07/10/2010 - 21:11

Công tác xử lý vi phạm hành chính ở TP Cần Thơ

Nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ

Để góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2002 ra đời và đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2008 (gọi chung là Pháp lệnh xử lý VPHC). Song, sau thời gian dài có hiệu lực, đến nay, có khoảng hàng trăm Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC, dẫn tới tình trạng chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn trong việc áp dụng vào thực tế cuộc sống...

* Chồng chéo qui định xử phạt VPHC

Sau 8 năm kể từ khi Pháp lệnh Xử lý VPHC có hiệu lực thi hành, các cấp, các ngành trên địa bàn TP Cần Thơ đã thực hiện xử lý nghiêm các hành vi VPHC theo đúng quy định pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hành chính. Cụ thể như: Trong lĩnh vực an toàn giao thông đã xử phạt 20.706 trường hợp, với số tiền trên 21 tỉ đồng; 7.085 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng, phạt 3.969 trường hợp, với số tiền trên 680 triệu đồng; trong lĩnh vực kinh tế, thương mại đã phát hiện 507 vụ, 484 đối tượng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, trốn thuế, chủ yếu là thuốc lá ngoại, điện thoại di động, rượu ngoại... với tổng giá trị hàng hóa trên 4,3 tỉ đồng, đã xử phạt hành chính 450 đối tượng, với số tiền trên 580 triệu đồng...

Đoàn khảo sát công tác xử lý vi phạm hành chính của Văn phòng Chính phủ  làm việc với UBND quận Ninh Kiều. 

Theo đánh giá của các ngành chức năng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý VPHC luôn được các cấp, ngành, địa phương trong thành phố quan tâm, triển khai thực hiện. Công tác đấu tranh, phòng chống VPHC về cơ bản đã đạt được những kết quả tích cực. Pháp luật trong lĩnh vực xử lý VPHC đã từng bước hoàn thiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý VPHC của địa phương, góp phần tăng cường tính răn đe, giáo dục người vi phạm, thiết lập trật tự, kỷ cương xã hội. Tuy nhiên, đến nay Pháp lệnh Xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Một số quy định về chế tài xử phạt VPHC trong các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý VPHC cùng điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định, nhưng không có sự quy định thống nhất, dẫn đến chồng chéo làm cho chủ thể áp dụng văn bản quy phạm pháp luật không biết áp dụng chế tài của văn bản nào cho đúng. Cụ thể, tại khoản 8, Điều 7 Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27-1-2005 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với các hành vi khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trái phép trong phạm vi luồng. Hình thức phạt bổ sung: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi với hành vi vi phạm trên. Trong khi đó, tại điểm a, khoản 5 và điểm b, khoản 6 Điều 11 Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29-7-2004 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực khoáng sản (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10-5-2007) có quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Hình thức phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để khai thác trái phép. Như vậy, cùng một hành vi khai thác khoáng sản trái phép, nhưng lại có đến 2 chế tài xử phạt khác nhau. Từ đó, chủ thể áp dụng văn bản quy phạm pháp luật không biết phải áp dụng chế tài nào cho đúng.

Theo khoản 2, Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2008 quy định mức phạt tối đa đối với VPHC trong lĩnh vực đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa là 30 triệu đồng. Tuy nhiên, theo khoản 3, Điều 66 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và khoản 3, 4, 5 Điều 17 Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 5-6-2009 của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa thì mức phạt theo giá trị lô hàng. Đây là điểm không thống nhất về mức xử phạt VPHC đối với lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các văn bản luật. Ngoài ra, tại điểm 21, khoản 2, Mục 1 của Thông tư số 24/2009/TT-BKHCN ngày 31-12-2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định số 54/2009/NĐ-CP lại quy định: “Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong Nghị định số 54/2009/NĐ-CP là 30 triệu đồng”. Đây là mức phạt phù hợp với Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2008, nhưng lại không phù hợp với tình hình thực tế. Bởi lẽ, người vi phạm có giá trị hàng hóa lớn cũng bị phạt VPHC ở mức tối đa như người vi phạm có giá trị hàng hóa đến mức xử phạt là 30 triệu đồng...

* Những kiến nghị, đề xuất

Ông Mai Văn Bé, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: Một số trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên thi hành quyết định xử phạt VPHC còn khó khăn, khó thực hiện đối với trường hợp người vi phạm quá nghèo, không có tài sản, người vi phạm ở địa phương khác (ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); người vi phạm cố tình trốn tránh không nhận quyết định xử phạt...

Không chỉ vậy, một số đại biểu còn cho rằng: Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên một phần tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của hộ gia đình để thực hiện Quyết định xử phạt VPHC theo quy định tại Điều 65 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ khi thực hiện còn gặp một số khó khăn. Cụ thể như khó xác định tài sản tương ứng để kê biên; khó khăn trong việc thu tiền người bị cưỡng chế hành chính; về phía địa phương (UBND cấp huyện) lại không có kho, bãi để bảo quản tài sản kê biên... Đó là một trong những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý VPHC được các đại diện sở, ngành hữu quan của thành phố và chính quyền địa phương trình bày với Đoàn khảo sát công tác xử lý VPHC của Văn phòng Chính phủ, do ông Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật làm Trưởng đoàn, vừa có buổi làm việc tại TP Cần Thơ.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, các đại biểu còn đề xuất, kiến nghị với Đoàn khảo sát những vấn đề như: Ban hành biểu mẫu thống nhất về trình tự, thủ tục xử lý VPHC cho các lực lượng được giao thẩm quyền xử phạt VPHC. Đề nghị các cơ quan chức năng cấp trên cần thường xuyên rà soát các nghị định, thông tư hướng dẫn xử lý vi phạm kịp thời phát hiện để loại bỏ những quy định đã không còn hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn và tránh tình trạng một hành vi vi phạm nhưng nhiều văn bản khác nhau điều chỉnh. Về thẩm quyền xử phạt và mức xử phạt, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, đề xuất: “Thẩm quyền xử lý VPHC của Chủ tịch UBND cấp xã theo khoản 4, Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử phạt VPHC năm 2008 quy định phạt tiền đến 2 triệu đồng, thì nay đề nghị tăng lên đến 20 triệu đồng. Bởi đây là lực lượng gần dân, nên dễ phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi VPHC trong từng lĩnh vực cụ thể”.

Ngoài ra, các đại biểu còn kiến nghị cần quy định chế tài xử phạt VPHC trên từng lĩnh vực để tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thực thi pháp luật áp dụng được thuận tiện. Bên cạnh đó, cần quy định biện pháp xử lý VPHC thích đáng và cụ thể đối với các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào công tác xử lý VPHC của cơ quan có thẩm quyền; biện pháp xử lý hành chính cụ thể đối với đối tượng có liên quan...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết