02/10/2010 - 21:11

Nhớ về ngày giỗ cụ Nguyễn Trung Trực

Bàn thờ Nguyễn Trung Trực.

Hằng năm, cứ đến ngày 27 đến 29-8 âm lịch, người dân ở ĐBSCL đổ về thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) để tham dự lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực. Dịp lễ này là mọi người cùng chung tay lo giỗ tươm tất…

Giỗ cụ Nguyễn Trung Trực năm nào cũng đông đảo người đến dự. Chỉ trong ba ngày giỗ chính, ước tính có đến hàng trăm ngàn khách thập phương đến dâng hương, tưởng nhớ Cụ tại đình thờ ở Rạch Giá. Đó là chưa tính đến những ngôi đình thờ Cụ ở Phú Quốc, Hòn Đất, Châu Thành (Kiên Giang) và nhiều đình làng ở ĐBSCL.

Nguyễn Trung Trực lúc sinh thời là người Bình Định nhưng phải sớm phiêu bạt vào Nam từ nhỏ. Vì thế, cuộc đời và sự nghiệp của cụ gắn với miền Tây Nam bộ. Là người tinh thông võ nghệ và có lòng yêu nước nồng nàn, khi còn trẻ chàng trai họ Nguyễn đã ý thức được sự xâm lược của thực dân nên đã sớm có tư tưởng chống Pháp. Cuộc đời của cụ gắn với hai sự kiện nổi tiếng trong các phong trào chống Pháp lúc bấy giờ. Trận đầu tiên diễn ra vào năm 1861 trên vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An ngày nay). Cụ và các nghĩa binh là nông dân giả làm đám rước dâu trên sông để tiếp cận và đốt cháy tàu L’Esperance của quân Pháp. Chiến công này làm dấy lên phong trào chống Tây ngay sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ vào ngày 25-2-1861. Tiếng tăm của Nguyễn Trung Trực vang dội, làm binh lính Pháp phải dè dặt. Nhậm chức Lãnh binh, Nguyễn Trung Trực đưa quân về hoạt động ở các tỉnh miền Tây. Cụ đưa quân về trấn giữ Hà Tiên nhưng chậm một bước so với quân Pháp. Thay vì phải trở ra Bình Thuận theo lệnh triều đình, Nguyễn Trung Trực đưa quân xuống khu vực sông Cái Lớn (Kiên Giang) để chờ thời cơ. Uy tín của cụ đã lan rộng nên dễ dàng tập hợp được người yêu nước trong cộng đồng Kinh-Hoa-Khmer ở địa phương.

4 giờ sáng 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực dẫn quân xuất phát từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang) đánh úp đồn Kiên Giang, gây hoang mang trong quân lính Pháp. Sau đó, cụ kéo quân về Hòn Chông-Kiên Lương rồi ra Phú Quốc để tiếp tục chiến đấu. Nhưng quân Pháp quá mạnh, cuộc kháng chiến của Nguyễn Trung Trực sớm kết thúc. Không cam tâm để đồng đội bị đói khát, dân thường bị giết hại vô tội, cụ Nguyễn phải đầu hàng. Sau đó, cụ bị xử chém đầu tại chợ Rạch Giá. Người dân nghe hung tin, nhất là người dân Tà Niên, đã tổ chức dệt chiếu trải cho cụ đứng khi bị xử tử. Trước khi chết, cụ Nguyễn mở mắt nhìn bầu trời quê hương, nhìn những người cụ từng thọ ơn cưu mang cùng đồng đội trong thời gian qua. Cụ Nguyễn Trung Trực dõng dạt hô lớn: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.

Về sau, thi sĩ Huỳnh Mẫn Đạt quê ở Rạch Giá đã nhắc đến cụ qua hai câu thơ ghi lại hết công trạng của ông tại Long An và Kiên Giang:

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Đông đảo người dân dâng hương tại đền Nguyễn Trung Trực mỗi dịp lễ giỗ.

Nguyễn Trung Trực mất đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào. Một số người lén lập bàn thờ ông tại ngôi thờ cá voi tại Rạch Giá. Về sau, đền thờ này được công khai, trở thành đình Nguyễn Trung Trực đến ngày nay. Trong gian chính của đình có nhiều bàn thờ, trong đó có các bàn thờ chính: Bàn thờ Chánh soái Đại càn; bàn thờ 30 vị anh hùng dân tộc; Long đình cùng di ảnh Nguyễn Trung Trực; bàn thờ Nguyễn Trung Trực; bàn thờ chư vị hội đồng trăm quan cựu thần và Cửu huyền thất tổ. Phía cuối chính điện, có ba ngai thờ: Chính giữa là ngai thờ Nguyễn Trung Trực, bên trên có bức hoành phi đề 4 chữ “Anh Khí Như Hồng” để ca ngợi khí tiết của ông lúc sinh thời; trái có ngai thờ hai vị dưới quyền Nguyễn Trung Trực hay Phó cơ Nguyễn Hiền Điều và Phó lãnh binh Lâm Quang Ky; bên phải là ngai thờ Nam hải đại tướng quân theo truyền thống của cư dân miền biển.

