10/01/2015 - 15:42

Nhân vật lịch sử Võ Tánh

Tỉnh ủy Tiền Giang vừa tổ chức hội thảo chủ đề “Võ Tánh trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ 18”, với sự tham dự của lãnh đạo các cấp, nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh Tiền Giang. Cuộc hội thảo đã cung cấp thêm nhiều tư liệu, làm cơ sở khoa học để có một cái nhìn khách quan hơn về nhân vật lịch sử Võ Tánh.

Chết để giữ sinh mạng nhân dân

Võ Tánh hay Võ Tính là một danh tướng nhà Nguyễn. Nhiều tham luận trong hội thảo đều cho rằng ông sinh năm 1768 tại huyện Phước An (nay là huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), sau dời về huyện Bình Dương thuộc Phiên Trấn (nay là TP Hồ Chí Minh). Có tài liệu cho rằng Phước An thuộc Biên Hòa (Đồng Nai). Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho biết: Võ Tánh là người Tắc Khái (Cửa Lấp – Vũng Tàu), đến đời nội tổ thì dời đến huyện Bình Dương.

Nhà Tây Sơn dưới triều đại Quang Trung rất hiển hách với nhiều chiến công lừng lẫy. Nhưng khi Quang Trung tạ thế đột ngột, triều đình Tây Sơn ngày một suy sụp trên nhiều mặt. Chính vì vậy mà Võ Tánh đã rất khó khăn khi lựa chọn chỗ đứng trước hoàn cảnh lịch sử nầy. Thấy dân tình khốn đốn, xã hội nhiễu nhương nhiều mặt, từ năm 1783 đến 1788, Võ Tánh cùng anh là Võ Nhàn tập hợp lực lượng nổi dậy tại thôn Vườn Trầu (Hóc Môn). Biết đây không phải đất dụng võ, Võ Tánh dời về Định Tường, chiếm giữ bãi đất Khổng Tước (Gò Công), tự xưng là Tống nhung, chia binh thành 5 đạo, hơn 1 vạn người, gọi là Kiến Hòa đạo. Người đương thời xưng tụng ông là một trong “Gia Định tam hùng” (Võ Tánh, Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp)… Nghe tiếng, Nguyễn Phúc Ánh cho người mang lễ vật đến chiêu hiền, Võ Tánh từ chối. Khi Nguyễn Phúc Ánh mời lần thứ hai, ông mới nhận lời. Năm 1788, Võ Tánh đến Nước Xoáy (Sa Đéc) hội binh, được Nguyễn Phúc Ánh phong Tiên phong dinh Khâm sai chưởng cơ, và gả em gái là Ngọc Du… Năm 1799, Võ Tánh theo chúa Nguyễn đánh Quy Nhơn. Vào cửa Thị Nại, ông và Chưởng hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức đánh thắng quân Tây Sơn tại Thị Giả. Đô đốc Lê Chất xin hàng, xin làm thuộc tướng Võ Tánh… Cũng tại Quy Nhơn, ông đánh bại tướng Tây Sơn là Lê Văn Thanh và Nguyễn Đại Phát, chiếm thành, đổi tên thành là Bình Định.

Năm 1801, đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định giao Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Ngay sau đó, thành bị quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy của Thái phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng bao vây. Trần Quang Diệu sai đắp lũy xung quanh thành, chia quân bốn mặt. Võ Văn Dũng đôn đốc thủy quân phòng giữ cửa Thị Nại. Nguyễn Phúc Ánh, Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy đem đại binh tìm cách giải cứu, đại thắng thủy quân Tây Sơn tại Thị Nại, nhưng không giải vây được thành. Quân Nguyễn Phúc Ánh rút đánh Phú Xuân theo lời khuyên của Võ Tánh. Trần Quang Diệu thúc quân ngày đêm đánh thành. Cạn kiệt lương thực, có người khuyên vượt vòng vây trốn, Võ Tánh cương quyết ở lại. Sau đó, ông cho người trao Trần Quang Diệu một bức thư, xin tha chết quân sĩ trong thành. Rồi ông sai thuộc hạ chất củi rơm dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, châm ngòi tự vẫn. Đó là ngày 27- 5 Tân Dậu (7-7-1801).

  Võ Quốc công miếu ở Long Thuận (Gò Công).

Khi lên ngôi, Nguyễn Phúc Ánh với vương hiệu Gia Long truy tặng Võ Tánh là Dực Vận công thần Thái úy Quốc công. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), truy phong Võ Tánh là Hoài Quốc công.

Cái nhìn khách quan

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu giải thích: “Theo Tây Sơn hay Nguyễn Ánh là sự lựa chọn hết sức khó khăn cho con người trong thời đại Võ Tánh, riêng đối với con người thức thời như Võ Tánh lại càng khó hơn, vì với Nguyễn Ánh, ông còn mối thù giết anh… Nhưng sau khi Nguyễn Ánh về nước và 2 lần cử người mang lễ vật đến thuyết phục ông, ông dẹp bỏ thù riêng, lấy mục tiêu của Nguyễn Ánh làm mục tiêu cho đời mình”. Đó cũng là lúc quan hệ giữa chính quyền Tây Sơn và nhân dân dần dần thay đổi. Sau khi Quang Trung mất đột ngột, triều Tây Sơn dưới sự trị vì của Quang Toản suy yếu nhanh chóng, các mâu thuẫn và xung đột nội bộ bùng nổ…

Theo Nguyễn Ánh cũng là vì Võ Tánh lấy dân làm gốc, “chúa có thể khác nhưng dân thì chỉ một”. Cái chết của ông cũng theo phương châm đó: “Trong tình thế ngặt nghèo, Võ Tánh quyết định treo cờ trắng, mở cửa thành với điều kiện: Người thắng trận không được đụng đến sinh mệnh của bất cứ người dân nào trong thành”, PGS-TS Hà Minh Hồng (Trường ĐHKHXH-NV TP HCM). Trong hội thảo, bên cạnh những vấn đề được đồng thuận cao, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để có sự đánh giá khách quan và khoa học hơn về nhân vật lịch sử nầy.

Lăng mộ

Mộ Võ Tánh nằm trong nội cung thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc. Mộ hình tròn trên nấm có đắp hình con dơi. Mộ nằm kề bên mộ Ngô Tùng Châu, hình chữ nhật (sau cải táng về Phù Cát). Theo học giả Vương Hồng Sển thì thi hài Võ Tánh bị cháy hết. Sau, vua Gia Long sai lập mộ tưởng nhớ ông ở Phú Nhuận (nay tọa lạc tại hẻm 19 đường Hồ Văn Huê, TP Hồ Chí Minh), chôn hình nhân bằng sáp. Tại Bình Định cũng có di tích và cơ sở thờ tự Võ Tánh. Tại ấp Gò Tre (Long Thuận, thị xã Gò Công, Tiền Giang) có đền thờ mang tên Võ Quốc công miếu thờ Võ Tánh. Ngoài ra bà con Gò Công còn thờ Võ Tánh ở một số đình miếu khác. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ Võ Tánh (27-5 âm lịch), hàng ngàn người dân địa phương và các vùng lân cận đến cúng viếng, tạo nên nét sinh hoạt tâm linh nổi bật ở vùng Gò Công trong hơn một thế kỷ qua.

Võ Quốc công miếu tại xã Long Thuận được khởi công xây dựng năm 1956, hoàn thành năm 1958, là kiến trúc dạng đền miếu truyền thống Nam Bộ. Năm 2005, UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, Võ Quốc công miếu xuống cấp trầm trọng, việc trùng tu là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân Gò Công. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, “đối với Tiền Giang và vùng Gò Công, cụ Võ Tánh có nhiều đóng góp quan trọng, giúp người dân cải thiện cuộc sống lúc bấy giờ, chẳng hạn: Tập hợp lực lượng, tuyển mộ quân, xây đồn đắp lũy trừ bọn cướp giúp người dân khai phá ruộng đất, canh tác trồng trọt yên ổn. Cụ còn cho quân đào ao Đồn Binh lấy nước ngọt, giúp bà con trong vùng không còn tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng…”. Cuộc hội thảo “Võ Tánh trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ 18” cũng là cái nhìn khách quan, là cơ sở khoa học để tỉnh Tiền Giang có định hướng trong việc trùng tu, tôn tạo những di tích liên quan đến Võ Tánh và có cơ sở để quản lý tốt hơn nét sinh hoạt thờ cúng Võ Tánh của nhân dân vùng Gò Công.

Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Tư liệu tham khảo:

- Wikipedia tiếng Việt
- Hội thảo “Võ Tánh trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ 18”.

Chia sẻ bài viết