19/08/2023 - 08:52

Nhân lên niềm hạnh phúc 

KIẾN QUỐC 

Trong sự hối hả của cuộc sống hiện đại, việc duy trì “ngọn lửa” hạnh phúc gia đình là điều không đơn giản, nhất là với những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống. Ðể xây dựng mái ấm, những người mẹ, người vợ luôn là nhân tố tích cực trong việc “giữ lửa”, nhân lên niềm hạnh phúc từ việc gắn kết các thành viên trong gia đình.

Một buổi sum họp của gia đình cô Vũ Thị Dung ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều. Ảnh: Gia đình cung cấp

Không khí vui tươi, đầm ấm là những gì chúng tôi cảm nhận được khi đến thăm gia đình 4 thế hệ của cô Vũ Thị Dung ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều. Cô Dung bồi hồi kể: “Thời gian đầu kết hôn, chồng đi bộ đội ở miền Nam, một mình tôi gồng gánh cả gia đình. Ðến năm 1986, cả nhà tôi chuyển vào miền Nam đoàn tụ. Những năm tháng qua, dù cuộc sống vô cùng vất vả nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn động viên nhau cùng vượt qua khó khăn”. Theo cô Dung, điều đáng quý nhất là vợ chồng cô đã lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn và công thành danh toại.

Hiện nay, vợ chồng cô Dung đang phụng dưỡng mẹ chồng và chung sống với các con cháu. 4 thế hệ cùng một mái nhà, dù có những khoảng cách tuổi tác nhưng gia đình cô giữ được hòa khí giữa các thành viên. Cô Dung tự hào khi các con cháu chưa bao giờ “to tiếng” với nhau. Con ruột hay dâu, rể và các cháu nhỏ đều yêu thương, biết kính trọng ông bà. Vợ chồng cô cũng luôn chia sẻ, hỗ trợ các con khi khó khăn và cùng chăm lo, dạy bảo các cháu. Theo cô Dung, dù có nhiều khác biệt trong quan niệm, cách sống của mỗi thế hệ, song với sự thấu hiểu, cảm thông, các thành viên trong gia đình luôn thuận hòa, hạnh phúc. “Tôi quan niệm rất đơn giản, mình thương các con thì các con sẽ thương mình. Dù là con ruột hay dâu rể, tôi đều thương yêu và cư xử chuẩn mực, công tâm, dạy con cháu ứng xử lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Ðó chính là yếu tố giúp gia đình tôi luôn hạnh phúc” - cô Dung trải lòng.

Người xưa thường nói: “Ðàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Ðây cũng là phương châm để chị Nguyễn Thị Bích Vân ở quận Bình Thủy, xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình 3 thế hệ. Làm dâu trong gia đình gốc Bắc, chị từng rất bỡ ngỡ vì cách sinh hoạt, ăn uống khác biệt của gia đình chồng. Ðể hòa nhập, thích nghi, chị quan tâm trò chuyện cùng ba mẹ chồng, rồi tình cảm ngày càng khăng khít. Chị tập tành nấu những món ăn đặc trưng miền Bắc để hợp khẩu vị ba mẹ; đồng thời, đưa vào thực đơn hằng ngày những món ăn miền Nam để cả gia đình thưởng thức, tạo sự hòa hợp trong việc ăn uống.

Theo chị Bích Vân, trong gia đình nhiều thế hệ, việc khác biệt về quan điểm, cách sống... hoàn toàn không thể nào tránh khỏi. Ðể dung hòa, các thành viên cần có sự cảm thông và tìm ra tiếng nói chung. Chị Bích Vân cho biết, vợ chồng chị bận rộn đi làm nên ba mẹ chồng đảm nhận chăm cháu. Dù cách nuôi dạy trẻ thế hệ trước so với hiện tại có nhiều khác biệt nhưng chị luôn tiếp thu kinh nghiệm sống của ông bà, biết ơn vì ông bà đã thương yêu, chăm sóc cháu. Ngược lại, ba mẹ chồng chị cũng tôn trọng ý kiến chứ không áp đặt các con phải theo ý mình. Nhờ sự yêu thương chân thành mà các thành viên trong gia đình chị luôn hòa hợp, hạnh phúc.

Vợ chồng chị Hoàng Anh ở quận Cái Răng, và 2 con nhỏ đang sống cùng bà nội. Ngày chị mới về làm dâu, mẹ chồng đã lớn tuổi nên chị rất lo lắng. Theo chị Hoàng Anh, phần vì bà sống đơn thân lo cho con trai từ nhỏ, nên tính tình khá nghiêm khắc. Chị dặn dò các con phải hiểu tâm lý người lớn tuổi để thông cảm, yêu thương bà nội. Noi theo cách sống nghĩa tình của cha mẹ, các con chị luôn kính trọng và xem bà nội là “cục ấm” để khi về nhà cứ ôm chầm, tíu tít quây quanh. Hơi ấm này đã đem đến niềm vui, sự khắng khít giữa các thành viên trong gia đình.

Trong gia đình nhiều thế hệ, việc khác biệt về quan điểm, cách sống... hoàn toàn không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, khoảng cách sẽ được rút ngắn khi có sự quan tâm, gần gũi, yêu thương chân thành. Quan trọng là mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người mẹ, người vợ có cách ứng xử khéo léo để giữ gìn hạnh phúc.

Chia sẻ bài viết