Nhiều đình làng ở ĐBSCL cũng lập đình hoặc bàn thờ Nguyễn Trung Trực như một vị thần trấn giữ vùng đất. Theo thống kê chưa đầy đủ, đình và bàn thờ Nguyễn Trung Trực hiện có tại thành phố Rạch Giá, xã Mong Thọ và Vĩnh Hòa Hiệp-Châu Thành, xã Mỹ Lâm và thị trấn Sóc Xoài (Hòn Đất), Phú Quốc, Gò Quao (tỉnh Kiên Giang), xã Long Giang-huyện Chợ Mới, Vĩnh Trạch-huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang); đình Long Mỹ - huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang); xã Long Phú và xã An Lạc Thôn-huyện Kế Sách, Phú Lộc-huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng); đình An Hòa-huyện Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu). Hai câu thơ thi sĩ Huỳnh Mẫn Đạt ca ngợi cụ trở thành câu đối đặt hai bên bàn thờ cụ. Hậu thế gọi cụ là Cụ Nguyễn để tỏ lòng tôn kính. Nhiều người dân ở Kiên Giang và một số nơi cụ đặt chân qua lúc sinh thời để di ảnh Cụ ở nơi trang trọng trong nhà và lập bàn thờ như thờ tổ tiên. Tại các nơi bán đồ thờ cúng ở Rạch Giá, còn có di ảnh Nguyễn Trung Trực và câu liễn ghi hai câu thơ của Huỳnh Mẫn Đạt phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương.

Hàng năm đến dịp lễ giỗ, ai có gì thì mang đến dâng cúng. Đám giỗ cụ Nguyễn Trung Trực trở thành ngày lễ chung của nhiều người, ngày càng thu hút đông người. Hiện nay, lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực hàng năm trở thành lễ hội cấp khu vực, thu hút hàng trăm ngàn lượt người đến dự trong ba ngày chính. Những ngày giữa và đầu tháng âm lịch, rất đông người mang hương, quả đến viếng tại đình thờ và tượng đài Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá. Năm nay là 142 năm ngày cụ Nguyễn Trung Trực hy sinh. Cứ đến ngày này, nhân dân khắp nơi mang gạo, thực phẩm... về góp cho đình nấu nướng dâng lên cúng, lên đến hàng trăm tấn. Ban tổ chức lễ giỗ và khoảng 1.000 tình nguyện viên tổ chức nấu ăn, phục vụ miễn phí cho khách về dự trong suốt 3 ngày liền. Mấy năm gần đây, nhiều khách sạn giảm giá 30-50% trong dịp này để phục vụ du khách, coi như một khoản đóng góp nhỏ cho lễ giỗ. Chính quyền địa phương tổ chức các chương trình văn nghệ, sân khấu hóa và nhiều hoạt động phục vụ khách trong suốt thời gian này.

Lễ giỗ Nguyễn Trung Trực dù đã được khai thác thành lễ hội phục vụ du lịch, giữ nguyên được nghi thức cổ truyền: Lễ rước sắc thần, lễ tế đàn cả... Suốt 3 ngày giỗ, thành phố Rạch Giá nhộn nhịp. Tượng đài cụ Nguyễn đặt tại quảng trường Tự Do hay còn gọi là công viên Nguyễn Trung Trực... Khách đến Rạch Giá vào dịp này, đến đình dâng Cụ nén hương và thưởng thức các món ăn bình dị nhưng giàu lòng nhân ái của người dân khắp nơi mà mọi người bảo là “ăn lấy lộc”, có cơ hội thưởng thức chương trình sân khấu hóa hoành tráng tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của người Anh hùng dân tộc tại sân khấu chính trên đường Lạc Hồng cùng các chương trình tài tử của các dân tộc Kinh-Hoa-Khmer tại các sân khấu phụ; cơ hội thưởng thức ẩm thực biển và đặc sản Nam bộ tại phố ẩm thực ở khu lấn biển Rạch Giá... Đặc biệt là lễ rước sắc thần từ cổng Tam Quan về làm lễ tại tượng đài trước khi đưa vào đình là nghi thức truyền thống được kết hợp với một số chương trình biểu diễn võ thuật, múa lân sư rồng, múa dâng quả... đậm tính nhân văn.

NGUYỄN VĨNH BẢO

..................

1.Sách ‘’Hỏi đáp lịch sử Việt Nam’’, NXB Trẻ, năm 2007.

2.Sách “Nam Bộ - Đất và Người, NXB Trẻ ấn hành.

3.Nguyễn Trung Trực – thân thế và sự nghiệp của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (TPHCM)

4.Tài liệu về Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực của Ban quản lý đình Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá, Kiên Giang)

Chia sẻ bài viết