Từ đầu tháng 10 đến nay đã có hàng chục ngàn lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trở về tỉnh Cà Mau. Rất nhiều người trong số này đang cần có việc làm để ổn định cuộc sống. Mặc dù ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã có những giải pháp hỗ trợ bà con, nhưng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, để giải quyết thực trạng này vẫn đang là bài toán khó.
ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng có thế mạnh về thủy sản, cần tập trung đào tạo nhân lực cho ngành này.
Gần 2 tháng nay, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau có hơn 4.000 người đi lao động ở các tỉnh trở về quê tránh dịch. Bà con ai cũng mong muốn kiếm việc làm để lo cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, để có được việc làm ổn định trong điều kiện hiện nay là rất khó, nên nhiều người phải làm những công việc tạm bợ nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống.
Gia đình anh Nguyễn Mạnh Khương ở xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, đi làm công nhân tại tỉnh Bình Dương, trở về địa phương tránh dịch đã hơn 1 tháng. Sau thời gian dài nơi đất khách quê người không có việc làm, vợ chồng anh trở về quê với hai bàn tay trắng. Trong thời gian cách ly theo quy định, gia đình anh nhận được hỗ trợ của địa phương để trang trải khó khăn. Sau khi hoàn thành cách ly, không có việc làm, anh Khương đi lấy bánh mì bán để nuôi 4 miệng ăn nhưng đồng lời từ việc làm tạm bợ này không đủ đảm bảo đời sống. “Tôi bán bánh mì mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng, lo được sữa cho mấy nhỏ nhưng còn cơm áo của cả nhà vẫn đang phải tính thêm. Điều tôi mong muốn nhất lúc này là sao kiếm được công việc có thu nhập ổn định để còn lo cho 2 con nhỏ” - anh Khương tâm sự.
Toàn xã Hòa Mỹ đã tiếp nhận hơn 400 công dân trở về địa phương tránh dịch, hầu hết đều đã hoàn thành cách ly y tế, trở lại cuộc sống bình thường. Sau việc lo an sinh xã hội trong thời gian cách ly, chính quyền địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho những người trở về quê. Ông Hà Phương Đông, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho biết: “Khi bà con từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh... về, địa phương đã cố gắng thực hiện tốt các chính sách an sinh, hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện tại nhiều hộ chưa tìm được việc làm, cuộc sống rất khó khăn. Vừa qua, xã đã rà soát lại các trường hợp này để có chương trình giới thiệu, tư vấn việc làm, tuy nhiên lại tiếp tục gặp phải vấn đề là ngành nghề của lao động trở về không phù hợp nhu cầu ở địa phương. Còn việc đào tạo nghề cho lao động trong điều kiện hiện nay cũng gặp những khó khăn nhất định”.
Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường lao động của tỉnh đã bị biến động mạnh. Từ khoảng đầu tháng 10 đến nay, có trên 54.800 lao động trở về địa phương. Qua rà soát, có khoảng 44.000 người cần được giải quyết việc làm. Trong khi trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp đang cần khoảng 6.000 lao động, chủ yếu tuyển lao động giản đơn nhưng không phải ai cũng phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có một bộ phận người lao động mặc dù đang gặp khó nhưng lo ngại dịch COVID-19 nên chưa đi làm.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cũng như các tỉnh trong vùng ĐBSCL, vấn đề giải quyết việc làm cho người về quê đang là một bài toán khó. Sở đã đi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương... gặp trực tiếp các doanh nghiệp thiếu lao động để bàn giải pháp. Từ nhu cầu của doanh nghiệp, Sở đã chỉ đạo phát phiếu điều tra về nhu cầu việc làm để nắm thông tin của từng người. Từ đó, khi có công việc phù hợp, sẽ giới thiệu ngay để giải quyết nhanh nhất nhu cầu của bà con. Tín hiệu đáng mừng là bên cạnh nhu cầu của doanh nghiệp trong tỉnh giải quyết được một bộ phận thì rất nhiều lao động của địa phương cũng đã đăng ký trở lại các tỉnh Đông Nam bộ làm việc trong thời gian tới”.
Mới đây, Sở LĐ-TB&XH Cà Mau phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ tổ chức hội thảo “Đào tạo lao động cho doanh nghiệp trong bối cảnh sau giãn cách dịch bệnh COVID-19” để giải bài toán đã nêu trên. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển quản trị (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), dịch COVID-19 đã đặt ra cho mọi người vấn đề phải thích nghi. Người lao động và doanh nghiệp cũng phải thích nghi. Ví dụ như vấn đề làm việc từ xa, làm việc tại nhà. Cần lưu ý, người lao động trong điều kiện dịch bệnh không chỉ có trách nhiệm với công việc mà còn nặng vấn đề chăm sóc sức khỏe gia đình, cha mẹ già. Doanh nghiệp cần lưu ý tới những vấn đề này để có giải pháp phù hợp giữ chân được nhân lực. Bên cạnh đó, việc đào tạo lao động luôn là vấn đề quan trọng nhất nhưng trong điều kiện hiện nay thì phải đào tạo theo hướng thích ứng.
“Từ xưa tới giờ, một doanh nghiệp thường có rất nhiều ngành nghề, vị trí việc làm khác nhau. Thường doanh nghiệp cứ chia đều khoản tiền đào tạo ra để đào tạo cho từng bộ phận. Bây giờ thì phải thay đổi, đào tạo theo chiến lược. Trong chiến lược đó, lao động nào là mấu chốt, là sống còn của doanh nghiệp thì phải tập trung. Như tại ĐBSCL nói chung, tại Cà Mau nói riêng, thủy sản là thế mạnh nên cơ quan chức năng, doanh nghiệp lấy đào tạo cho ngành thủy sản là chính. Tuy nhiên, trong ngành đó thì nhân lực bộ phận nào là chủ chốt, quan trọng để tạo ra giá trị gia tăng cao thì phải tập trung vào” - Tiến sĩ Lam nói.
Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ: Suốt thời gian xảy ra dịch bệnh trong năm nay, ước có khoảng 500.000 người chủ yếu ở Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh... trở về các tỉnh vùng ĐBSCL. Tính từ đầu tháng 10, có trên 400.000 người dân trở về, khoảng 85% là người trong độ tuổi lao động. Đa số người trở về là lao động có trình độ thấp, chưa được đào tạo nghề. An Giang và Cà Mau là 2 tỉnh có số lao động hồi hương nhiều nhất vùng ĐBSCL.
Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA