Truyện ngắn LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Phải bảy năm sau ngày cô mất tôi mới đến viếng mộ cô. Không phải vì tôi đã quên cô mà vì trong suốt những năm ấy, tôi nào có đủ can đảm để đến viếng. Cũng bởi vì tôi không đủ can đảm để đối diện với cô, với niềm tin cô đã dành cho tôi.
Cô là giáo viên dạy Văn cấp ba của tôi, đến từ xứ Huế. Ngay khi cô bước vào lớp và cất lên những lời giảng đầu tiên, học trò đã xôn xao. Ngày đó, học trò khối lớp 10 mới vào trường ngây ngô và nông nổi, nên sau buổi học đầu tiên, lớp chúng tôi đồng loạt kiến nghị đổi cô. Cô rất buồn, hôm sau đứng lớp cô nói những lời mà cho tới tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ: "Hãy để cô dạy các em thử một tuần. Cô biết vì giọng cô khó nghe, cô sẽ nói chậm lại để các em có thể nghe rõ hơn".
|
|
Trong suốt một tuần sau đó, bằng tất cả nỗ lực và sự kiên nhẫn của một nhà giáo cao niên, cô giảng từng chút, phát âm từng chữ rõ ràng. Chúng tôi lúc bấy giờ đều vô cùng ân hận trước sự nông nổi, nóng vội và hành xử có phần hỗn hào của mình. Sau này, khi nhắc lại, cô vẫn hay cười: "Vào được trường chuyên rất khó, học trò nào cũng muốn mình có thầy cô tốt nhất nên các em làm vậy cũng có thể hiểu được. Cô chỉ biết cố gắng điều chỉnh". Cô gắn bó gần gũi đến độ lũ bạn tôi có thể kể cho cô nghe những lo lắng thường nhật, từ chuyện bố mẹ không hiểu mình, đến sự bồi hồi khi thích một ai đó, và cả những bất đồng với những đứa bạn thân.
Nhưng có một đứa luôn giữ khoảng cách với cô, đó là tôi. Là con gái nhưng tôi ít nói và lạnh lùng. Từ nhỏ tôi đã quen cô độc vì là con một, thiếu thốn tình thương ba mẹ- những người giong ruổi theo những chuyến hàng xa và những chuyện tình thoáng qua, khiến không khí gia đình luôn ơ hờ lạnh lẽo. Lâu dần, sự cô độc và kiêu hãnh không cho phép tôi được tâm sự với ai những thiếu thốn và khốn khổ tình thân mà mình đang mắc phải.
"Em có ghét cô không?". Tôi đi học sớm, khi bác bảo vệ vừa mở cổng trường, vì ở nhà cũng chẳng có ai. Lăng quăng một mình vệ sinh lớp, xong thì ngẩn ra ngắm sân trường vắng lặng. Vừa vặn cô đi ngang qua lớp, thấy tôi ngồi một mình trong đó rồi hỏi.
Tôi lại ngẩn người trước câu hỏi đột ngột của cô. Cô lại hỏi "Thế em có thích cô không?". "Em không rõ"- Tôi đành thành thật. Thấy cô hơi buồn, tôi ra chiều có lỗi: "Em xin lỗi". "Sao lại xin lỗi? Cô biết chắc một điều là em không ghét cô. Vậy thì cô trò mình cứ từ từ thân nhau hơn nhé". Nói thế rồi cô mỉm cười dịu dàng quay lưng bước đi.
Từ đó tôi hay nhìn cô hơn. Mái tóc cô đã điểm bạc, chắc độ vài ba năm nữa cô sẽ về hưu. Cô có cách dạy hấp dẫn, đòi hỏi phải có cả kho tàng kiến thức và tình yêu bất tận cho văn chương. Mỗi khi cô giảng về một nhân vật, cô như sống trong nhân vật khiến chúng tôi nhớ và hiểu tận tường.
