07/12/2015 - 20:25

Nhiều kiến thức bổ ích cho thai phụ

Sáng cuối tuần, lớp học tiền sản do Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ tổ chức với sự hỗ trợ của nhãn hàng Obimin, thu hút hơn 50 thai phụ và thân nhân tham dự. Đến với lớp học, các thai phụ được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, để có một thai kỳ khỏe mạnh – thai nhi khỏe mạnh.

Tại lớp học, bác sĩ Nguyễn Xuân Thảo, Quyền Trưởng khoa Khám bệnh, BV Phụ sản TP Cần Thơ, chia sẻ những vấn đề cần thiết thai phụ cần quan tâm thực hiện trong thai kỳ:

* Tuân thủ lịch khám thai:

3 tháng đầu, bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ thực hiện một số xét nghiệm như: kiểm tra nhóm máu, các bệnh viêm gan, giang mai, tầm soát tiểu đường trong thai kỳ… để đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại, đồng thời sàng lọc một số bệnh lý tiềm ẩn. Đối với thai nhi, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm để kiểm tra tim thai, phôi thai và loại trừ một số bệnh lý bất thường của thai giai đoạn này như thai trứng, thai ngoài tử cung... Giai đoạn thai được 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm đo khoảng mờ da gáy và thực hiện xét nghiệm Doupple test để kiểm tra bất thường nhiễm sắc thể thai nhi như bất thường nhiễm sắc thể 13 (Hội chứng Patau), bất thường nhiễm sắc thể 18 (Hội chứng Edwards), bất thường nhiễm sắc thể 21 (hội chứng Down) của trẻ. Nếu thai phụ không được sàng lọc 3 tháng đầu thai kỳ, 3 tháng giữa thai kỳ (thai khoảng 15 tuần đến 21 tuần), thai phụ sẽ được kiểm tra bất thường nhiễm sắc thể thai qua xét nghiệm sàng lọc Tripples test. Bác sĩ sẽ tiếp tục kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ, đánh giá sự phát triển của thai, siêu âm hình thái học thai nhi khi tuổi thai được 20 – 24 tuần.

Điều dưỡng BV Phụ sản TP Cần Thơ hướng dẫn thai phụ và thân nhân cách tắm bé tại lớp học tiền sản.

 

* Tiêm ngừa trong thai kỳ: Giai đoạn mang thai, chị em chỉ nên tiêm ngừa uốn ván, tuyệt đối không tiêm những loại vắc xin được bào chế từ virus sống như sởi, rubella, thủy đậu …, vì dễ gây dị tật thai. Lịch tiêm ngừa uốn ván: nếu thai phụ mang thai lần đầu, tiêm 2 mũi là đủ, mũi thứ nhất khi thai khoảng 5 tháng tuổi, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 1 tháng (và phải tiêm trước sanh ít nhất một tháng). Lần mang thai thứ hai cách lần mang thai thứ nhất trong 5 năm, chỉ cần tiêm nhắc lại một mũi là đủ; còn nếu trên 5 năm thì nên tiêm lại 2 mũi uốn ván.

* Mẹo vặt giúp thai phụ bớt ốm nghén: Trong thai kỳ, nhất là 3 tháng đầu, thai phụ có thể gặp những triệu chứng khó chịu như: buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn… Khi đó, chị em nên chia ra nhiều bữa ăn nhỏ (khoảng 2, 3 giờ ăn một lần), tránh để quá đói hay quá no đều không tốt đối với sức khỏe. Nếu quá đói, dễ dẫn đến đau dạ dày, hạ đường huyết trong thai kỳ. Và để tránh hạ đường huyết, các thai phụ có thể ăn nhẹ trước khi ngủ. Ngoài ra, uống trà gừng hay trà thảo mộc cũng giúp giảm cảm giác buồn nôn.

* Dinh dưỡng hợp lý: Thai phụ cần ăn đầy đủ các chất đạm, chất béo, tinh bột đường, cũng như các vitamin và khoáng chất. Chất đạm có nhiều trong thịt heo, bò, gà, trứng, các loại đậu... Chất béo có nhiều trong sữa động vật, dầu thực vật, các loại cá như cá thu, cá hồi… giúp bổ sung DHA là thành phần kiến tạo não bộ và cơ thể; đồng thời cung cấp thêm năng lượng, giúp cơ thể dễ dàng hấp thu các vitamin A,D,E... Tinh bột đường có nhiều trong gạo, bánh mì, ngũ cốc, bắp ngô khoai. Chất xơ và vitamin có nhiều trong trái cây và rau củ quả tươi. Thai phụ cần chú ý bổ sung chất xơ trong thai kỳ, tránh tình trạng táo bón cho thai phụ và các vitamin rất cần thiết cho mẹ và thai nhi.

Lưu ý một số thực phẩm nên tránh. Đó là không nên uống rượu bia, hút thuốc lá và những thức ăn có chất bảo quản. Thai phụ hút thuốc sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, dẫn đến các bất thường nhiễm sắc thể, gây dị dạng cho thai nhi. Trong thai kỳ thai phụ cũng tránh ăn quá mặn, vì có thể gây tình trạng cao huyết áp trong thai kỳ và gây bệnh lý sản giật, tiền sản giật, nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

* Thiếu máu, thiếu sắt trong thai kỳ

Thiếu máu là vấn đề thường gặp ở hầu hết thai phụ. Thiếu máu nhẹ biểu hiện da xanh, mệt mỏi, chán ăn, mất tập trung, giảm sức đề kháng của người mẹ. Thiếu máu nặng, có thể làm cho da xanh, niêm nhợt, móng tay dẹt, khó thở và có thể ảnh hưởng tới tim, phổi. Thiếu máu dễ gây sẩy thai, sinh non, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng sinh sản, suy dinh dưỡng bào thai, trẻ sinh nhẹ cân…

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần uống viên sắt, nhất là giai đoạn mang thai, cho con bú. Chất sắt có nhiều trong các loại thịt heo, bò, trứng, nội tạng động vật và các loại rau (rau ngót, rau muống, rau dền…). Chất sắt giúp quá trình tạo máu cho thai phụ, phòng tình trạng thiếu máu thiếu sắt cho mẹ và bé. Tuy nhiên, cơ thể chỉ hấp thu từ 10% - 15% lượng sắt từ thức ăn hằng ngày. Do đó, trong thai kỳ cần bổ sung thêm viên sắt hàng ngày. Nhu cầu axit folic trong thai kỳ cũng tăng và các chị em nên bổ sung axit folic trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Thiếu axit folic có thể gây dị tật ống thần kinh, thai vô sọ hoặc chẻ đôi đốt sống… Ngoài ra, trong thai kỳ thai phụ còn gặp phải vấn đề thiếu can xi, do nhu cầu can xi trong thai kỳ tăng khoảng 1.200mg/ngày, tuy nhiên lượng can xi cung cấp từ thức ăn hằng ngày chỉ trên 500mg. Thiếu can xi sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành khung xương của bé, thai phụ có biểu hiện đau lưng, chuột rút, vọp bẻ và dễ bị tình trạng loãng xương sau này.

Do đó, trong thai kỳ, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, thai phụ cần bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, can xi, axit folic và DHA. Can xi nên uống vào buổi sáng để hấp thu tốt nhất, tránh uống buổi tối, lắng đọng canxi dễ tạo sỏi. Sắt nên uống trước thời điểm ăn trưa 1 giờ. Không nên uống cùng lúc sắt và canxi, nên uống cách giờ để cơ thể hấp thu tốt nhất hai chất này.

* Thai phụ cần đến cơ sở y tế chuyên khoa ngay, khi có những dấu hiệu: đau bụng nhiều, ra nước âm đạo, ra máu âm đạo, thai máy yếu, huyết áp cao, sốt cao, đau đầu, chóng mặt...

Bác sĩ Nguyễn Xuân Thảo khuyến cáo: Để có một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi khỏe mạnh thì chị em cần kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi mang thai với mục đích đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại và phát hiện một số bệnh lý tiềm ẩn như bệnh lý tim mạch, nội tiết… Đồng thời có thể tiêm ngừa một số bệnh lý trước khi mang thai. Thai phụ nên khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ và khi có những dấu hiệu bất thường cần đến bệnh viện khám ngay.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết