20/05/2015 - 20:42

Nhận định thị trường để có bước đi phù hợp

Hội chợ Thương mại sản phẩm Thái Lan tại Cần Thơ vừa kết thúc. Hội chợ không chỉ tạo điều kiện để người dân tham quan, mua sắm mà còn giúp doanh nghiệp (DN) trong nước và Thái Lan mở ra cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường kết nối giao thương. Đây cũng là dịp để DN Việt quan sát, nhìn nhận lại thị trường, từ đó có những bước đi phù hợp, kịp thời trước “dòng chảy” hàng ngoại đã và đang tràn về ĐBSCL.

* Kết nối…

Hội chợ Thương mại sản phẩm Thái Lan tại Cần Thơ quy tụ gần 50 công ty, với 50 gian hàng tham gia trưng bày nhiều chủng loại hàng hóa của Thái Lan. Bao gồm các ngành hàng: thực phẩm, thực phẩm chế biến; máy móc, dụng cụ nông nghiệp; dệt may, đồ dùng nhà bếp; du lịch; giáo dục và nhà hàng. Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, với sự hợp tác có hiệu quả giữa các cơ quan hữu quan 2 nước, TP Cần Thơ hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội chợ nhằm tăng cường xúc tiến thương mại; thúc đẩy đầu tư, giao lưu văn hóa giữa 2 quốc gia. Hội chợ Thương mại sản phẩm Thái Lan tại Cần Thơ là cơ hội để thành phố quảng bá hình ảnh đến đất nước Thái Lan. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp 2 nước gặp gỡ kết nối giao thương, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ hợp tác, tìm kiếm thị trường...

DN trong nước giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Thương mại sản phẩm Thái Lan để tìm kênh phân phối tại đất nước này.  

Cùng với trưng bày, giới thiệu sản phẩm; giao thương hàng hóa, Ban Tổ chức còn tổ chức hoạt động gặp gỡ, trao đổi trực tiếp để đi đến các thỏa thuận hợp tác kinh doanh giữa các DN. Về phía TP Cần Thơ, ngành chức năng cũng đem đến DN và nhà đầu tư Thái Lan nhiều thông tin bổ ích về tình hình và chính sách đầu tư nước ngoài tại thành phố. Bà Malinee Harnboonsong, Giám đốc Văn phòng Thương vụ, Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Thái Lan và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, dịch vụ, du lịch và giáo dục. Hội chợ Thương mại sản phẩm Thái Lan tại Cần Thơ nằm trong chuỗi hoạt động vừa nêu. Mục tiêu của chúng tôi khi tổ chức sự kiện này là quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các DN vùng ĐBSCL”.

Tại buổi kết nối giao thương trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại sản phẩm Thái Lan, DN Việt Nam và DN Thái Lan đều mong muốn hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Bà Lê Thị Phương Thảo, Chủ Cơ sở sản xuất Chiếu UZU Tân Châu Long (tỉnh An Giang), cho biết: “Qua giao dịch, mua bán, chúng tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng chiếu và các sản phẩm làm từ cây UZU như quạt, dép, giỏ... ở Thái Lan khá cao. Chính vì vậy, chúng tôi đến tham gia giao lưu, kết nối giao thương để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trực tiếp hoặc tìm kênh phân phối tại Thái Lan”. Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, Trợ lý Kinh doanh khu vực, Công ty TVDI Việt Nam (TP Hồ Chí Minh), nói: “Là công ty con của TVDI tại Việt Nam, chuyên kinh doanh sản phẩm điện gia dụng. Chúng tôi từng tham gia hội chợ tương tự ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Qua tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, chúng tôi cho rằng TP Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung là thị trường tiềm năng. Không chờ đến buổi kết nối giao thương hôm nay, chúng tôi đã tìm được một số đối tác, ký kết hợp đồng ngay tại gian hàng trong ngày đầu khai mạc”.

* DN Việt cần “vững tay chèo”

Năm 2015, lần đầu tiên Hội chợ Thương mại sản phẩm Thái Lan được tổ chức tại Cần Thơ. Như vậy, không chỉ chú trọng đầu tư vào kênh phân phối tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều DN Thái Lan mong muốn đưa sản phẩm hàng hóa của mình thâm nhập vào khu vực ĐBSCL. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tận dụng cơ hội Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới và khu vực, hàng Thái Lan đang dần lấn sân tại thị trường bán lẻ trong nước. Ông Nguyễn Tiến Đạt, người dân quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nhận xét: “So với các nước ở khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc…, hàng Thái Lan giá mềm hơn, nên không ít người lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ Thái Lan”.

Bình luận:

Nâng tầm hợp tác

Hạ tuần tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tiếp đoàn Bộ trưởng Thương mại Thái Lan sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Tại buổi gặp, hai Bộ trưởng đánh giá cao những thành tựu và tiềm năng trong quan hệ thương mại song phương...

(Xem tiếp)

Hiện nay, sức lan tỏa của hàng Thái Lan tại khu vực ĐBSCL chưa mạnh, chưa rõ nét và chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các DN trong nước. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những bước đi của DN Thái Lan, các DN trong nước cũng cần chủ động tìm hướng đi phù hợp. Theo bà Lê Thị Phương Thảo, chủ Cơ sở sản xuất chiếu UZU Tân Châu Long (tỉnh An Giang), mặc dù hàng Thái có ưu điểm, nhưng hàng Việt Nam lại có bản sắc riêng. “Hội nhập càng sâu thì cơ hội cho hàng Việt trên đất Thái cũng nhiều hơn vì điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng giữa 2 nước có sự tương đồng. Mặt khác, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” những năm qua đã mang lại hiệu ứng tích cực, tạo niềm tin, khẳng định vị thế trong lòng dân Việt” - bà Lê Thị Phương Thảo nói. Nhiều ý kiến cho rằng để trụ vững trước làn sóng hàng Thái Lan cũng như hàng hóa từ các nước khác, DN Việt buộc phải chú trọng hơn nữa đến chất lượng, xây dựng thương hiệu, mở rộng các kênh phân phối để hàng hóa tiếp cận nhanh với người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng khu vực nông thôn.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ bao phủ của hàng Việt ở thị trường trong nước còn thấp và thiếu bền vững, kênh phân phối chưa ổn định... Điều này tạo áp lực lớn cho DN Việt nếu muốn mở rộng, phát triển thị trường trong nước. Đó là chưa kể, khi Việt Nam “mở cửa” thị trường rộng hơn và thuế suất hạ về mức 0%, không chỉ hàng hóa Thái Lan mà của các nước khác cũng dễ dàng vào Việt Nam. Do đó, theo ông Trần Văn Tư, Chủ tịch Hội Khoa học xã hội và Nhân văn TP Cần Thơ, không còn giải pháp nào khác là các DN Việt phải liên kết lại. “Liên kết DN nhỏ thành DN lớn, tạo nội lực cạnh tranh. Khi hội nhập, nếu ai nhanh trí, nắm được thông tin, làm chủ được thị trường nông thôn thì bên đó thắng. Họ vào khu vực đô thị có thể nhanh nhưng thâm nhập nông thôn thì không thể nhanh được. Bởi cần phải có thời gian để tìm hiểu văn hóa, thị trường nông thôn. Đó là lợi thế của DN Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng” - ông Trần Văn Tư nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ THANH

* Bà Lê Thị Kim Thu, Giám đốc Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế Cần Thơ
Tập dượt để doanh nghiệp Việt chuẩn bị tâm thế, tự tin hội nhập

Thời gần đây, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế Cần Thơ diễn ra một số kỳ hội chợ thương mại về các sản phẩm của nước ngoài. Điển hình như Hội chợ Sản phẩm Pháp tổ chức vào tháng 2-2015 và mới đây nhất là Hội chợ Thương mại sản phẩm Thái Lan. Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, trong khuôn khổ Hội chợ còn diễn ra các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp ký kết ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, hợp đồng bán lẻ; cung cấp sản phẩm hàng hóa, mở hệ thống phân phối...

Thông qua các kỳ hội chợ, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo cách bày trí, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường; chia sẻ, học tập kinh nghiệm từ các nước bạn. Đây có thể coi là những khóa tập dượt để doanh nghiệp Việt chuẩn bị tâm thế và tự tin hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng.

CHI MAI

* Ông Suchart Mhosomsakul, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Chillington Tool, Thái Lan
Hợp tác dựa trên sự tương đồng

Công ty Chillington Tool chuyên sản xuất dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp xây dựng như: cuốc, xẻng, búa, dao các loại... Việt Nam và Thái Lan có những tiềm năng và lợi thế tương đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, sự liên kết, hợp tác giữa 2 bên là điều cần thiết và đúng đắn.

Chúng tôi không có nhiều thông tin và chưa xác định được sản phẩm nào phù hợp với điều kiện, nhu cầu của người dân Việt Nam. Do đó, tôi mong muốn tìm nhà phân phối cho các sản phẩm của mình tại 3 miền Bắc, Trung và Nam để cung cấp cho chúng tôi những thông tin hữu ích này. Riêng đối với khu vực ĐBSCL - “vựa lúa của cả nước”, tôi cần 1-2 nhà phân phối đáng tin cậy...

MỸ THANH

* Anh Phạm Chí Tín, Chủ hệ thống cung ứng nem Lai Vung Nem Lá Vông, phường An Bình, quận Ninh Kiều
Người Việt là kênh tuyên truyền, quảng bá hữu hiệu

Được biết, ở Thái Lan, người dân rất chuộng một loại sản phẩm có hương vị giống như nem chua tại Việt Nam. Do đó, đến với Hội chợ Thương mại sản phẩm Thái Lan lần này, tôi kỳ vọng sẽ mang sản phẩm nem chua quê nhà sang đất Thái. Trước hết, sản phẩm sẽ từng bước sang nước bạn thông qua một bộ phận người Việt kiều ở Thái Lan. Chính những người Việt này sẽ là kênh tuyên truyền, quảng bá hữu hiệu, sống động về sản phẩm của đất nước mình đến người tiêu dùng Thái Lan.

Khi nem chua tìm được chỗ đứng khá ổn định, chúng tôi thực hiện các bước kế tiếp như: tìm kiếm, mở rộng kênh phân phối; xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm; xây dựng thương hiệu...

CHI MAI

* Bà Lê Thị Chúc Mai, người dân phường Hưng Phú, quận Cái Răng
Vẫn ưu tiên chọn hàng Việt

Hàng hóa từ các nước vào Việt Nam ngày càng nhiều. Điều này mang đến nhiều sự lựa chọn cũng như cơ hội mua sắm cho người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài đều có giá nhỉnh hơn so với hàng sản xuất trong nước. Trong đó, chi phí vận chuyển, kho bãi... là những nguyên nhân chính khiến giá hàng ngoại đội lên. Vì vậy, sản phẩm ngoại thường thích hợp với những người khá, giàu. Còn hàng Việt do không phải chịu những loại phí kể trên nên giá mềm hơn và phù hợp với người bình dân, đặc biệt là bộ phận cư dân ở nông thôn.

Về chất lượng, hàng trong nước cũng có những thương hiệu nổi tiếng, khẳng định được vị thế như: nhựa Duy Tân, quạt Senko, nước rửa chén Mỹ Hảo... Do đó, tôi vẫn tin tưởng và ưu tiên dùng hàng Việt.

QUẾ LIM

Chia sẻ bài viết