ trong cơ thể. Lưu ý là chỉ nên dùng ở lượng vừa phải.
Ngoài ra, có thể giảm tích nước cơ thể bằng cách sử dụng các loại thảo mộc có đặc tính lợi tiểu tự nhiên như rau ngò rí, hoa dâm bụt, cỏ đuôi ngựa, râu bắp.
AN NHIÊN (Theo Boldsky)