30/12/2009 - 21:41

BÀ NGUYỄN THỊ MỸ PHƯƠNG, PHÓ GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI TP CẦN THƠ:

Nhiều thay đổi trong việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế

 

Từ ngày 1-1-2010, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được sử dụng theo mẫu thống nhất trong cả nước. Các thẻ BHYT đã được cấp trong năm 2009, đều phải chuyển sang sử dụng mẫu thẻ do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành. Xung quanh quy định mới này, bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Phó Giám đốc BHXH TP Cần Thơ, cho biết:

Căn cứ Nghị định số 62/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27-7-2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT và Quyết định số 1359/QĐ-BHXH quy định về việc “cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHXH” do BHXH Việt Nam ban hành ngày 25-11-2009 về quyền lợi của một nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ có thay đổi. Do đó, để giúp người tham gia BHYT nắm bắt kịp thời khi đi khám chữa bệnh BHYT và có sự phối hợp tốt giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong công tác tiếp nhận bệnh nhân BHYT, công tác giám định thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, chúng tôi xin thông tin một số vấn đề sau: Kể từ ngày 1-1-2010 toàn bộ thẻ BHYT đã phát hành theo mẫu và mã thẻ (cũ) dù còn thời hạn sử dụng đều phải chuyển qua mẫu và mã thẻ mới.

* Đặc điểm của mẫu thẻ BHYT mới, công tác cấp đổi thẻ lần này đã thực hiện thế nào?

Thực hiện Luật BHYT, các bệnh viện đều bố trí khu vực phục vụ dành riêng cho bệnh nhân dùng thẻ BHYT - Trong ảnh: Bệnh nhân dùng thẻ BHYT đăng ký khám bệnh tại BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long.
Ảnh: M.NGUYỆT 

- Thẻ BHYT mới ngoài thông tin cá nhân của người dùng thẻ, như: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ thường trú, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu còn có ảnh 2x3 cm và mã vạch (phục vụ công tác thanh toán chi phí khám chữa bệnh). Hiện nay, BHXH TP Cần Thơ đã hoàn tất công tác phát hành thẻ, căn cứ vào nhu cầu thực tế do BHXH các quận, huyện báo cáo để phục vụ cho nhu cầu cấp, đổi thẻ cho người tham gia BHYT kể cả BHYT bắt buộc và tự nguyện. Các thẻ phát hành trong năm nay, chưa thực hiện quy định về ảnh và mã vạch, về việc này, BHXH Việt Nam sẽ có văn bản hướng dẫn riêng. Dự kiến sẽ thực hiện thống nhất trong toàn quốc vào năm 2014.

Đối với người có trách nhiệm tham gia BHYT (BHYT bắt buộc), thời hạn sử dụng ghi trên thẻ từ ngày đầu của tháng. Đối với người tự nguyện tham BHYT, nếu tham gia lần đầu hoặc tham gia sau một thời gian bị gián đoạn, thì thời hạn sử dụng của thẻ tối thiểu sau 30 ngày kể từ ngày nộp tiền vào quỹ BHYT và trên thẻ ghi ngày sử dụng là ngày đầu tiên của tháng.

* Việc sử dụng thẻ BHYT trong thời điểm chuyển tiếp?

- Quyền lợi của tất cả những người có thẻ BHYT mới khi đi khám chữa bệnh từ ngày 1-1-2010 được tính theo quy định tại Chương III Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành ngày 14-8-2009, hướng dẫn thực hiện BHYT. Riêng người có thẻ BHYT (theo mẫu cũ) đang điều trị nội trú tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trước thời điểm ngày 1-1-2010 - nếu thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng sang năm 2010, thì vẫn được duy trì chế độ đến khi ra viện.

* Trường hợp thẻ BHYT bị sai thông tin cá nhân hoặc nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thì người nhận thẻ phải làm gì?

- Thẻ BHYT được cấp lại trong các trường hợp thẻ bị mất và được đổi trong các trường hợp sau: bị hư - rách, thông tin ghi trên thẻ không đúng hoặc người sử dụng thẻ cần thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.

Hồ sơ thủ tục cấp lại, đổi thẻ BHYT gồm: Đơn đề nghị của người sử dụng thẻ BHYT (mẫu số 02/THE, có tại các cơ sở phát hành thẻ BHYT), ngoài ra còn phải có thêm các giấy tờ như: Giấy chứng minh là người có công với cách mạng (dành cho trường hợp người sử dụng thẻ cần nâng cao quyền lợi BHYT), công văn đề nghị của đơn vị quản lý đối tượng cùng tham gia BHXH, BHYT, kèm theo giấy chứng minh nhân dân hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu của người tham gia BHYT (trường hợp cần hiệu chỉnh nhân thân).

* Trình tự, thời hạn và chi phí đối với việc cấp mới hoặc đổi thẻ BHYT?

Mẫu thẻ BHYT mới. 

- Việc cấp, đổi thẻ BHYT được thực hiện tại cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ. Khi được cấp lại hoặc đổi thẻ mới người tham gia BHYT phải nộp chi phí cho cơ quan BHXH theo quy định của Bộ Tài chánh. Trường hợp cấp lại hoặc đổi thẻ BHYT do thông tin in trên thẻ sai mà lỗi thuộc về cơ quan BHXH thì không thu phí.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn đề nghị cấp lại hoặc đổi thẻ BHYT, cơ quan BHXH sẽ cấp lại hoặc đổi thẻ cho người tham gia BHYT.

* Với đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi việc sử dụng thẻ BHYT mới sẽ thực hiện như thế nào?

- Do theo quy định trẻ em từ lúc sinh ra là đã được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh theo chế độ BHYT (căn cứ trên khai sinh) cho đến 72 tháng tuổi. Vì vậy, việc cấp thẻ BHYT mới đối với trẻ em dưới 6 tuổi có nhiều quy định mang tính chất mềm dẻo, tạo thuận lợi cho các bệnh viện cũng như các bậc phụ huynh, cụ thể: Trẻ em sinh trước ngày 1-10-2009, đã được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT là từ ngày 1-10-2009 đến hết hạn sử dụng đã được ghi trên thẻ khám chữa bệnh đó. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 1-10-2009 đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi.

* Xin cảm ơn bà!

Đ.KHÔI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết