08/10/2019 - 07:32

Nhẫn nại dạy trẻ chậm nói 

Phòng âm ngữ trị liệu, thuộc Khoa Thính học - âm ngữ - trị liệu, Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP Cần Thơ (ở đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tiếp nhận cải thiện tình trạng cho những trẻ chậm nói do nghe kém và nhiều nguyên nhân khác. Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng đã trở thành địa chỉ thân quen của các em nhỏ không may mắc bệnh chậm nói.

►Hạnh phúc nhân đôi

Bé Nguyễn Võ Ngọc Thiện (12 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) sống với bà ngoại Phạm Thị Đẹp. Bà ngoại của Thiện kể: Thiện được sinh ra lành lặn, nhưng qua thôi nôi, rồi đến 2 - 3 tuổi, cháu không nói được. Gia đình đưa đi khám bệnh, bác sĩ cho biết Thiện bị bệnh tự kỷ, gia đình cho cháu đến Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật của tỉnh học ngôn ngữ ký hiệu. Năm ngoái, cháu lên Cần Thơ khám bệnh, các bác sĩ BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ chẩn đoán Thiện bị điếc sâu cả hai tai. Bà mua máy trợ thính cho Thiện. Gần đây, một tổ chức phi chính phủ phối hợp với BV tặng thêm một máy nữa. Trong 5 tháng qua, Thiện theo học lớp cải thiện khả năng ngôn ngữ của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thảo.

Thiện là học trò cưng của cô giáo Thanh Thảo, giáo viên phụ trách Phòng âm ngữ trị liệu của BV. Cô Thảo kể, ban đầu Thiện rất nhát, đến lớp, bé ngồi yên một chỗ, cúi đầu. Cô Thảo phải tìm hiểu, biết Thiện thích vẽ, cô kết hợp vừa học vừa chơi vẽ tranh, tô màu; dần dà, Thiện thân thiện hơn. Suốt 12 năm qua, Thiện không nghe được âm thanh nên lúc đầu đeo máy, Thiện khó chịu, cứ gỡ ra. Qua mỗi ngày, với các bài học nghe âm thanh bằng cách cô Thảo giả tiếng kêu các con vật và các âm thanh thường gặp trong cuộc sống, Thiện quen dần và bắt chước theo cô Thảo, lặp lại từng từ. Sau 5 tháng học tập, Thiện đã kể tên được các đồ vật xung quanh, biết trả lời những câu hỏi ngắn.

Cô Thảo kể, hôm trước, trong lúc hai cô trò đang ngồi học, bà ngoại bị ho, cô giáo chỉ vào bà ngoại, dạy Thiện nói, “Thiện, bà ngoại bị ho”. Mấy hôm sau, bà ngoại lại bị ho, Thiện níu tay cô Thảo chỉ, “Cô giáo, bà ngoại bị ho”. Câu nói ngắn gọn, tưởng dễ dàng đối với những trẻ khỏe mạnh bình thường, nhưng do đứa trẻ suốt 12 năm mới lần đầu tập nghe, tập nói, thì đó là kỳ tích, là niềm vui vỡ òa của người thân.

Theo cô Thảo, một số trẻ cùng lúc vừa chậm nói do nghe kém, vừa tự kỷ, nên việc tiếp cận, hướng dẫn các bé vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự hợp tác đồng hành của cha mẹ. Bé Phạm Tăng Ng. Y. (3 tuổi), con gái của chị Tăng Huỳnh Ng. Th. (34 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) là một trường hợp như thế. Theo chị Th., con gái chị được BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ vận động nguồn tài trợ nước ngoài tặng máy trợ thính miễn phí và theo lớp của cô Thảo để tập nói. Từ khi đeo máy cùng sự hướng dẫn của cô Thảo dạy, bé ngoan hơn, biết nghe lời, ít quấy phá hơn. Về nhà, chị cũng thường xuyên nói chuyện với con, dạy con tập nói. Những tưởng bệnh tật của con là vô vọng, nhưng giờ đây thấy con có tiến triển, dù chút ít, cũng là niềm hạnh phúc vô bờ.

Lớp học của cô giáo Thảo gần 20 em, ít tuổi nhất là 2, nhiều tuổi nhất là 12. Cô giáo Thanh Thảo cho biết, trẻ chậm nói được chia làm nhiều dạng. Trẻ chậm nói đơn thuần là trẻ không đủ vốn từ để diễn tả nhưng vẫn hiểu được lời nói và thực hiện được mệnh lệnh đơn giản. Trẻ muốn giao tiếp nhưng lại không biết nói như thế nào hoặc chỉ nói được một từ. Trẻ chậm nói đơn thuần có sự hạn chế về giao tiếp nhưng các dạng vận động về thể chất và tinh thần hoàn toàn bình thường.

Cô giáo Thanh Thảo dạy Thiện tập nói.

Đáng lưu ý, nhóm trẻ chậm nói do các nguyên nhân đặc biệt. Trong đó, bệnh có thể gặp ở nhóm trẻ tự kỷ bẩm sinh, một dạng bệnh lý rối loạn phát triển thần kinh. Ngoài ra, bệnh còn gặp ở nhóm trẻ tự kỷ do môi trường: Trẻ đang trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ, cần có môi trường giao tiếp và học hỏi nhưng “bị” cho xem TV, các thiết bị điện tử quá nhiều. Người thân không dành nhiều thời gian dạy và chơi với trẻ, khiến trẻ lệ thuộc vào các thiết bị điện tử,… mà không biết cách giao tiếp, tương tác với mọi người xung quanh. Trẻ dần thu mình và hạn chế tương tác, thiếu kỹ năng xã hội trong khoảng thời gian dài, cũng là nguyên nhân dẫn đến tự kỷ. Ngoài ra, trẻ chậm nói còn do mắc các tật khác như nghe kém (điếc), chậm phát triển trí tuệ, bại não, rối loạn phát triển, hội chứng Down, tăng động giảm chú ý… Trẻ gặp các cú sốc tâm lý cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng chậm nói. Trẻ bị ngược đãi trong thời gian dài, gặp khủng hoảng tâm lý cũng cản trở trẻ giao tiếp với mọi người xung quanh...

►Đồng hành cùng trẻ

Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Xuân Huyên, Phụ trách Khoa Thính học - âm ngữ - trị liệu, BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ, cho biết, trước đây, những trẻ cấy ốc tai điện tử đầu tiên tại BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ phải lên Sài Gòn để chỉnh máy và tập nghe nói, tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Sự vất vả của phụ huynh và trẻ khiếm thính là lý do BV thành lập Phòng âm ngữ trị liệu. BV thực hiện chương trình huấn luyện trẻ theo tiết cá nhân, một giáo viên - một trẻ và hướng dẫn gia đình cách dạy trẻ tại nhà. Phương pháp này lấy gia đình là trọng tâm, vì phần lớn thời gian trẻ giao tiếp với gia đình ở nhà. Khi người nhà hợp tác tốt với giáo viên thì trẻ sẽ có nhiều cơ hội để nghe nói, tiếp xúc và gắn bó với người thân; đồng thời cũng giảm được chi phí cho trẻ đi học. Trẻ được cấy ốc tai hoặc đeo máy sớm từ 2- 3 tuổi, chỉ cần học 2, 3 buổi tại BV, còn những trẻ đeo máy trễ hơn, từ 7- 8 tuổi, cần nhiều thời gian huấn luyện hơn trong thời gian đầu.

Ghi nhận từ thực tế, bác sĩ Xuân Huyên cho biết, gần 1 năm qua, Khoa Thính học - âm ngữ - trị liệu tiếp nhận rất nhiều trẻ chậm nói do nghe kém bẩm sinh nhưng phát hiện rất trễ, lúc 7- 8 tuổi, vì cho rằng trẻ phát triển bình thường, làm gì cũng đều bắt chước làm được, rồi từ từ trẻ sẽ nói chuyện được. Khi trẻ đến tuổi vào lớp 1 nhưng vẫn không nói chuyện được gia đình mới đưa trẻ đi khám, dẫn đến việc can thiệp và dạy nghe nói càng khó khăn.

Thời gian qua, BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ phối hợp với tổ chức Hear The World thực hiện chương trình tặng máy miễn phí, giúp nhiều trẻ nghe âm thanh, học nghe nói, mở ra cơ hội cho trẻ. Vì vậy, khi thấy trẻ chậm nói so với lứa tuổi, gọi tên không biết quay đầu lại, hay đến 12 tháng tuổi trẻ không bập bẹ “ba, bà...”, gia đình nên đưa trẻ đi khám sớm. Khi phát hiện trẻ nghe kém thì cố gắng cho trẻ đeo máy và đi học huấn luyện ngôn ngữ, về nhà tập theo hướng dẫn của giáo viên.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết