Bài, ảnh: H.HOA
BS CKII Trần Văn Phúc, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ, nêu lên một thực trạng báo động: Ða số các ca điều trị ARV mới ở khoa trong 10 tháng năm 2022 là người trẻ, học sinh, sinh viên, nhất là trong nhóm MSM trẻ. Các em quan hệ tình dục không an toàn, rồi nhiễm HIV.
Ths Dáp Thanh Giang cập nhật kiến thức về HIV/AIDS cho cán bộ đoàn, y tế trường học.
Quan hệ tình dục đồng giới không an toàn
Thống kê của cơ quan chuyên môn, trước đây, ở Việt Nam, HIV chủ yếu lây qua đường máu (nhóm nghiện chích ma túy) và lây qua đường tình dục (nhóm phụ nữ mại dâm). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh. Ðộ tuổi người nhiễm HIV là MSM có xu hướng trẻ hóa, tập trung ở thanh niên, nhóm dưới 25 tuổi, đáng lưu ý là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Ths Ðoàn Thị Kim Phượng, Phó Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, cho biết: Ở Cần Thơ, năm 2017, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM do quan hệ tình dục không an toàn chiếm 41%. Năm 2021 tăng lên đến 60%, nhất là trong nhóm tuổi từ 16-25 tuổi, năm 2017 là 24%, còn hiện nay là 36%.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ở nước ta, tỷ lệ nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm MSM, chủ yếu MSM trẻ. Số MSM nhiễm HIV chiếm 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện năm 2020. Chủ yếu là công nhân ở các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên. Nhóm tuổi 15-24 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4% năm 2021 lên 25,6% năm 2022. Còn theo số liệu điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ từ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%; ở nam 48,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học cũng chưa hoàn toàn hiểu rõ về dự phòng lây nhiễm HIV.
Từ thực tế đó, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12 năm nay chọn chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - thanh niên sẵn sàng” nhằm tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thanh niên.
Trang bị kiến thức, kỹ năng cho giới trẻ
Ðại diện Ðoàn trường Ðại học Cần Thơ cho biết, để đưa kiến thức phòng, chống HIV/AIDS đến với sinh viên, nhà trường luôn đa dạng hình thức tuyên truyền như tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức về HIV/AIDS, tình dục an toàn, cách nhận diện và phòng bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản, các cách phòng ngừa lây nhiễm AIDS… Hay các hội thi tuyên truyền thông qua tiểu phẩm, các ý tưởng đề xuất giải pháp, thiết kế ấn phẩm tuyên truyền trên mạng xã hội… Trong nhiều năm, trường có Ðội cộng tác viên phòng, chống HIV/AIDS do CDC Cần Thơ hỗ trợ về chuyên môn, thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp, gián tiếp cho sinh viên về dự phòng, cấp bao cao su, chất bôi trơn, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV... cho sinh viên.
Hằng năm, Trường Ðại học Cần Thơ còn duy trì tổ chức Hội thi Tuyên truyền phòng, chống ma túy, HIV/AIDS. Hội thi thường xuyên thay đổi về hình thức tổ chức để thu hút sinh viên. Từ việc chỉ tổ chức thi kiến thức trực tiếp trên sân khấu, từ năm 2019 nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức thi trực tuyến cho toàn thể sinh viên, thu hút trên 15.000 sinh viên đăng ký dự thi.
Theo anh Trương Thanh Tùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn Cần Thơ, thời gian tới, Thành đoàn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền qua nhiều hình thức: cấp phát tài liệu, nhất là chuyển đổi số trong triển khai tài liệu để thông tin được lan tỏa, đến với nhiều người trong xã hội. Ðồng thời, phát triển, nhân rộng các câu lạc bộ đồng đẳng tại các trường học, xây dựng mới các câu lạc bộ, đội, nhóm về phòng, chống HIV/AIDS tại các quận, huyện; tạo dựng đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên vững kiến thức, có chuyên môn về HIV/AIDS. Phấn đấu thực hiện: Chi đoàn, chi hội, chi đội không có người nhiễm HIV/AIDS. Mỗi đoàn viên, hội viên, đội viên là một tuyên truyền viên tích cực trong phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng...
Từ thực tế điều trị, BS Phạm Trí Hùng, Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt, cho biết: Truyền thông cần tập trung cho nhóm học sinh ở các trường THPT, cao đẳng, đại học. Hướng dẫn các em cách phòng, tránh nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục để các em có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe của mình, thực hiện hành vi an toàn.
Ths Dáp Thanh Giang, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, CDC tổ chức 13 lớp tập huấn cho sinh viên nòng cốt ở 13 trường đại học, cao đẳng; lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông cho cán bộ đoàn, y tế trường học ở các trường THPT trên địa bàn. Qua kiến thức, tài liệu được trang bị, các bạn này sẽ phổ biến lại cho học sinh, sinh viên ở trường mình. Trọng tâm công tác truyền thông của CDC là học sinh, sinh viên, nhất là trong nhóm MSM trẻ... nhằm hạn chế số ca nhiễm gia tăng.