10/06/2024 - 20:07

Nhân rộng mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải 

Từ vụ hè thu 2024, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải”. Mô hình này không chỉ giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo mà từ đó làm “điểm” để đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả để nhân rộng, phát triển mô hình trong những vụ lúa tiếp theo. Qua đó, giúp Cần Thơ và các địa phương vùng ĐBSCL triển khai thực hiện tốt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC).

Hiệu quả tích cực

Mô hình “canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải” được thực hiện thí điểm tại huyện Vĩnh Thạnh trong vụ hè thu 2024 với diện tích 50ha tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thuận Tiến ở ấp H2, xã Thạnh An. Cánh đồng sản xuất lúa của HTX Thuận Tiến cũng là nơi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng với TP Cần Thơ và các đơn vị có liên quan chọn để tổ chức lễ khởi động cánh đồng 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Mô hình “canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải” tại HTX Thuận Tiến ở Vĩnh Thạnh.

Mô hình tại HTX Thuận Tiến hướng đến mục tiêu thúc đẩy cơ giới hóa trong gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính theo các tiêu chí của Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Theo đó, các diện tích lúa tham gia mô hình phải đáp ứng các tiêu chí về sử dụng giống xác nhận, áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD), sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân bón, giảm số lần bón phân còn 2 lần/vụ. Đồng thời, áp dụng IPM quản lý bảo vệ thực vật, áp dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch, thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa… Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Thuận Tiến, cho biết: “Lúa trong mô hình được sạ giống OM 5451. Đến nay, lúa đã được hơn 55 ngày tuổi và đang phát triển rất tốt, hứa hẹn vụ mùa thắng lợi. Qua thống kê sơ bộ bước đầu cho thấy, nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên chi phí sản xuất đầu vào đã giảm hơn 20% so với trước đây. Đáng chú ý, việc áp dụng cơ giới hóa gieo sạ chính xác bằng máy sạ hàng kết hợp với vùi phân bón đã giúp giảm giống hiệu quả, xuống còn ở mức 60kg/ha, đồng thời giúp tiết kiệm nhiều chi phí nhân công...”.

Vụ hè thu 2024, nông dân tại HTX New Green Farm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt cũng được ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ phối hợp cùng các đơn vị có liên quan hỗ trợ thực hiện mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải, với diện tích 1,2ha. Qua đó, nhằm thúc đẩy cơ giới hóa trong gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính tại TP Cần Thơ. Mô hình được thực hiện cũng nhằm đồng hành, hưởng ứng thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Bên cạnh áp dụng máy sạ hàng kết hợp với vùi phân bón, nông dân tại HTX còn được hỗ trợ và hướng dẫn áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong các khâu sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính. Theo ông Đồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm, việc thực hiện cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt áp dụng “1 phải, 5 giảm” có kết hợp bón phân hữu cơ từ rơm đã giúp nông dân giảm được 40% phân đạm hóa học và nhiều chi phí đầu vào, qua đó lợi nhuận từ sản xuất lúa được nâng cao hơn 3,49 triệu đồng/ha. Với sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, trong những năm qua nông dân tại HTX cũng đã thực hiện sản xuất lúa gạo chất lượng cao gắn với phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm để nâng cao thu nhập và giảm phát thải. Rơm trong quá trình sản xuất lúa đã được sử dụng để trồng nấm rơm và nguồn rơm sau đó tiếp tục được dùng làm phân bón hữu cơ để bón cho lúa và các loại cây trồng.

Nhân rộng mô hình

Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC được triển khai thực hiện tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang và Cà Mau. Thực hiện Đề án, Bộ NN&PTNT đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan triển khai các mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải từ vụ lúa hè thu 2024. Có 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL được chọn để thực hiện mô hình thí điểm, gồm: Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh. Mỗi địa phương thực hiện 1 mô hình thí điểm, với diện tích khoảng 50ha. Qua đó, có mô hình cụ thể  tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, phát thải thấp và từ đó cũng làm “điểm” để đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả để nhân rộng mô hình, phát triển quy mô thực hiện những năm tiếp theo.

Qua thực tế triển khai thí điểm mô hình “canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải” tại TP Cần Thơ trong vụ hè thu 2024, cho thấy đã giúp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cả về kinh tế và môi trường, nên sớm nhân rộng mô hình này. Theo nhiều nông dân trồng lúa ở TP Cần Thơ, hiện trên địa bàn đã thành lập được nhiều HTX nông nghiệp gắn với việc hình thành các cánh đồng lớn là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mô hình “canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải”. Song, nông dân vẫn còn thiếu thông tin, kiến thức về các thiết bị, máy móc, công nghệ và quy trình kỹ thuật để canh tác lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải. Do vậy, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tập huấn cho người dân. Đặc biệt, cần tạo điều kiện để nông dân được tham quan thực tế tại các mô hình đang triển khai và hỗ trợ bà con tiếp cận được các thiết bị công nghệ và máy móc cần thiết cho quá trình sản xuất, nhất là các máy móc phục vụ gieo sạ và xử lý rơm rạ... Theo ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Thuận Tiến, nông dân mong muốn ngành chức năng tăng cường các hoạt động hỗ trợ và mở thêm nhiều lớp tập huấn kỹ thuật để bà con tiếp cận quy trình sản xuất nhằm nhân rộng mô hình. Sản xuất lúa cũng ngày càng đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và các điều kiện thời tiết, thị trường có bất lợi, do vậy nông dân cần được cập nhật các thông tin, kiến thức để chủ động thích ứng.

Cần Thơ có 78.000ha đất trồng lúa, hằng năm gieo trồng ba vụ lúa với tổng sản lượng 1,350 triệu tấn. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp với quy mô 38.000ha và giai đoạn 2026-2030 đạt 50.000ha theo kế hoạch. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, bên cạnh việc tăng cường tập huấn kỹ thuật để hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải, ngành Nông nghiệp thành phố cũng đang tích cực kết nối nông dân tại các HTX và tổ hợp tác sản xuất lúa với các hệ sinh thái doanh nghiệp. Tạo điều kiện hình thành và phát triển các chuỗi liên kết bền vững...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết