TP Cần Thơ đang thực hiện nhiều công trình, giải pháp khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, nhiều điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở đe doạ tính mạng, tài sản người dân đang cần hỗ trợ kinh phí đầu tư từ các bộ, ngành Trung ương để thực hiện…
Cấp thiết khắc phục sạt lở
Điểm sạt lở tại huyện Phong Điền xảy ra vào cuối tháng 5-2021 đang cần kinh phí để khắc phục.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, giai đoạn 2010-2020, TP Cần Thơ xuất hiện 226 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 8,8km. Các vụ sạt lở đã làm 5 người chết, 84 căn nhà bị nhấn chìm xuống sông, thiệt hại tài sản hơn 50 tỉ đồng. Riêng, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố tiếp tục xuất hiện 7 điểm sạt lở làm sụp hoàn toàn 1 căn nhà, 27 căn bị sụp một phần, thiệt hại trên 1,4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hiện nay thành phố còn có trên 110 điểm có nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài khoảng 53km, đe dọa sinh mạng, tài sản của người dân.
Quận Thốt Nốt, hiện có 39 điểm có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài hơn 15km và 269 căn nhà cần phải di dời. Ông Nguyễn Văn Quốc, ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, cho biết: “Ở cồn Tân Lộc năm nào cũng xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông. Người dân dùng cây tràm, dừa đóng cừ bảo vệ nhưng cũng không tránh được tình trạng sạt lở. Chúng tôi rất mong ngành chức năng thành phố, bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, đầu tư xây dựng các công trình sạt lở, nhằm bảo vệ cồn Tân Lộc và sinh kế của người dân trên cồn”.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Thốt Nốt đã gia cố 5 điểm sạt lở ở các phường Thới Thuận, Thuận An và Trung Kiên với chiều dài hơn 360m. Tuy nhiên, theo UBND quận Thốt Nốt, kinh phí phân bổ đầu tư còn hạn chế nên nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở chưa được khắc phục, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Thốt Nốt, cho biết: “Để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra trên địa bàn, quận đã xây dựng chủ trương, bố trí kinh phí để khắc phục 5 điểm sạt lở với số tiền khoảng 5 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách. Đối với điểm có nguy cơ sạt lở rất cao với chiều dài 270m trên tuyến sông Bò Ót (phường Thới Thuận), UBND quận đã có tờ trình gửi UBND thành phố xin hỗ trợ xây dựng bờ kè để phòng, chống sạt lở với tổng mức đầu tư khoảng 42 tỉ đồng. Đây là khu vực sạt lở nghiêm trọng nên trước đó UBND quận cũng đã đầu tư kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng để đổ đá gia cố tạm điểm sạt lở trên”.
Còn tại sông Ô Môn (quận Ô Môn) là tuyến sông chính có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông thủy của địa phương và TP Cần Thơ. Hằng ngày, tuyến sông có lưu lượng tàu thuyền qua lại rất lớn, đặc biệt là tàu có trọng tải lớn, tốc độ cao, gây ra sóng lớn nên mái bờ sông bị phá vỡ kết cấu, sinh ra các hàm ếch dẫn đến sạt lở nghiêm trọng. Nhất là tại điểm đầu của sông Ô Môn (tại khu vực giáp với sông Hậu, phường Thới An) nhiều lần xảy ra sạt lở trong những năm gần đây, cuốn trôi hàng chục căn nhà của người dân. Hiện một số điểm sạt lở nguy hiểm trên tuyến sông này đã được thi công bờ kè chống sạt lở, giúp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Tuy nhiên, 2 bên bờ sông vẫn còn nhiều điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao đang cần sự hỗ trợ, đầu tư khắc phục của thành phố và bộ, ngành Trung ương.
Các vụ sạt lở xảy ra từ đầu năm đến nay tập trung vào tháng 4, tháng 5, ngay thời điểm chuyển sang mùa mưa, gây hậu quả nghiêm trọng. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ đã có báo cáo gửi UBND thành phố để đề xuất Trung ương hỗ trợ 252 tỉ đồng thực hiện đầu tư 4 dự án kè chống sạt lở bờ sông. Trong đó, quận Bình Thủy có 2 dự án (sông Bình Thủy và sông Trà Nóc), quận Thốt Nốt 1 dự án (sông Bò Ót) và huyện Phong Điền 1 dự án (sông Cần Thơ)…
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ phối hợp với UBND quận Ô Môn vừa triển khai thi công Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn khu vực Thới An - phía bờ phải, đoạn từ đầu rạch Vàm đến bến đò Tầm Vu. Kè được xây dựng với tổng chiều dài 950m, kết cấu bê tông, cốt thép, gồm các hạng mục: tường kè, lan can, vỉa hè, đường giao thông, cây xanh, hệ thống thoát nước, chiếu sáng công cộng… Trong đó, vỉa hè được thiết kế có chiều rộng 2m, đường giao thông phục vụ việc đi lại của người dân phía trong kè rộng 4m.
Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ - đại diện chủ đầu tư, cho biết: “Công trình được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 114,5 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó vốn Trung ương đầu tư 80 tỉ đồng, phần còn lại là ngân sách của thành phố. Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Miền Trung là đơn vị thi công, Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Hậu Giang - Quý Hải là đơn vị tư vấn giám sát. Tuyến kè sẽ được thi công trong thời gian 22 tháng, dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2023. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra để tuyến kè xây dựng hoàn thành theo tiến độ đề ra”.
Ngoài dự án Kè chống sạt lở thuộc phường Thới An vừa khởi công, trên sông Ô Môn còn có dự án kè chống sạt lở tại khu vực ngã ba sông Ô Môn và Rạch Tra (thuộc xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai) đang thi công. Đoạn kè này dài 430m, tổng mức đầu tư hơn 49 tỉ đồng, Chi cục Thủy lợi thành phố cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc để công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 8-2021.
Dự án kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn đang được thi công trên địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy có tổng chiều dài 2.834,4m, kết cấu bê tông cốt thép, có vỉa hè, đường giao thông, cấp thoát nước, cây xanh… Đến nay trên địa bàn quận Bình Thủy (gói thầu 3) có 51/56 hộ dân bị ảnh hưởng bàn giao mặt bằng (bờ kè xây dựng hoàn thành), quận Ninh Kiều (gói thầu 1, 2) có 100/189 hộ bị ảnh hưởng bàn giao mặt bằng. Đến nay, dự án hoàn thành gần 51% khối lượng công trình. Đơn vị thi công rất mong quận Ninh Kiều sớm giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dự án vào cuối năm 2021.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố, cho biết: “Mặc dù thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống sạt lở, nhưng tình hình sạt lở diễn ra ngày càng nhiều, mức độ nghiêm trọng hơn khiến thành phố không đủ kinh phí để thực hiện các công trình, dự án khắc phục. Trong năm 2021, UBND TP Cần Thơ sẽ kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để khắc phục các điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn các quận Thốt Nốt, Bình Thủy và huyện Phong Điền… Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án đang thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch đề ra…”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN