Thị trường máy tính xách tay và máy tính để bàn đã chững lại do không còn sức hút và thiết kế đã “đóng băng”. Tuy nhiên, Asus và HP cho thấy máy tính xách tay và máy tính để bàn vẫn còn không gian sáng tạo khi họ ra mắt nhiều mẫu máy tính mới độc lạ tại Hội chợ máy tính lớn nhất thế giới Computex 2019 đang diễn ra ở Đài Loan (từ ngày 28-5 đến 1-6).
Máy tính hai màn hình ZenBook Pro Duo độc đáo của Asus.
Máy tính xách tay có màn hình phụ thế chuột cảm ứng
Trước tiên, Asus mang đến dòng máy tính xách tay ZenBook và VivoBook với màn hình cảm ứng nhỏ độc đáo thế chỗ cho vùng rà chuột cảm ứng.
Máy tính xách tay ZenBook 13 (UX324), ZenBook 14 (UX434), và ZenBook 15 (UX534) thuộc dòng máy tính xách tay mỏng, nhẹ cao cấp mới. ZenBook 13 có màn hình 13,3 inch và ZenBook 14 có màn hình 14 inch, được trang bị tối đa là đồ họa Intel UHD 620. Trong khi đó, ZenBook 15 sở hữu đồ họa NVIDIA GeForce GTX 1650 và lựa chọn hỗ trợ màn hình 4K. Cả 3 mẫu máy tính này đều sở hữu bộ xử lý từ Intel Core i5-8265U đến Core i7-8565U Whiskey Lake, ổ lưu trữ SSD đến 1TB và bộ nhớ RAM từ 8-16 GB. Cả 3 đều có màn hình phụ thay thế vùng rà chuột cảm ứng thế hệ mới Screenpad 2.0. Màn hình này có kích thước 5,65 inch, độ phân giải 2.160x1.080 pixel, có thể được sử dụng để xem các ứng dụng, các biểu tượng hay như vùng rà chuột cảm ứng thông thường. Do Screenpad 2.0 chỉ sử dụng đồ họa tích hợp của Intel, các máy tính xách tay này sẽ không làm hao tốn pin như trước đây.
Mang thiết kế tương tự, nhưng VivoBook S14 và VivoBook S15 có giá cả rẻ hơn. VivoBook S14 có màn hình 14 inch Full HD, với lựa chọn bộ xử lý từ Core i5 đến Core i7 Whiskey Lake, bộ nhớ RAM đến 16 GB và ổ lưu trữ SSD 256 GB. VivoBook S15 cũng sở hữu cấu hình tương tự, nhưng có màn hình lớn hơn và cho phép lựa chọn thêm ổ cứng HDD. Cả hai đều có cổng USB 3.1 Type-C, Type-A, HDMI, giắc âm thanh 3,5mm, đầu đọc thẻ nhớ microSD và màn hình phụ ScreenPad 2.0. Cả hai đều có các phiên bản mang mã hiệu FL cho đồ họa rời NVIDIA GeForce MX250, và FA cho đồ họa tích hợp Intel UHD.
Máy tính xách tay có màn hình phụ lớn
Asus còn muốn đưa tính năng hai màn hình thành tính năng phải có trên máy tính xách tay với mẫu máy tính mới ZenBook Pro Duo. Sản phẩm này gây ấn tượng với màn hình chính 15,6 inch HDR OLED 4K có viền siêu mỏng, cùng màn hình phụ 14 inch độ phân giải 3.840x1.100 pixel với tỷ lệ 32:9. Cả hai đều là màn hình cảm ứng cho mọi thao tác Windows thông dụng. Màn hình phụ được gọi là 4K ScreenPad Plus, cho phép kéo cửa sổ lên/ xuống giữa hai màn hình, và được trang bị một số điều khiển đặc biệt.
ZenBook Pro Duo chủ yếu nhắm đến người dùng sáng tạo nội dung nên cấu hình của nó rất cao với bộ xử lý từ 6 nhân Core i7-9750H cho đến 8 nhân Core i9-9980HK, đồ họa GeForce RTX 2060, RAM đến 32 GB, ổ SSD 1TB và kết nối mới nhất WiFi-6/802.11ax.
Máy tính "tất cả trong một" All-in-One nâng cấp được
Khác với Asus, HP lựa chọn thiết kế sáng tạo mới cho máy tính All-in-One với màn hình Mini-in-One 24 Display. Khắc phục nhược điểm trước đây của các máy tính All-in-One là không cho phép nâng cấp, Mini-in-One 24 Display mang đến thiết kế linh hoạt hơn.
Thực tế, HP Mini-in-One 24 Display là một màn hình có khe gắn máy tính nhỏ HP Mini ở phía sau. Khi muốn nâng cấp bộ nhớ hay ổ đĩa lưu trữ, bạn chỉ việc tháo cục HP Mini ở phía sau ra, mở nó ra, rồi thay linh kiện mới. Khi muốn chuyển sang một mẫu mới có bộ xử lý mới hơn, nâng cấp bo mạch chủ hay nâng cấp nhiều linh kiện khác, bạn có thể rút cục HP Mini ra để đổi một mẫu mới hơn và mạnh hơn. HP Mini-in-One 24 Display sở hữu màn hình 23,8 inch độ phân giải 1.920x1.080 pixel, tích hợp loa âm thanh nổi, webcam 1080p và micrô kép. Nó kết nối với máy tính HP Mini cáp USB-C.
HP cũng ra mắt máy tính nhỏ rời cho thiết kế này là EliteDesk Mini G5. Nó được trang bị bộ xử lý từ Intel Celeron G4930 tới Core i7-8700, bộ nhớ RAM tới 64 GB, ổ đĩa SSD 512GB hay ổ đĩa HDD 2 TB.
HP Mini-in-One 24 Display sẽ được tung ra thị trường vào tháng 8 tới với giá khởi điểm 279 USD (chưa tính máy tính HP Mini). Trong khi đó, EliteDesk Mini G5 sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 7 tới với giá 924 USD.
LÊ PHI (Theo Liliputing)