03/08/2019 - 07:02

Như dằm trong tim 

“Trong cơn say níu sợi dây đứt” là tập truyện ngắn mới nhất của tác giả trẻ Hoàng Công Danh. Vẫn cách viết khắc khoải, trải đời, nhưng lần này, Hoàng Công Danh đi sâu vào tâm sự của những người đàn ông, vào nỗi nhức nhối như dằm trong tim về những bí mật, những góc khuất trong tâm hồn.

Sách do NXB Trẻ phát hành quý I-2019.

19 truyện ngắn trong tập truyện lần giở trước mắt người đọc những nỗi niềm khó tỏ cùng ai của những người đàn ông - những người được cho là phái mạnh, nhưng trong họ vẫn luôn có sự yếu đuối, day dứt và cả đố kỵ, sân si.

Thường người ta hay nói về cái ghen của đàn bà nhưng ở tập truyện này, tác giả lại cho thấy: khi đàn ông ghen cũng ghê gớm và dữ dội không kém. Chỉ khác là họ không thể hiện ra ngoài mà cứ dồn nén trong lòng, suy nghĩ, dằn vặt bản thân như cái dằm trong tim khó mà lấy ra được.

Như anh chồng trong truyện “Hàng xóm một người thọt chân” luôn bị ám ảnh bởi quá khứ của anh hàng xóm tốt bụng, thân thiện để rồi lo sợ, nghi ngờ anh ta sẽ “tòm tem” với vợ mình, đến nỗi ăn không ngon, ngủ không yên. Cuối cùng, anh quyết định dọn nhà đi nơi khác cho chắc. Hay nhân vật Cường trong truyện “Tam giác”, dù đã lấy được cô vợ đẹp, sống hạnh phúc 10 năm nhưng anh vẫn luôn lo ngại về người yêu cũ của vợ, vẫn sợ tình cũ không rủ cũng đến. Những gì anh cố gắng, phấn đấu nhiều năm qua cũng chỉ vì muốn chứng tỏ bản thân, muốn ganh đua với tình địch năm xưa. Cái ghen của đàn ông đôi khi vô cớ, khó chịu vô cùng, như cái ghen của Nhẫn trong truyện “Mắc cạn”, như Vũ trong truyện “Mở cửa trời”… 

Ghen và đau đớn nhất có lẽ là Kiệm trong truyện “Xập xình”. Lấy vợ 6 năm không có con, dù chạy chữa nhiều nơi, trong cơn say, Kiệm mở lời nhờ người bạn thân là Từ, giúp vợ mình có bầu. Để rồi sau đó, đứa trẻ sinh ra không hề khiến vợ chồng anh vui vẻ, hạnh phúc như mong ước bấy lâu mà nó còn là nguyên nhân tạo nên khoảng cách vô hình giữa Kiệm và vợ. Dù Từ đã định cư ở nước ngoài sau đêm ấy, dù vợ anh chẳng bao giờ hờn trách sự lạnh nhạt, vô tình của chồng, nhưng Kiệm không thể nào quên được chuyện ấy, để nó luôn hành hạ anh trong tâm thức lẫn thể xác…

Dằm không chỉ có trong tim của những người đang yêu hay trong đời sống vợ chồng mà nó còn hiện diện trong tâm trí của những người có những nút thắt khó gỡ trong lòng hay nắm giữ một bí mật không thể sẻ chia. Nó làm người ta luôn ray rứt không yên, luôn khắc khoải qua những tháng ngày dài. Đó là sự rạn nứt tình cảm giữa hai anh em và nỗi ân hận khi họ không chăm sóc mẹ lúc tuổi già bóng xế trong truyện “Mải mê trên rêu”; là nỗi niềm nhớ quê và những ký ức luôn gặm nhấm tâm hồn của người đàn ông dắt díu vợ con bỏ trốn trong đêm, nay trở về căn nhà xưa sau 15 năm lưu lạc (truyện “Đau đáu ký ức”), hay là nỗi khổ tâm của người đàn ông bị hàng xóm nghi ngờ đốt nhà bạn trong truyện “Trong cơn say im lặng”. Và, chỉ có những bí mật khi phút cuối được tiết lộ mới khiến mọi người hụt hẫng vì bất ngờ, vì đã hiểu lầm hay nhận định sai (truyện: “Níu một sợi dây đứt”, “Có ai gõ cửa”, “Kỷ vật”, “Tích tè nép bắn”, “Một chút rượu”...).

Đi sâu vào tâm lý, nỗi lòng của từng nhân vật, tác giả khiến người đọc hòa mình vào cảm xúc của họ, cùng băn khoăn, hay bứt rứt, khó chịu cùng nhân vật và tò mò về sự thật. Để đến cuối truyện, cú lật bất ngờ tiết lộ những bí mật, những góc khuất càng làm câu chuyện thêm sức nặng và khó quên với độc giả.

Sau các tập truyện ngắn: “Cõng nhau trong một cõi người”, “Khói sẽ làm mắt tôi cay”, “Chuyến tàu vé ngắn”… thì “Trong cơn say níu sợi dây đứt” góp phần định hình phong cách viết cũng như sự phong phú, sâu sắc trong tư duy của cây bút sinh năm 1987 Hoàng Công Danh.

Cát Ðằng

Chia sẻ bài viết