Trường tôi khi ấy chọn ra đội tuyển thi văn và tôi cũng có tên trong danh sách. Đội tuyển được học tập trung suốt mấy tháng cho tới khi sắp có kỳ thi cấp tỉnh, trường sẽ xét điểm học lực tất cả các môn để chọn những học sinh đủ điều kiện tham gia. Khi được vào đội tuyển, tôi luôn thấy hãnh diện, giống như được thừa nhận năng lực. Vì thế tôi ra sức học. Thế nhưng sát ngày thi, tôi là người duy nhất của đội tuyển bị loại khỏi danh sách. Vì điểm học lực môn Hóa của tôi khá tệ. Tôi hụt hẫng đến nỗi không đến lớp một tuần liền. Mấy lần cô tìm, tôi đều tránh gặp.
Vậy mà cô vẫn bao dung, vẫn dịu dàng khi tôi vượt qua cú sốc và đi học trở lại. Năm sau, lúc tôi lên lớp mười một, cô đưa tôi vào đội tuyển lần nữa, đồng thời theo dõi việc học môn Hóa của tôi. Suốt những ngày tháng tôi được trong đội tuyển, có những bạn học quý mến tôi, có những người gièm pha cô nâng đỡ riêng tôi. Những lúc như vậy, cô hay nói với tôi: "Em có năng khiếu văn chương và năng khiếu đó phù hợp với sáng tác hơn là gò bó trong khuôn khổ nhà trường. Nhưng cô vẫn muốn em tham gia đội tuyển, để hiểu thấu hơn về văn chương, làm nền tảng cho con đường sau này".
Những điều cô nói, lúc đó tôi chưa hiểu tường tận. Tôi chỉ biết phải cố gắng học thật tốt, để không phụ lòng tin của cô. Đến năm cuối cùng của bậc phổ thông, cô không dạy tôi nữa, dù tôi vẫn trong đội tuyển. Chúng tôi lặng người khi nghe tin cô bệnh nặng. Căn bệnh ung thư phổi khiến cô và gia đình quyết định chuyển về Huế, về với không gian êm đềm, cũng để chuẩn bị cho những ngày cuối đời tại quê cha đất tổ.
Cả lớp chúng tôi lần đầu tiên nếm trải cảm xúc đột ngột mất đi người thân thiết, nên hoang mang. Tôi cũng thế. Cả lớp xếp một ngàn con hạc giấy, để vào hũ thủy tinh, gửi ra Huế mong cô sớm bình phục. Tôi vẫn còn nhớ lúc chúng tôi đang học thể dục, một cuộc điện thoại gọi đến, là của cô. Tiếng được tiếng mất, cô nói với tôi: "Cô không sao. Nói với cả lớp cô vẫn khỏe. Còn em, cô mong em chọn con đường phù hợp với mình lúc học đại học. Trong cuộc sống cũng hãy mở lòng với mọi người. Hãy viết văn đi. Viết sẽ giúp em chia sẻ cảm xúc, yêu thương bản thân hơn". Tôi lặng thinh, nước mắt tuôn dài: "Em sẽ mãi nhớ cô".
Cô mất trước khi tôi thi tốt nghiệp. Suốt bốn năm đại học, tôi không có điều kiện đến Huế viếng mộ cô. Năm năm sau, tôi cố gắng xin việc ở một nhà xuất bản nhưng bất thành nên đi làm ở một công ty nhỏ. Hổ thẹn với cô, tôi trốn biệt. Năm thứ sáu, tôi vẫn chỉ là một người viết quèn, không dám đem những tác phẩm mình gửi đến cô. Đến năm thứ bảy, khi được nhận vào làm trong một tòa soạn báo văn nghệ, thỏa ước mơ được viết, tôi mới đến viếng mộ cô. Trên di ảnh cô vẫn nở nụ cười hiền nhìn tôi. Tôi thầm thì: "Em đã làm được rồi, cô đã đợi em lâu rồi, phải không?".