06/05/2008 - 10:08

Khảo sát tình hình thực hiện cam kết gia nhập WTO:

Nhiều địa phương còn lúng túng, thiếu chủ động

(TTXVN)- Sau gần 2 tháng khảo sát tình hình thực hiện cam kết gia nhập WTO tại 20 tỉnh, thành phố và một số bộ, ngành liên quan, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án STAR Việt Nam, ngày 5-5, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết đợt khảo sát.

Kết quả khảo sát cho thấy, việc thực thi các cam kết gia nhập WTO được triển khai khá tích cực tại các địa phương, góp phần tăng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, từ việc xây dựng Chương trình hành động đến công tác tuyên truyền, rà soát văn bản, cải cách thể chế, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, nhiều địa phương còn lúng túng, thiếu chủ động, có biểu hiện trông chờ của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương, chính quyền địa phương đối với Trung ương. Theo ông Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng Đoàn khảo sát: nguyên nhân cơ bản là do thiếu sự phối hợp đồng bộ, rõ ràng giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương trong vùng kinh tế và giữa các cơ quan trong cùng một địa bàn. Chính quyền các cấp còn lúng túng trong việc nhận diện và lựa chọn giải pháp nhằm phát huy, tận dụng những cơ hội của việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO mang lại; chưa đặt việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh hội nhập WTO, để nhận rõ thời cơ, cũng như thách thức.

Bà Phạm Chi Lan, ông Trần Đình Thiên (Viện nghiên cứu kinh tế nhà nước), cũng như nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực kinh tế quốc tế đều cho rằng chúng ta còn thiếu một tầm nhìn về tính liên kết vùng, liên kết khu vực, thiếu một chiến lược hành động tổng thể trong đó đòi hỏi vai trò điều phối của Nhà nước, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Đã đến lúc chúng ta cần khuyến khích một không gian kinh tế rộng hơn, nếu không muốn nền kinh tế tiếp tục manh mún, nhỏ lẻ. Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về thực trạng cơ sở hạ tầng yếu kém, sự thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đã gây không ít khó khăn cho việc thực thi các cam kết gia nhập WTO. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc thực thi các cam kết gia nhập WTO cần phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, từng nhóm đối tượng, trong đó cán bộ chủ chốt các ngành, địa phương phải là đối tượng trước tiên cần nắm rõ các cam kết, lộ trình hội nhập WTO, từ đó công tác chỉ đạo, điều hành sẽ tốt hơn.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, hoàn thiện thể chế, bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc, quy định của WTO; nghiên cứu, đánh giá tác động đối với những khu vực, đối tượng dễ bị tổn thương như: nông thôn, nông dân... trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó có chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, cùng với việc đôn đốc thực hiện, thì việc đánh giá kết quả Chương trình hành động nhằm thực hiện lộ trình hội nhập WTO là cần thiết, tránh tình trạng Chương trình “ban hành, để đấy”...

Chia sẻ bài viết