19/10/2011 - 09:09

VĨNH THẠNH

Nhiều mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh đã đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương đang cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao đời sống nông dân...

Nhiều nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh khá lên nhờ nuôi ếch.  

Huyện Vĩnh Thạnh là vùng chuyên canh lúa hàng hóa tập trung; chủ yếu là lúa chất lượng cao và lúa thơm, một số diện tích sản xuất lúa giống đáp ứng nhu cầu lúa giống phục vụ gieo sạ lúa hàng hóa tại địa phương và các khu vực lân cận. Diện tích sản xuất lúa của Vĩnh Thạnh hơn 25.000 ha và chiếm gần 1/3 diện tích sản xuất lúa của TP Cần Thơ. Nông dân huyện Vĩnh Thạnh chủ yếu sản xuất 2 vụ lúa chính trong năm (đông xuân và hè thu), một số vùng có đê bao hoàn chỉnh có thể xuống giống 3 vụ lúa trong năm (năm 2011 toàn huyện xuống lúa vụ 3 hơn 8.000 ha). Hàng năm, do nước lũ thường dâng cao nên diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện không lớn, hiện có hơn 68 ha. Diện tích nuôi thủy sản của huyện trong 9 tháng đầu năm nay thả nuôi hơn 816 ha (chủ yếu là cá tra, cá lóc, cá rô, ếch, cá trê, ba ba, lươn, cá ruộng, tôm ruộng...) đã thu hoạch hơn 253 ha, sản lượng hơn 20.289 tấn...

Thời gian qua, các cấp hội nông dân của huyện Vĩnh Thạnh đã tích cực phát động phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Theo Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh, từ đầu năm đến nay, đã xét công nhận nông dân đạt danh hiệu sản xuất giỏi các cấp năm 2011 được 10/11 cơ sở xã, thị trấn. Kết quả: có 131 nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương, 587 nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố, 2.106 nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và 5.952 nông dân sản xuất giỏi cấp cơ sở... Còn lại 1 đơn vị cơ sở sẽ tiếp tục xét công nhận trong thời gian tới. Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện đã đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao... Nhờ đó, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có nhiều mô hình nông dân sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ông Phan Văn Năm, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn huyện chủ yếu là sản xuất lúa (nhất là sản xuất lúa giống), một số mô hình thủy sản và chăn nuôi. Ngành nông nghiệp huyện tập trung hướng dẫn nông dân khâu kỹ thuật sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả... Hướng tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ củng cố các tổ hợp tác để xây dựng nên các cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa hàng hóa. Huyện đã định hướng Tổ hợp tác sản xuất Đồng Vạn (ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An) xây dựng cánh đồng mẫu lớn của địa phương. Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ cũng đang triển khai xây dựng cánh đồng mẫu của thành phố ở ấp Thầy Ký. Dự kiến, trong vụ đông xuân 2011-2012, huyện xây dựng thêm 2 cánh đồng mẫu tại xã Thạnh An và xã Thạnh Lợi, mỗi điểm khoảng 300 ha...

Ở Vĩnh Thạnh, còn có mô hình nông dân sản xuất lúa giống cho hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Tiên, ở ấp C1, xã Thạnh Thắng, sản xuất lúa giống đã 5 năm nay. Với diện tích chuyên sản xuất lúa khoảng 3,5 ha, trong đó dành ra 1 ha sản xuất lúa giống 2 vụ/năm, còn lại sản xuất lúa hàng hóa. Theo ông Tiên, 1 ha sản xuất lúa giống (lúa OM 2517) mỗi năm cho sản lượng khoảng 13,5 tấn (đông xuân khoảng 8 tấn và hè thu khoảng 5,5 tấn), bán với giá 7.000 đồng/kg cho thu nhập hơn 90 triệu đồng, trừ chi phí lời trên 30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tiên cho biết ông đang là thành viên Câu lạc bộ Sản xuất lúa giống Thắng Lợi, có tổng cộng 13 thành viên. Mỗi thành viên tham gia sản xuất lúa giống với diện tích khoảng 1 ha. Lúa giống các thành viên làm ra thường có giá cao hơn lúa hàng hóa trên thị trường từ 1,2-1,5 lần nên có lãi cao hơn so với sản xuất lúa hàng hóa. Hiện nhu cầu lúa giống của các nông dân tại địa phương và các vùng lân cận rất lớn nên lúa giống của các thành viên câu lạc bộ làm ra đều bán hết...

Mô hình sản xuất lúa giống ở Vĩnh Thạnh được xem là phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của thành phố. Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố hướng nông dân các huyện ngoại thành từng bước chuyển qua sản xuất lúa giống cung ứng cho nhu cầu tại địa phương và các tỉnh lân cận trong khu vực ĐBSCL. TP Cần Thơ đang có nhiều thuận lợi, nhất là trên địa bàn có Viện Lúa ĐBSCL đang lai tạo ra nhiều giống lúa có chất lượng, năng suất cao, kháng sâu bệnh...

Tại Vĩnh Thạnh còn có nhiều nông dân nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Xuân Lý (ở ấp Lân Quới 2, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh) nuôi ếch đã được hơn 5 năm nay, cho biết: Năm nay, giá thức ăn công nghiệp tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, nếu nắm vững được kỹ thuật nuôi ếch (ếch ít bị bệnh) có thể đảm bảo mô hình nuôi thủy sản này có lãi cao... Mỗi năm, ông Lý bán khoảng 4-5 đợt ếch (mỗi đợt khoảng 700-1.000 kg), với giá khoảng 27.000-28.000 đồng/kg, thu gần 100 triệu đồng, lãi hơn 30 triệu đồng/năm. Trong khi đó, nuôi ếch vèo không đòi hỏi diện tích nuôi lớn, mỗi vèo có diện tích chỉ khoảng 15 m2, mỗi hộ thường nuôi chừng 10 vèo. Đầu ra con ếch hiện nay thuận lợi, thương lái đến tận nơi thu mua. Do mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình nuôi ếch được nhiều nông dân trong khu vực này nhân rộng...

Bài, ảnh: HỒNG BẢO

Chia sẻ bài viết