Nhận thấy quê hương có tiềm năng lớn trong lĩnh vực trồng nấm, nhóm 3 bạn trẻ ở xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã thành công khi kết hợp trồng 9 loại nấm xuất bán mỗi tháng gần 1 tấn nấm tươi ra thị trường.
Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được thị trường và các cửa hàng thực phẩm sạch ưa chuộng.
Năm 2020, nhận thấy Đồng Tháp có nhiều tiềm năng trong phát triển ngành trồng nấm, nhóm bạn trẻ Huỳnh Thị Thanh Nhàn (30 tuổi), Huỳnh Thị Thì Nhớ và Huỳnh Trung Phú (28 tuổi) đã quyết định tạm gác công việc có mức thu nhập khá ổn định ở TP Hồ Chí Minh để trở về quê khởi nghiệp với mô hình trồng nấm. Dẫn chúng tôi tham quan 2 trại nấm rộng hàng ngàn mét vuông, chị Nhớ chia sẻ không ngớt về tình yêu với cây nấm. Chị Nhớ cho biết, nhóm chị có người là kỹ sư hóa học, kỹ sư công nghệ môi trường và kỹ sư nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, ai cũng có kinh nghiệm trồng nấm nên khi quyết định nghỉ việc về quê khởi nghiệp từ cây nấm cũng khá yên tâm.
Thời điểm đầu, tuy có kinh nghiệm và kỹ thuật trồng nấm, nên tỷ lệ hao hụt ít, nhưng lại thiếu vốn đầu tư sản xuất và gặp khó về đầu ra cho sản phẩm. Nhờ kiên trì tìm kiếm thị trường, nấm trồng đạt chất lượng nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Để tạo tiện lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháng 7-2023, nhóm chị Nhớ quyết định thành lập Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia. “Lúc đầu nhóm chỉ trồng nấm bào ngư trên diện tích 300m2, đây là loại nấm dễ trồng nhất nên nhóm trồng để thử điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương có phù hợp trồng các loại nấm bán thương phẩm hay không. Kết quả tất cả đều đạt như mong muốn, nên sản phẩm dần được nhiều người biết đến”, chị Nhớ kể.
Theo chị Nhớ, nghề trồng nấm phải công phu, tỉ mỉ, phải kiểm tra thường xuyên để xử lý ngay khi phát hiện các bệnh về nấm, trại phải luôn giữ môi trường râm mát, độ ẩm nhất định nấm mới phát triển tốt, rồi chăm sóc khi mưa, lúc nắng khác nhau, độ ẩm phải đo bằng máy... Đến nay, nhóm chị Nhớ thành công xây dựng 2 trại nấm với quy mô hơn 1.500m2, sản xuất quanh năm với 9 chủng loại nấm như nấm chân dài, hoàng đế, nấm mối đen, nấm sò thái, hồng ngọc, nấm bào ngư xám…
Từ việc phải nhập phôi để sản xuất, đội ngũ của chị Nhớ nắm vững kỹ thuật dựng trại nên tự chủ động sản xuất phôi nấm và làm giống. Trong đó những dòng nấm chân dài, hoàng đế, nấm mối đen thuộc dòng nấm cao cấp, giá trị dinh dưỡng cao được thị trường ưa chuộng. Đây cũng là những loại nấm chủ lực của trại. Mỗi loại nấm trồng từ 2-3 tuần là cho thu hoạch. Riêng nấm mối trồng khoảng 3-5 tuần mới thu hoạch được.
Nhờ tạo được nền móng vững chắc từ những ngày đầu khởi nghiệp, mô hình trồng nấm của nhóm bạn chị Nhớ dần dần đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, doanh thu năm 2022 trên 700 triệu đồng. Với quy mô sản xuất hiện tại, mỗi tháng công ty cung cấp cho thị trường từ 15.000-20.000 phôi nấm các loại và khoảng 1 tấn nấm tươi cho thị trường với giá bán từ 100.000-250.000 đồng/kg.
Sản phẩm nấm của Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh yêu thích mà còn cung cấp tại chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài địa phương, các nhà hàng lớn ở TP Hồ Chí Minh. Để phục vụ sản xuất, công ty còn thuê 7 lao động địa phương thực hiện khâu chăm sóc, thu hoạch nấm với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Chị Nhớ cho biết, xu hướng của khách hàng là sản phẩm phải sạch, an toàn, giá cả phải chăng. Do đó, thời gian tới công ty sẽ không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng được mở rộng.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH