12/06/2018 - 14:22

Nhiều cơ hội chữa lành cho trẻ bị nghe kém 

Ở các nước đang phát triển, cứ 1.000 trẻ thì có 2-5 trẻ bị nghe kém. Theo khuyến cáo của các tổ chức y khoa thế giới, nếu được phát hiện, can thiệp sớm, những trẻ này vẫn có thể phát triển gần như bình thường.

Đa số trẻ chưa được tầm soát

Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Lê Hoài Nhân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tai mũi họng (TMH) Cần Thơ cho biết: Đa số trẻ chưa được tầm soát điếc bẩm sinh. Điếc dẫn tới câm, gọi là câm điếc bẩm sinh. Nguyên nhân điếc bẩm sinh do di truyền, nhiễm rubella, cảm cúm, nhiễm trùng bào thai, trong lúc mang thai dùng thuốc gây độc cho tai… Khi sinh ra, bé không nghe được. Từ đó, bé không nói được, ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ, phát triển tư duy, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chị Lê Kim Thùy chăm con bị viêm tai giữa ứ dịch tại Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ.

Mỹ và các nước tiên tiến trên thế giới có chương trình tầm soát, chẩn đoán và can thiệp sớm 1-3-6: trong vòng 1 tháng tuổi trẻ được tầm soát nghe kém. Nếu có bất thường về thính giác, tháng thứ 3 kiểm tra lại bằng các nghiệm pháp thính học. Nếu trẻ được xác định bị điếc bẩm sinh thì 6 tháng tuổi bắt đầu can thiệp.

Trẻ bị câm điếc bẩm sinh thường bị nghe kém ở mức độ trung bình đến nặng, sâu. Nếu trẻ nghe kém mức độ nhẹ đến trung bình (≤ 75dB) thì được can thiệp sớm bằng đeo máy trợ thính và huấn luyện ngôn ngữ. Nếu điếc nặng và sâu, do sự hạn chế của công nghệ, máy trợ thính có thể không giúp trẻ tiếp cận đầy đủ lời nói, do đó cần xem xét đến chỉ định cấy ốc tai điện tử, giúp trẻ nghe tốt hơn. Sau khi đeo máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử, trẻ phải được huấn luyện ngôn ngữ, tập cho miệng nói chuyện, tập phát âm thì mới phát triển ngôn ngữ được.

Hiện tại, một số bệnh viện ở Cần Thơ có tầm soát trẻ nghe kém: Nhi đồng, Phụ sản, TMH, Quốc tế Phương Châu... Việc tầm soát, chẩn đoán sớm và chính xác cho các trẻ nghe kém giúp can thiệp kịp thời, phục hồi thính giác và ngôn ngữ cho trẻ. 

Bị viêm mũi họng, đừng quên khám tai

Bên cạnh điếc do bẩm sinh, nghe kém ở trẻ em thường do viêm tai giữa ứ dịch mà nguyên nhân là do viêm mũi họng, viêm VA, viêm amiđan gây tắc vòi nhĩ. Đây là nguyên nhân phổ biến gây nghe kém ở trẻ. Qua một nghiên cứu vào năm 2014 của Bệnh viện TMH Cần Thơ (đề tài cấp thành phố), khảo sát ngẫu nhiên hơn 1.000 trẻ đang theo học ở các trường mẫu giáo trên địa bàn TP Cần Thơ, tỷ lệ viêm tai giữa lên đến 18%.

Khi bệnh nhi bị viêm mũi họng, bác sĩ, phụ huynh chỉ chú ý đến mũi họng mà quên kiểm tra tai nên không phát hiện bệnh lý tại tai. Chị Lê Kim Thùy, ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh đang nuôi con bị viêm tai giữa ứ dịch tại Bệnh viện TMH Cần Thơ, cho biết: “Con tôi bị viêm mũi dị ứng, thời tiết thay đổi là bệnh. Mỗi lần vậy, tôi đều cho cháu đi khám bác sĩ tư. Bác sĩ cũng cho thuốc uống nhưng không kiểm tra tai. Mấy tháng gần đây cháu than tai hay bị lùng bùng. Thấy cháu sắp thi nên ráng, thi xong, nghỉ hè, mới đưa lên Bệnh viện TMH Cần Thơ. Bác sĩ cho nhập viện để nạo VA và điều trị viêm tai giữa ứ dịch. Không ngờ bị mũi mà bệnh lại ở tai”.

Bác sĩ Hồ Lê Hoài Nhân cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà ngành y tế xếp chuyên khoa TMH chung, các bệnh lý nơi đây thường khởi phát từ vùng vòm mũi họng. Bị mũi họng, tức là tai có vấn đề. Do bệnh lý tai biểu hiện rất tinh vi, lại nằm sâu trong ống tai nên khó khám, khó quan sát nhất là ở trẻ nhỏ nên thường bỏ qua vì thế còn gọi là viêm tai giữa im lặng, viêm tai giữa bí mật. Khi trẻ bị viêm hô hấp trên (sốt, ho, sổ mũi), trẻ cần được khám tại cơ sở chuyên khoa TMH, đặc biệt là nội soi TMH để phát hiện, điều trị kịp thời”.

Nếu không điều trị, bệnh kéo dài gây nhiều biến chứng nguy hiểm: dịch trong tai giữa có thể gây điếc cho trẻ, biến chứng viêm xương chủm, xẹp nhĩ,  thủng màng nhĩ, biến chứng liệt thần kinh mặt hoặc biến chứng não, màng não… Hiện nay, các phương pháp để điều trị nghe kém như phẫu thuật xẹp màng nhĩ, phẫu thuật xương chủm, thay thế xương con… đều đã được triển khai tại Bệnh viện TMH Cần Thơ.

Bệnh viện TMH Cần Thơ đang xây dựng trung tâm thính học. Dự kiến 6 tháng nữa sẽ hoàn thành. Khi đó, bệnh viện sẽ có đầy đủ trang thiết bị, huấn luyện ngôn ngữ, quản lý trẻ nghe kém.

Bệnh nghe kém do nguyên nhân bẩm sinh hay viêm tai giữa đều được điều trị hiệu quả, giúp trẻ phát triển bình thường nếu được phát hiện, can thiệp sớm. Chỉ loại trừ những trẻ điếc mà kèm theo các bệnh lý thần kinh, kém phát triển trí tuệ thì việc điều trị không hiệu quả.

Với những trẻ mới sinh chưa có điều kiện tầm soát thính lực, phụ huynh có thể tạo ra âm thanh để thử bé, gọi là phản xạ mi mắt: đứng bên hông bé vỗ tay, nghe tiếng vỗ tay, mi mắt trẻ sẽ chớp lại, tức là bé nghe bình thường.

Với trẻ lớn hơn, khi gọi trẻ không quay lại, gây tiếng động mà trẻ không phản xạ, cộng với các biểu hiện trẻ thu lại thế giới riêng, tính tình thụ động hay tăng động, thích chơi một mình, ít tiếp xúc, tương tác… cần đưa trẻ đi khám.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết